Tàu chiến Nga khai hỏa, phá hủy xuồng tự sát Ukraine gần Crimea

(Dân trí) - Hai tàu chiến của Nga đã đẩy lùi cuộc tấn công bằng xuồng tự sát nhằm vào mục tiêu gần Crimea.
Tàu chiến Nga khai hỏa, phá hủy xuồng tự sát Ukraine gần Crimea - 1

Một xuồng tự sát không người lái của Ukraine (Ảnh: SBU).

Bộ Quốc phòng Nga hôm 17/8 thông báo, một xuồng tự sát của Ukraine đã tấn công mục tiêu gần bán đảo Crimea.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các tàu tuần tra Pytlivy và Vasili Bykov đã khai hỏa vào xuồng tự sát Ukraine và phá hủy phương tiện này.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga hôm 14/8 tuyên bố phá hủy một cơ sở sản xuất và lưu trữ xuồng tự sát của Ukraine.

Vụ tập kích diễn ra trong lúc căng thẳng trên Biển Đen gia tăng kể từ khi Nga tuyên bố rời khỏi thỏa thuận ngũ cốc do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Nga tuyên bố sẽ coi mọi tàu đi về các cảng Ukraine là có thể mang theo vũ khí, đồng thời tập kích một số cảng Biển Đen của Ukraine. Sau đó, Ukraine đáp trả bằng cách dùng xuồng tự sát tấn công các tàu Nga ở Biển Đen.

Việc cầu Crimea và một số vụ Hạm đội Biển Đen của Nga bị tấn công trước đó đã cho thấy mối nguy hiểm của xuồng tự sát với các mục tiêu quan trọng của Moscow tại khu vực mà họ chiếm ưu thế áp đảo trước Kiev.

Các chuyên gia cho biết, xuồng tự sát Ukraine thường di chuyển sát mặt biển và kích thước tương đối nhỏ, nên việc phát hiện chúng bằng radar hoặc thiết bị thủy âm là một thách thức lớn với Nga.

Ngoài ra, các xuồng này có thể bị sóng biển che khuất cho tới khi chúng tới rất gần mục tiêu. Việc đánh chặn các vũ khí tương đối nhỏ, tốc độ khá nhanh lúc này trở nên thách thức hơn.

Cầu Crimea (hay cầu Kerch), cây cầu bắc qua eo biển Kerch nối bán đảo Crimea và đất liền Nga, đã trở thành mục tiêu của các vụ tấn công. Moscow cáo buộc Kiev đứng sau các vụ tấn công này.

Trong vụ việc hôm 12/8, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tập kích bất thành vào cầu Crimea, sử dụng tên lửa phòng không S-200 được hoán cải thành biến thể có khả năng tấn công mặt đất. 

Tàu chiến Nga khai hỏa, phá hủy xuồng tự sát Ukraine gần Crimea - 2

Cầu Crimea (Ảnh: Reuters).

Các chuyên gia nhận định, việc bảo vệ cầu Crimea, công trình mang tính biểu tượng và là mục tiêu chiến lược của Ukraine, đang đặt ra thách thức ngày càng lớn cho Nga.

"Cầu Kerch vẫn là một lỗ hổng quan trọng đối với Nga và bất kỳ động thái đóng cửa (cầu này) trong thời gian dài cũng sẽ gây khó khăn cho khả năng hỗ trợ các hoạt động của Nga ở phía nam Ukraine", Gabrielle Reid, phó giám đốc công ty tình báo an ninh S-RM, nói với Newsweek.

Chuyên gia Reid cho rằng, mục tiêu do Ukraine đặt ra về việc làm gián đoạn tuyến tiếp viện của Nga qua cầu Crimea sẽ khó đạt được, trừ khi Kiev tiến hành các cuộc tấn công liên tục khiến nỗ lực sửa chữa cây cầu của Nga gặp khó khăn.

Ngoài ra, khoảng cách từ cầu Kerch tới các khu vực khác của Ukraine, hệ thống phòng thủ do Nga trang bị xung quanh cầu và việc lên kế hoạch tấn công cầu đồng nghĩa với việc Kiev khó có thể khiến cây cầu huyết mạch này đóng cửa vĩnh viễn.

Tuy vậy, cầu Crimea vẫn là một điểm yếu "dễ bị tổn thương" của Nga, đòi hỏi Moscow phải đa dạng hóa các tuyến tiếp viện ngoài cây cầu này, dù Nga không có nhiều lựa chọn để làm điều đó.

"Nếu Ukraine tìm cách cắt đứt các tuyến tiếp viện trên bộ (của Nga) trong cuộc phản công, bằng cách giành quyền kiểm soát các thị trấn quan trọng như Tokmak và đặc biệt là Melitopol, ý nghĩa chiến lược của cầu Kerch sẽ tăng vọt", chuyên gia Reid nhận định.

Tàu chiến Nga khai hỏa, phá hủy xuồng tự sát Ukraine gần Crimea - 3

Bán đảo Crimea (Ảnh: NYT).

"Việc cây cầu bị phá hủy hoặc bất kỳ thiệt hại đáng kể nào với cầu Kerch sẽ đặt ra những thách thức thực sự đối với Nga, buộc Nga phải tìm một tuyến đường thay thế có khả năng đáp ứng hoạt động vận tải bằng cả đường bộ và đường sắt tương tự (cầu Kerch)", chuyên gia Reid nói thêm.

Việc phá vỡ các tuyến liên lạc và tiếp viện của Nga là một trong những mục tiêu của Ukraine trong chiến dịch phản công. Mục tiêu này bao gồm phóng tên lửa vào các cơ sở hạ tầng và tuyến tiếp viện trên bộ do Nga kiểm soát.

"Cầu Kerch vẫn là con đường chính, nếu không muốn nói là duy nhất, đáng tin cậy tới Crimea, tạo điều kiện hậu cần cho lực lượng quân sự Nga ở Crimea và Kherson. Tấn công cây cầu này khiến nguồn tiếp viện của Nga trở nên phức tạp hơn. Việc cầu này liên tục bị tấn công chứng tỏ Nga không có khả năng bảo vệ ngay cả những công trình biểu tượng của họ", Sergej Sumlenny, người sáng lập tổ chức tư vấn Đức, Trung tâm Sáng kiến Khả năng phục hồi Châu Âu, nhận định.