Thầy Nguyễn Xuân Diện, quê ở Hưng Yên, giáo viên Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên, người đã có khoảng 20 năm học tập và làm việc tại Trung Quốc. Thầy hiện đang dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho các thế hệ sinh viên tại đây và đích thân chứng kiến những thay đổi về nhận thức của người trẻ Trung Quốc với tiếng Việt và Việt Nam.
Thầy Nguyễn Xuân Diện chia sẻ: "Trong 14 năm giảng dạy tại trường, cảm nhận sâu sắc của tôi là ấn tượng về Việt Nam của sinh viên Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Tôi còn nhớ những năm đầu tiên về trường, khi hỏi về Việt Nam, các em hầu như không biết. Giờ các em hoàn toàn tự nguyện thi vào chuyên ngành tiếng Việt. Đây là sự thay đổi rất lớn mà tôi cảm nhận rất sâu sắc. Điều này khiến tôi cảm thấy mừng và thấy trách nhiệm của mình cũng rất lớn, phải làm sao nỗ lực hơn nữa để các em càng yêu Việt Nam hơn, càng biết đến Việt Nam hơn".
Đây là những chia sẻ của thầy Nguyễn Xuân Diện, giáo viên người Việt tại Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên ở Trùng Khánh, Trung Quốc về những bước ngoặt trong quá trình giảng dạy tiếng Việt tại đây.
Cô La Văn Thanh, Viện trưởng Học viện ngôn ngữ phương Đông thuộc Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên.
Theo giáo sư La Văn Thanh, Viện trưởng Học viện ngôn ngữ phương Đông, khoa tiếng Việt của Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên thành lập năm 2009, hiện có hơn 100 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc đang theo học chuyên ngành tiếng Việt và văn học Việt.
Là người gắn bó với khoa tiếng Việt ngay từ những ngày đầu thành lập, thầy Diện nhớ lại, ban đầu hầu hết sinh viên đều được điều chuyển từ các chuyên ngành khác và đối với các em Việt Nam là một đất nước xa lạ. Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước, cũng như giao lưu, hợp tác kinh tế ngày một nhiều giữa các địa phương của Trung Quốc, trong đó có Trùng Khánh với Việt Nam, nhu cầu về nhân tài biết tiếng Việt hiện khá lớn. Sinh viên chuyên ngành tiếng Việt ở đây sau khi tốt nghiệp ra trường rất dễ tìm được việc làm với mức lương cao.
"Ở Trung Quốc hiện có một trào lưu nghiên cứu về các nước ASEAN, các nước dọc theo Sáng kiến 'Vành đai và Con đường', nên giờ đây nghiên cứu Việt Nam học ở Trung Quốc đang rất hot, không chỉ lôi cuốn được các nhà nghiên cứu, mà còn cả các bạn sinh viên".
Đường Tiểu Hòa, nghiên cứu sinh thạc sĩ chuyên ngành văn học Việt tại Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên.
Đường Tiểu Hòa, nữ sinh đang học nghiên cứu sinh tại Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên, là một trường hợp chuyển từ bị động học tiếng Việt khi vào đại học, sang tự nguyện theo học văn học Việt khi lên bậc thạc sĩ. Thầy Diện là một giáo viên đã hỗ trợ nhiệt tình cho em trong quá trình học tập.
"Thầy Diện là một giáo viên rất gần gũi với sinh viên nên tất cả chúng em đều rất yêu mến thầy. Bất kỳ có câu hỏi nào, em đều không ngại ngùng mà sẽ trực tiếp gặp và nhờ thầy giúp đỡ. Thầy thường giải đáp cho chúng em rất tận tình. Em cũng tham gia một môn học của thầy trong chương trình thạc sĩ, đó là tuyển đọc văn học Việt Nam. Qua tiết học của thầy, em có cái nhìn khái quát về các tác phẩm văn học và nhà văn tiêu biểu của Việt Nam qua từng thời kỳ, từ đó giúp em có được sự hiểu biết tổng thể về văn học Việt Nam".
Ngoài các giờ học chính khóa, tuần thực tiễn giữa mỗi học kỳ tổ chức hàng năm, là một sân chơi văn hóa lành mạnh, bổ ích và thiết thực, giúp sinh viên chuyên ngành tiếng Việt vừa học, vừa trải nghiệm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam qua các hoạt động như: ngâm thơ, diễn thuyết, múa hát, diễn kịch, nhảy sạp, xem phim Việt Nam, viết thư pháp tiếng Việt, biểu diễn trang phục truyền thống Việt Nam...
Theo thầy Diện, nấu các món ăn truyền thống Việt Nam luôn là hoạt động được các bạn sinh viên Trung Quốc đặc biệt trông đợi: "Các em lúc đầu cũng bỡ ngỡ không biết làm, bởi ở Trung Quốc, đặc biệt là Trùng Khánh, nữ thường ít nấu ăn, đàn ông nấu nhiều hơn, nên các bạn nữ không thạo bếp núc lắm. Thế nhưng các bạn vẫn rất thích nấu món ăn Việt Nam, bởi có thể văn hóa ẩm thực Việt rất khác. Do vậy các bạn rất thích tự tay làm, gói nem. Mặc dù gói nem cũng khó, nhưng các bạn rất thích trải nghiệm này".
Theo chia sẻ của cô La Văn Thanh, Viện trưởng Học viện ngôn ngữ phương Đông, cùng với sự hỗ trợ của những giáo viên bản địa như thầy Diện, khoa tiếng Việt của Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên đang tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, kết hợp giữa đào tạo với thực tiễn và mở rộng giao lưu quốc tế: "Thầy Xuân Diện là giáo viên nước ngoài ngay từ khi chúng tôi mở chuyên ngành tiếng Việt tại Đại học Ngoại ngữ Tứ Xuyên. Thầy là một giáo viên rất tốt, có tinh thần trách nhiệm cao và rất quan tâm đến sinh viên. Thầy đã hướng dẫn và giúp đỡ rất nhiều sinh viên về kiến thức, đặc biệt là giúp các em tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Mỗi học kỳ chúng tôi đều có chương trình thực hành văn hóa, thầy Diện thường đích thân hướng dẫn học trò làm các món ăn Việt và có những trải nghiệm thú vị về trang phục truyền thống của Việt Nam".
Tận mắt chứng kiến những thay đổi của sinh viên Trung Quốc khi theo học tiếng Việt, hơn ai hết thầy giáo Xuân Diện cảm thấy rất vinh dự và tự hào: "Bây giờ tôi thấy các em càng ngày càng yêu thích tiếng Việt, càng ngày càng biết đến Việt Nam, đây là điều rất vinh dự với một người thầy, đặc biệt là một trong những thầy cô người Việt giảng dạy tiếng Việt ở Trung Quốc. Nhưng tôi cũng thấy trọng trách rất lớn, bởi các em càng có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, thầy càng phải giữ được ngọn lửa nhiệt tình, để giúp các em đam mê hơn".
Nói về những dự định cho tương lai, thầy Diện chia sẻ: "Dự định của tôi là rất muốn mở một nhà hàng Việt trong trường, để các em sinh viên đến đó ăn, trải nghiệm hoặc giúp làm những món ăn Việt".
Từ một người đàn ông Việt không hề biết nấu ăn, do xa nhà vì đã lập gia đình và làm việc ở Trung Quốc, thầy giáo Nguyễn Xuân Diện giờ không chỉ có thể nấu rất nhiều món ăn truyền thống Việt Nam, mà còn truyền tình yêu đối với ẩm thực và văn hóa Việt tới các thế hệ sinh viên Trung Quốc. Chúc cho ý tưởng quán ăn Việt trong khuôn viên trường đại học của thầy sớm thành hiện thực, cũng như đất nước, con người và văn hóa Việt Nam được lan tỏa rộng hơn trong thế hệ trẻ ở Trung Quốc.