Tàu Trung Quốc phát hiện nước trên Mặt Trăng

Trạm đổ bộ Hằng Nga 5 tìm thấy các dấu hiệu của nước trong mẫu đất đá thu thập tại vị trí hạ cánh trên Mặt Trăng.
Thiết kế trạm đổ bộ Mặt Trăng mang tên Hằng Nga 5. Ảnh: CFP

Thiết kế trạm đổ bộ Mặt Trăng mang tên Hằng Nga 5. Ảnh: CFP

Nhóm nhà khoa học Trung Quốc công bố kết quả nghiên cứu cho thấy trạm đổ bộ Mặt Trăng Hằng Nga 5 phát hiện các dấu hiệu của nước tại vị trí hạ cánh. Trạm đổ bộ đáp xuống Mặt Trăng ngày 1/12/2020 để thu thập mẫu đất đá. Số mẫu vật này sau đó được phóng lên, giao cho tàu quỹ đạo và đưa trở về Trái Đất ngày 17/12/2020. Con tàu mang về thành công tổng cộng 1.731 gram mẫu vật.

Theo nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Science Advances hôm 8/1, đất Mặt Trăng ở địa điểm hạ cánh chứa chưa đầy 120 ppm nước (hay 120 gram nước mỗi tấn đất), và một tảng đá xốp, nhẹ, tại đó chứa 180 ppm, khô hơn nhiều so với trên Trái Đất.

Thiết bị trên trạm đổ bộ Mặt Trăng đo đạc sự phản chiếu quang phổ của lớp đất mặt và tảng đá để phát hiện nước. Hàm lượng nước có thể được ước tính dựa vào việc phân tử nước hoặc hydroxyl có độ hấp thụ khoảng 3 micromet, theo nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS).

Gió Mặt Trời đóng góp phần lớn vào độ ẩm của đất Mặt Trăng vì nó mang tới hydro, thành phần của nước. Sự gia tăng 60 ppm nước trong đá có thể xuất phát từ bên trong Mặt Trăng. Theo đó, tảng đá có khả năng bắt nguồn từ một khối đá basalt cổ xưa và ẩm ướt hơn, sau đó được đẩy tới điểm tiếp đất của trạm đổ bộ Hằng Nga 5. Nghiên cứu mới hé lộ Mặt Trăng đã trở nên khô hơn trong một khoảng thời gian nhất định, có thể do quá trình khử khí của lớp phủ.

"Số mẫu vật được mang về Trái Đất là hỗn hợp gồm những hạt nhỏ cả ở trên bề mặt lẫn phía dưới. Tuy nhiên, tàu thăm dò tại chỗ có thể đo đạc lớp ngoài cùng của bề mặt Mặt Trăng", Lin Honglei, nhà nghiên cứu tại Viện Địa chất và Địa vật lý thuộc CAS, cho biết.

Lin cũng cho biết, mô phỏng các điều kiện thực tế trên bề mặt Mặt Trăng ở Trái Đất là nhiệm vụ đầy thách thức nên việc đo đạc tại chỗ rất thiết yếu. Kết quả nghiên cứu mới cũng nhất quán với các phân tích sơ bộ về mẫu đất đá Mặt Trăng mà tàu Trung Quốc mang về Trái Đất. Phát hiện mới cung cấp thêm thông tin cho các nhiệm vụ Hằng Nga 6 và Hằng Nga 7 của Trung Quốc trong tương lai.

Thu Thảo (Theo CGTN)