Ngôi mộ 3.300 năm chứa nhiều trang sức vàng

Các nhà khảo cổ Ai Cập khai quật nhiều trang sức bằng vàng độc đáo, bao gồm một chiếc nhẫn khắc hình thần vui vẻ, trong ngôi mộ hơn 3.300 năm tuổi.
Vòng cổ hình giọt nước và chiếc nhẫn khắc hình thần Bes (bên phải) trong ngôi mộ cổ. Ảnh: MOTA

Vòng cổ hình giọt nước và chiếc nhẫn khắc hình thần Bes (bên phải) trong ngôi mộ cổ. Ảnh: MOTA

Ngôi mộ chứa các trang sức nằm ở phía bắc thành phố cổ đại Akhetaten (ngày nay là Amarna), cách Cairo khoảng 300 km. Thành phố này được xây dựng bởi pharaoh Akhenaten (trị vì trong khoảng năm 1353 - 1336 trước Công nguyên). Ông tìm cách thay đổi tín ngưỡng đa thần của Ai Cập sang thờ thần Mặt Trời Aten. Ông cũng chuyển kinh đô của Ai Cập từ Thebes (ngày nay là Luxor) sang thành phố mới xây dựng Akhetaten. Cuối cùng, cuộc cải tổ tôn giáo của Akhenaten bị bài trừ bởi con trai ông là pharaoh Tutankhamun. Thành phố mới bị bỏ hoang không lâu sau khi Akhenaten qua đời.

Số trang sức mới phát hiện bao gồm 3 chiếc nhẫn, theo thông báo hôm 13/12 của Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập. Một trong số đó khắc hình Bes, thần vui vẻ. Những hình ảnh cổ đại của thần Bes thường được tìm thấy ở Ai Cập. Vị thần này là một người lùn biết chơi nhạc cụ và vui tính, đồng thời là thần bảo trợ phụ nữ trong thời kỳ sinh sản.

Một chiếc nhẫn khắc chữ tượng hình Ai Cập có nghĩa "Quý bà của Đất". Các nhà nghiên cứu chưa rõ người phụ nữ này là ai. Ngoài ra, trong mộ còn có một chiếc vòng cổ bằng vàng.

Nhóm khai quật chưa thể xác định chủ nhân ngôi mộ là ai, tại sao lại chôn đồ trang sức cùng hài cốt và liệu ngôi mộ có nằm trong nghĩa trang hay không. Họ đang tiếp tục công tác khai quật ở Amarna, theo Anna Stevens, trợ lý giám đốc Dự án Amarna kiêm giảng viên ở Trung tâm văn hóa cổ đại thuộc Đại học Monash, Australia. Cô cho biết nhóm nghiên cứu sẽ công bố phát hiện trong vòng vài tháng tới.

An Khang (Theo Live Science)