Công ty Mỹ xây nhà máy sản xuất trong vũ trụ

Tổ hợp ThinkPlatform do công ty ThinkOrbital phát triển có thể vừa sản xuất hàng hóa vừa thu thập và xử lý rác vũ trụ trên quỹ đạo.
Mô phỏng tổ hợp ThinkPlatform trên quỹ đạo. Ảnh: ThinkOrbital

Mô phỏng tổ hợp ThinkPlatform trên quỹ đạo. Ảnh: ThinkOrbital

Công ty ThinkOrbital ở Colorado đang phát triển một tổ hợp trên quỹ đạo có thể dùng để sản xuất hàng hóa trong không gian và giải quyết vấn đề rác vũ trụ. Sản xuất trong không gian có thể đóng góp một phần quan trọng vào khám phá vũ trụ trong tương lai nhờ giảm đáng kể chi phí phóng cấu trúc hoàn chỉnh lên quỹ đạo và xa hơn. Theo đại diện ThinkOrbital, tổ hợp của họ có thể phù hợp với tên lửa tái sử dụng hoàn toàn Starship mà SpaceX đã phát triển.

Trước đó, ThinkOrbital gửi thiết kế tới NASA như một đề xuất dành cho trạm vũ trụ mới vào năm ngoái nhưng thất bại. NASA đã trao hợp đồng trị giá 415,6 triệu USD cho các công ty Blue Origin, Nanoracks, và Northrop Grumman. Từ sau đó, ThinkOrbital đã điều chỉnh ý tưởng.

Tổ hợp của công ty mang tên ThinkPlatform là module không điều áp bay tự do, có thể ghép nối với trạm hoặc tàu vũ trụ như Starship của SpaceX. Dù bỏ lỡ hợp đồng với NASA, ThinkOrbital giành được hai hợp đồng nghiên cứu trị giá 260,000 USD trong chương trình Orbital Prime của Lực lượng Không gian Mỹ nhằm phát triển dịch vụ, lắp ráp và sản xuất trong không gian.

Theo Lee Rosen, nhà đồng sáng lập kiêm chủ tịch ThinkOrbital, ThinkPlatform sẽ được lắp ráp trong không gian bằng công nghệ cánh tay robot. Dù tồn tại sẵn, công nghệ này cần được nâng cấp để có thể tự động xây dựng tổ hợp.

Nếu tới quỹ đạo, ThinkPlatform có thể phục vụ sản xuất chip vi tính tốc độ cao, dược phẩm và sợi cáp quang. Tổ hợp cũng có thể triển khai vệ tinh nhỏ để thu thập rác vũ trụ, tái chế, biến đổi thành nhiên liệu hoặc hạ thấp quỹ đạo để chúng bốc cháy trong khí quyển. ThinkPlatform có thể xử lý rác, biến nhôm thành bột nhôm dùng làm nhiên liệu tàu vũ trụ.

An Khang (Theo Interesting Engineering)