Nhà khoa học lo về sở hữu trí tuệ khi toàn cầu hóa

Các nhà khoa học cho rằng, toàn cầu hóa trong khoa học công nghệ sẽ giúp nhân loại có thể tiếp cận các thành tựu nghiên cứu dễ dàng hơn song để đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ là điều không dễ.

Thông tin được chia sẻ trong buổi giao lưu cùng các nhà khoa học trong hội đồng giải thưởng trước thềm lễ trao giải Khoa học công nghệ VinFuture, ngày 17/12 tại Hà Nội.

Trong 3 phiên tọa đàm với các chủ đề về Toàn cầu hóa trong khoa học và công nghệ; Hành trình của nhà khoa học nữ: Thách thức và thành công; Thách thức và cơ hội của các nhà khoa học ở các nước đang phát triển, các nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có 2 người từng được giải Nobel đều đồng tình, khi toàn cầu hóa, các kết quả có thể truy cập trên các nền tảng mở giúp thuận lợi hơn trong nghiên cứu. Tuy nhiên ở góc nhìn bản quyền và sở hữu trí tuệ vẫn chưa có cơ chế bảo vệ phù hợp.

GS Quarraisha Abdool Karim, nhà dịch tễ học người Nam Phi dẫn thực tế trong đại dịch Covid-19, lần đầu các rào cản được phá bỏ. Khi cả thế giới còn đang tìm sản phẩm điều trị căn bệnh, WHO đưa ra nền tảng đoàn kết để rà soát mọi phác đồ. "Nhờ đoàn kết chúng ta có thể chia sẻ phát kiến y học lâm sàng, khi bình thường mất 10-20 năm kiểm chứng. Nền tảng đoàn kết cho ta phản ứng nhanh chóng hơn", bà nói và nhấn mạnh nghiên cứu đổi mới sáng tạo giúp tăng tốc việc giải quyết vấn đề của nhân loại.

GS Quarraisha cho rằng, chưa bao giờ có tiền lệ có nhiều loại vaccine như trong đại dịch, đây là "nhờ sự chia sẻ của các nhà khoa học". "Điều này chưa từng nghĩ tới khi chống lại HIV", bà nói và cho rằng trong trong thiên tai, đại dịch cần phải tránh trường hợp độc quyền, để kiểm soát về giá cả nguồn cung, mà cần nghĩ lợi ích cho cộng đồng, mọi người đều được hưởng lợi, đều được tiêm vaccine.

Theo GS Vũ Hà Văn, Đại học Yale, Mỹ, Giám đốc khoa học VinBigdata, trong bối cảnh đối mặt với Covid-19 suốt 2-3 năm qua, việc cả thế giới đã đoàn kết giải quyết vấn đề, đó là cơ hội cho khoa học công nghệ mà chưa từng nghĩ tới.

GS Vũ Hà Văn (trái) trong phiên tọa đàm về toàn cầu hóa. Ảnh: NB

GS Vũ Hà Văn (trái) trong phiên tọa đàm về toàn cầu hóa. Ảnh: Nguyễn Long

Ông cho biết khi Covid-19 xuất hiện, nếu mỗi biến chủng mới cần có vaccine mới, có thể khiến câu chuyện này kéo dài mãi. Nhưng tư duy mới xuất hiện, đó là việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, máy học xác định điểm chung của biến chủng để giải quyết vấn đề. "Đã có các công ty nghiên cứu phát triển một loại vaccine cho mọi loại biến chủng", ông nói và nhìn nhận toàn cầu hóa đã mang lại lợi ích toàn cầu.

Làm thế nào để đảm bảo công bằng?

Dù thừa nhận toàn cầu hóa sẽ tận dụng được sức mạnh của những bộ óc vĩ đại trên toàn thế giới chung tay giải quyết các vấn đề lớn, song các nhà khoa học cho rằng sở hữu trí tuệ vẫn là vấn đề cần bàn trong việc chuyển giao công nghệ hiện nay.

Các nhà khoa học trong phiên tọa đàm về Thách thức và cơ hội của các nhà khoa học ở các nước đang phát triển. Ảnh: NB

Các nhà khoa học trong phiên tọa đàm về Thách thức và cơ hội của các nhà khoa học ở các nước đang phát triển. Ảnh: Nguyễn Long

GS Jennifer Tour Chayes, Đại học California, Berkeley, cho biết mỗi nước có quy định khác nhau về sở hữu trí tuệ. Ngoài ra còn khác biệt văn hóa về sáng chế phát minh hoặc khái niệm sở hữu công bằng của các giải pháp sáng tạo công nghiệp.

Theo bà, điều tuyệt vời của khoa học máy tính là nhiều công nghệ trong lĩnh vực này mang tính mở, cho phép chuyển giao dễ dàng, giúp nhiều giải pháp được nhiều người sử dụng, nghiên cứu mở cho mọi người.

Bà cũng bày tỏ triển vọng nền tảng kết nối tất cả cộng đồng khoa học toàn cầu nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách. Với cộng đồng chung, con người sử dụng nền tảng như AI, điện toán đám mây và cần tùy biến để phù hợp từng nhà khoa học ở mỗi lĩnh vực.

Bà lấy ví dụ nhà công nghệ có thể sử dụng thuận tiện về kỹ thuật, trong khi người không được đào tạo sâu về khoa học máy tính sẽ sử dụng các nền tảng "không có code". "Khi nền tảng chung này mở ra thì ta có thể hợp tác thành cộng đồng toàn cầu để giải quyết các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu", bà nói.

GS Gérard Albert Mourou, Đại học Bách khoa Paris cho rằng không dễ giải quyết việc vừa chuyển giao công nghệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mà vẫn mang lợi ích cho nhân loại. "Càng nhiều người tới từ nhiều nơi chung tay giải quyết vấn đề song vẫn bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ là không đơn giản", ông nói.

GS Sir Kostya S.Novoselov FRS, Đại học Manchester và Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng cần cơ chế mới để quản lý sở hữu trí tuệ trong tương lai.

Như Quỳnh