Những hiện tượng thời tiết cực đoan năm 2022

Biến đổi khí hậu khiến hiện tượng nóng lên toàn cầu trong năm qua cùng với các hình thái thời tiết cực đoan ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người.
Lính cứu hỏa xử lý đám cháy gần Landiras, tây nam nước Pháp hôm 15/7. Ảnh: Reuters

Lính cứu hỏa xử lý đám cháy gần Landiras, tây nam nước Pháp hôm 15/7. Ảnh: Reuters

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), Trái Đất hiện đã nóng lên khoảng 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người.

Bất chấp những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó lường, gây ra những tác động lan rộng và đôi khi "không thể đảo ngược" đối với con người đến hệ sinh thái.

Sóng nhiệt

Năm 2022 đã chứng kiến nắng nóng kỷ lục tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Sóng nhiệt ở châu Âu gia tăng về cả tần suất lẫn cường độ trong 4 thập kỷ qua. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications đầu tháng 7, sự thay đổi ở châu Âu diễn ra nhanh hơn so với những khu vực khác trên thế giới.

Mùa hè năm nay, nhiệt độ tại một số vùng của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã chạm ngưỡng 46°C. Mức nhiệt gần 43°C cũng được ghi nhận tại Pháp, trong khi Cơ quan Khí tượng Anh báo cáo mức nhiệt cao nhất trong lịch sử nước này vào hôm 19/7, đạt 40,2°C tại sân bay Heathrow ở London.

"Biến đổi khí hậu thúc đẩy sóng nhiệt ở châu Âu cũng như mọi đợt sóng nhiệt khác hiện nay. Khí nhà kính từ quá trình đốt những nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí và dầu khiến các sóng nhiệt trở nên nóng hơn, kéo dài hơn và xảy ra thường xuyên hơn", Friederike Otto, giảng viên cấp cao về khoa học khí hậu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London, giải thích.

Người dân đi qua một biển báo nhiệt độ 46°C tại Bilbao, Tây Ban Nha ngày 17/6. Ảnh: Reuters

Người dân đi qua một biển báo nhiệt độ 46°C tại Bilbao, Tây Ban Nha ngày 17/6. Ảnh: Reuters

Biến đổi khí hậu khiến mùa hè đến sớm hơn ở Pakistan, kéo theo những đợt nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe người dân. Hôm 13/5, nhiệt độ tại thành phố Jacobabad ở tỉnh Sindh đã đạt đỉnh 50°C, theo Cục Khí tượng Pakistan. Trên toàn quốc, nhiệt độ trung bình cũng được cảnh báo là cao hơn từ 6°C đến 9°C so với bình thường, với thủ đô Islamabad cùng các thành phố lớn như Karachi, Lahore và Peshawar ghi nhận nhiệt độ vào khoảng 40°C vào ngày12/5.

Trung Quốc năm qua cũng trải qua đợt nắng nóng được đánh giá là "nghiêm trọng nhất trong vòng 6 thập kỷ". Truyền thông nước này vào tháng 8 đưa tin hơn 10 khu vực cấp tỉnh, trong đó có Chiết Giang, Giang Tô, An Huy, hứng chịu nhiệt độ từ 40°C đến 42°C. Huyện Trúc Sơn thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc thậm chí đạt mức nhiệt trên 44°C hôm 13/8.

Theo Sun Shao, chuyên gia Viện Khoa học Khí tượng Trung Quốc, thời tiết bất thường là do hiện tượng hoàn lưu khí quyển, đặc biệt là sự bất thường của vùng cao cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, ảnh hưởng tới thời tiết và khí hậu dị thường ở khu vực gió mùa Đông Á.

Hạn hán và cháy rừng

Như một hệ quả của sóng nhiệt, châu Âu đã hứng chịu đợt hạn hán "tồi tệ nhất 500 năm qua", với khoảng 2/3 lục địa trong tình trạng cảnh báo hạn hán, theo báo cáo được công bố ngày 23/8 của Tổ chức Quan sát Hạn hán Toàn cầu.

Ủy viên nghiên cứu Mariya Gabriel từ Ủy ban châu Âu cho biết hạn hán "gây căng thẳng chưa từng có đối với mực nước toàn EU" và tác động lớn đến sản xuất cây trồng.

Hạn hán và nền nhiệt cao còn gây ra các vụ cháy rừng nghiêm trọng, quy mô hàng trăm nghìn ha ở châu Âu, khiến nhiều người phải sơ tán.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng thời tiết sẽ ngày càng khắc nghiệt hơn do biến đổi khí hậu, khiến các đám cháy bùng phát thường xuyên hơn, có sức tàn phá lớn hơn và trở nên khó kiểm soát.

Bản đồ thể hiện các đám cháy rừng ở châu Âu tính tới ngày 20/6. Ảnh: EFFIS

Bản đồ thể hiện các đám cháy rừng ở châu Âu tính tới ngày 20/6. Ảnh: EFFIS

Tại châu Phi, hạn hán không chỉ đe dọa cuộc sống của con người mà còn gây ra cái chết hàng loạt của động vật hoang dã và gia súc.

Trong khi đó, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua đã đẩy 6,5 triệu người tại Ethiopia - chiếm hơn 6% dân số - vào cảnh thiếu lương thực.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, thiếu mưa đã giết chết hơn 1,5 triệu gia súc tại vùng Sừng châu Phi. Ngay cả những con vật sống sót cũng gầy yếu đến mức khiến giá trị của chúng giảm mạnh.

Hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn sẽ là thách thức cho hoạt động trồng trọt và chăn nuôi, khiến nông dân phải đối mặt với tình trạng thiếu thức ăn và nước uống.

1,5 triệu gia súc chết do hạn hán kỷ lục
 
 

Gia súc chết la liệt do hạn hán ở Ethiopia. Video: AFP

Lũ lụt

Tháng 4/2022 ghi nhận trận lũ lụt lớn nhất 60 năm tàn phá thành phố cảng Durban của Nam Phi, khiến ít nhất 306 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng trăm triệu USD về tài sản và cơ sở hạ tầng.

Trận lũ xảy ra khi một khối áp thấp tiếp xúc với khí hậu nóng ẩm ở miền đông Nam Phi và gây mưa lớn. Một số khu vực ở tỉnh KwaZulu - Natal đã hứng chịu lượng mưa hơn 450 mm trong 48 giờ, gần một nửa lượng mưa hàng năm tại Durban.

"Đây là một phần của biến đổi khí hậu. Chúng ta không thể trì hoãn lâu hơn nữa những việc cần làm để ứng phó biến đổi khí hậu", Tổng thống Nam Phi nhấn mạnh.

Vào cuối tháng 8, Pakistan cũng ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi mưa lũ phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà và ảnh hưởng tới 33 triệu người nước này. Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman gọi trận lũ là "thảm họa với quy mô khủng khiếp".

Pakistan đứng thứ 8 trong Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu, danh sách do tổ chức môi trường Germanwatch lập ra để tổng hợp những quốc gia dễ bị tổn thương nhất vì thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Lũ lụt ảnh hưởng 33 triệu người, Pakistan ban bố tình trạng khẩn cấp
 
 

Lũ lụt tại thành phố Hyderabad, Pakistan ngày 26/8. Video: Reuters

Bắc Cực ấm lên nhanh gấp 4 lần

Nghiên cứu công bố hôm 11/8 trên tạp chí Communications Earth & Environment cho thấy Bắc Cực ấm lên nhanh hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học từng nghĩ.

Phân tích 4 bộ dữ liệu nhiệt độ được thu thập bởi vệ tinh kể từ năm 1979 đến nay trên toàn bộ vòng Bắc Cực chỉ ra cực bắc Trái Đất đã ấm lên 0,75℃ mỗi thập kỷ, nhanh hơn gấp 4 lần so với phần còn lại của hành tinh.

Nghiên cứu cứu cũng cho thấy tốc độ ấm lên thay đổi đáng kể theo khu vực bên trong vòng Bắc Cực, trong đó khu vực Á-Âu của Bắc Băng Dương, gần quần đảo Svalbard và Novaya Zemlya, đã ấm lên tới 1,25℃ mỗi thập kỷ, nhanh hơn 7 lần so với phần còn lại của thế giới.

Sự nóng lên nhanh chóng ở Bắc Cực không chỉ tác động trực tiếp đến các cộng đồng địa phương và động vật hoang dã sống dựa vào băng biển, mà còn gây ra những hậu quả trên toàn thế giới.

Tảng băng ở Greenland, mà các nghiên cứu cảnh báo là đang tiến đến "điểm tới hạn" tan chảy, chứa đủ nước đóng băng để khiến mực nước biển toàn cầu dâng cao thêm 6 m.

Một con gấu Bắc Cực nằm trên tảng băng biển đang tan chảy. Ảnh: AFP

Một con gấu Bắc Cực nằm trên tảng băng biển đang tan chảy. Ảnh: AFP

Nồng độ CO2 tăng cao kỷ lục

Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết nồng độ CO2 trong khí quyển vào tháng 5 đã đạt ngưỡng 420 phần triệu (ppm), cao hơn 50% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là mức cao chưa từng thấy trong khoảng 4 triệu năm qua.

Trước cuộc "cách mạng công nghiệp", nồng độ CO2 đã duy trì ổn định ở mức 280 ppm trong khoảng 6.000 năm văn minh nhân loại. Mức 420 ppm hiện tại có thể so sánh với nồng độ ước tính trên 400 ppm cách đây 4,1 đến 4,5 triệu năm. Vào thời điểm đó, mực nước biển toàn cầu cao hơn bây giờ từ 5 đến 25 m, đủ để nhấn chìm nhiều thành phố lớn hiện nay.

CO2 là khí nhà kính giữ nhiệt góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nó có thể tồn tại trong bầu khí quyển và đại dương suốt hàng nghìn năm.

NOAA lưu ý rằng hiệu ứng nhà kính đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm sự gia tăng cả về cường độ và tần suất xuất hiện của các đợt nắng nóng, hạn hán, hỏa hoạn và lũ lụt.

"Nồng độ carbon dioxide đang ở mức mà chúng ta chưa từng trải qua trước đây, nhưng đó không phải điều gì mới mẻ. Chúng ta đã biết về điều này trong nửa thế kỷ nhưng không thể làm gì để thay đổi nó", nhà khoa học Pieter Tans tại Phòng thí nghiệm Giám sát Toàn cho hay.

Thông điệp chống biến đổi khí hậu

Theo IPCC, khí hậu, con người và đa dạng sinh học có mối quan hệ ảnh hưởng lẫn nhau. Bằng cách khôi phục 30 - 50% hệ sinh thái trên đất liền và dưới đại dương, chúng ta có thể giúp thực vật và động vật phát triển khả năng đối phó với biến đổi khí hậu. Ngược lại, thiên nhiên sẽ giúp chúng ta điều hòa khí hậu.

IPCC nhấn mạnh tính cấp bách của hành động ngay lập tức và tham vọng hơn để giải quyết rủi ro khí hậu toàn cầu. Hành động của chúng ta ngày hôm nay sẽ định hình cách con người thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng phó với thiên nhiên.

Đoàn Dương (Tổng hợp)