Cách để doanh nghiệp tiêu tiền trong Quỹ Khoa học công nghệ

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, theo quy định mới doanh nghiệp trang bị máy móc, mua bí quyết công nghệ là giải pháp an toàn khi dùng tiền từ Quỹ.

Theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, doanh nghiệp nhà nước được trích tối đa 10% trên thu nhập tính thuế hàng năm để trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Thực tế nhiều doanh nghiệp đã trích lập nguồn quỹ với số tiền khá lớn nhưng gặp khó trong việc sử dụng nguồn vốn này dẫn tới hàng nghìn tỷ đồng "nghẽn" không giải ngân được.

Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, giai đoạn 2015-2021, có 1.281 lượt doanh nghiệp trích lập quỹ, với số tiền khoảng 23.000 tỷ đồng, trong đó số sử dụng 14.400 tỷ đồng (chiếm 60%). Có nhiều doanh nghiệp đã trích lập quỹ nhưng không giải ngân hết, phải hoàn nhập quỹ, trong đó Tập đoàn Công nghiệp Cao su phải hoàn nhập quỹ tới 84% (tương đương 1.164 tỷ/1.384 tỷ đồng).

TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho hay nguồn quỹ hiện khá dồi dào nhưng đầu tư cho các vườn ươm, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là dựa trên công nghệ mới vẫn còn khiêm tốn. "Nguyên nhân do cơ chế sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ", ông Quất nói với VnExpress.

Ông Quất cho hay, cơ chế sử dụng theo quy định của Thông tư liên tịch số 12 hướng dẫn về nội dung chi và quản lý "Quỹ phát triển Khoa học và công nghệ của doanh nghiệp" chủ yếu dùng cho hoạt động R&D (nghiên cứu phát triển) trong phạm vi doanh nghiệp và chỉ phục vụ cho lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Trong khi đó, Luật chuyển giao công nghệ và được cụ thể hóa trong Nghị định 76 hướng dẫn luật năm 2018 đã có những bước mở hơn khi quy định quỹ không chỉ dùng cho hoạt động R&D trong nội bộ doanh nghiệp mà còn có thể đầu tư cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo dựa trên công nghệ. Nhưng thực tế, quy định này vẫn chưa được áp dụng vào hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Nhóm nghiên cứu Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chế tạo thiết bị bay không người lái có khả năng bắn quả nổ bột, mang lương thực, áo phao cứu hộ phục vụ trong công tác chữa cháy. Ảnh: Gia Chính

Nhóm nghiên cứu Nhà máy Z113, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng chế tạo thiết bị bay không người lái có khả năng bắn quả nổ bột, mang lương thực, áo phao cứu hộ phục vụ trong công tác chữa cháy. Ảnh: Gia Chính

Việc triển khai theo Nghị định 76 vẫn còn vướng khi phải tuân theo quy định bảo toàn vốn của Luật quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, việc đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có mức độ rủi ro nhất định và thời gian là yếu tố quyết định. "Các quy định của luật chưa cập nhật vấn đề này nên cần có cơ chế đặc thù mới có thể sử dụng được nguồn quỹ", ông nói.

Điểm mấu chốt là tháo gỡ vướng mắc để khơi thông nguồn vốn từ quỹ. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu về vốn, thị trường của các startup công nghệ đang rất lớn. Nếu mô hình sandbox được Chính phủ cho phép triển khai thí điểm ít nhất ở quy mô của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và một vài doanh nghiệp nhà nước đang có nguồn lực, sẽ tạo cơ hội lớn cho thị trường đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Những điều chỉnh

Để tháo gỡ một phần khó khăn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã sửa đổi thông tư 12 thành thông tư 05 và thông tư 67, ban hành năm 2022, trong đó bổ sung những nội dung chi mới cho doanh nghiệp. Thông tư đã bãi bỏ các quy định cứng nhắc, không đúng với tinh thần tự chủ của doanh nghiệp trong việc sử dụng nguồn từ quỹ.

Ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết thông tư năm 2022 ra đời thay thế cho thông tư liên tịch 12 và giải quyết được rất nhiều vấn đề. Ví dụ, ở thông tư 12, Quỹ chỉ chi cho việc nghiên cứu khoa học công nghệ chứ không chi cho những hoạt động mua công nghệ máy móc, nhưng đến thông tư 05 đã cởi được nút thắt này cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Nam Hải chia sẻ tại tọa đàm Giải phóng nguồn lực Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp ngày 15/12 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

Ông Nguyễn Nam Hải chia sẻ tại tọa đàm "Giải phóng nguồn lực Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp" ngày 15/12 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

Thông tư cũng tháo gỡ về chi tiêu, trong đó có chi dưới hình thức nhiệm vụ khoa học công nghệ. Các đơn vị có thể dùng nguồn vốn từ Quỹ để mua bí quyết công nghệ, máy móc để phục vụ trực tiếp cho đổi mới công nghệ cho sản xuất, kinh doanh.

Hay như khoản 2 điều 15 Luật Chuyển giao công nghệ nêu rõ, đổi mới công nghệ là thay thế một phần hoặc toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một phần hoặc toàn bộ công nghệ khác nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Theo ông Hải, quy định này hướng tới nâng cao kỹ thuật khoa học công nghệ của doanh nghiệp chứ không chỉ là đầu tư cho cái mới. Công nghệ đó không nhất thiết phải là công nghệ mới nhất trên thế giới, chỉ cần bảo đảm nâng cao tính hiệu quả cho doanh nghiệp là có thể được sử dụng quỹ.

Để giải phóng nguồn lực Quỹ, ông Hải gợi ý doanh nghiệp có thể mua máy móc, mạnh dạn đổi mới công nghệ theo đúng nhu cầu.

Còn theo ông Quất, ở nhiều nước, việc đầu tư cho công nghệ mới, dự án mới dựa trên công nghệ luôn đi kèm với tỷ lệ rủi ro. Do đó để an toàn khi dùng tiền ngân sách nên theo phương án hỗ trợ, tài trợ đào tạo nghiên cứu phát triển, hoàn thiện công nghệ. Với giai đoạn đầu tư có tính rủi ro cao hơn thì có thể dùng các nguồn vốn khác. "Các doanh nghiệp nhà nước, dùng nguồn quỹ này để đặt hàng, mua sản phẩm nghiên cứu, tài trợ nghiên cứu sáng tạo thì sẽ an toàn hơn", ông Quất nói.

Mục tiêu quỹ khi ra đời là để đầu tư cho nghiên cứu phát triển chứ không phải nhằm tạo lợi nhuận trực tiếp từ kết quả nghiên cứu phát triển. Vì vậy ông Quất cho rằng, thay vì chỉ đầu tư nghiên cứu tạo ra các giải pháp mới, bằng sáng chế, giải pháp hữu ích... như trước, doanh nghiệp có thể lựa chọn các kết quả nghiên cứu đã được thử nghiệm, thị trường khẳng định, thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới.

Ông Quất cũng cho rằng, các danh mục trích lập quỹ cần cụ thể hơn nữa để doanh nghiệp lấy căn cứ sử dụng quỹ hiệu quả. Hiện nay, các doanh nghiệp nhà nước khi sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước đều hết sức thận trọng, dựa trên các quy định rất rõ ràng. Do đó, các cơ quan tài chính, thuế, kiểm toán phải đồng bộ, có văn bản hướng dẫn cụ thể, cho phép thì các doanh nghiệp mới dám áp dụng.

Như Quỳnh