Phùng Khánh Linh - cô gái thành thị

Với album “Citopia” và với cách khám phá city pop, Phùng Khánh Linh chứng minh cô là một "cô gái thành thị", có vùng đất âm nhạc của riêng mình.

* Đánh giá: 8/10

Nhạc pop ở Việt Nam có nhiều đại diện nữ tiêu biểu, mỗi người lại có một cá tính riêng biệt định hình bản thân. Hoàng Thùy Linh là chất dân gian đương đại với những âm thanh điện tử thời thượng. AMEE lại là cô gái teen pop kẹo ngọt đáng yêu rực rỡ. Hương Tràm, Hòa Minzy gắn bó với pop ballad cùng những ca khúc buồn, phô diễn giọng ca ấn tượng.

Riêng Phùng Khánh Linh, cô xác lập phong cách cho mình bằng cách tham gia vào nhiều những góc độ khác nhau của pop. Kể từ sự thành công của Hôm nay tôi buồn cho đến album Yesteryear, Phùng Khánh Linh thử sức ở rất nhiều phong cách: pop ballad, dance pop, Pop/R&B,...

Không gắn bó cố định với một định hướng, Phùng Khánh Linh đem đến hình ảnh của một quý cô thành thị trẻ trung, năng động, rất biết bắt kịp các trào lưu mới mẻ, hấp dẫn trên thế giới và diễn giải điều đó bằng sự nhẹ nhàng, nữ tính của bản thân. Album Yesteryear của cô khiến nhiều người liên tưởng đến Carly Rae Jepsen, đưa vào nhiều ảnh hưởng khác nhau của pop mà vẫn thống nhất, mạch lạc, và yếu tố nào cũng được làm ra tấm ra món.

Yếu tố “thành phố” ngập tràn trong mặt âm thanh

Album Citopia của Phùng Khánh Linh trong năm 2022 tiếp tục khai thác một khía cạnh khác của pop nữa mà cô chưa từng làm: city pop. Đây không phải là một nhánh âm nhạc quá phổ biến tại Việt Nam, người nghe nhạc rất ít khi bắt gặp trong các sản phẩm đại chúng mà chỉ thấp thoáng xuất hiện ở các nghệ sĩ mới (Những ngày nắng đẹp của Minh tốc và Lam hay gần đây có Waiting for you của Mono), và vẫn chưa có ai khai thác yếu tố thành thị trong city pop một cách thật triệt để.

Với 2 single mở đường cho album là Căn gác mùa hèNăm ngoái giờ này, Phùng Khánh Linh và ê-kíp cho thấy sự quyết tâm xây dựng một concept thống nhất và chặt chẽ. Cả 2 bài đều sử dụng đến những yếu tố nổi bật, dễ nhận diện nhất của city pop là tiếng synth lanh lảnh và saxophone/kèn bừng sáng. Dẫu cho nhịp điệu, tiết tấu và không gian của cả 2 bài có sự khác biệt, chúng vẫn mô tả rất rõ ràng được yếu tố “thành phố” trong city pop: hiện đại, sang trọng và rực rỡ.

Phung Khanh Linh Citopia anh 1

2 single mở đường thực hiện tốt nhiệm vụ giới thiệu màu sắc city pop cho Citopia.

Đi sâu vào trong album, người nghe thấy được độ chịu chơi của ê-kíp sản xuất khi đi tới tận cùng với city pop, không nửa vời. Khác với Yesteryear tham gia vào nhiều thể loại và làm nổi bật được đặc trưng thể loại đó, Citopia lại đem ảnh hưởng của city pop rải khắp các bài hát ở nhiều phong cách khác nhau.

Ngoại trừ Căn gác mùa hè là một bản city pop tiêu biểu, các ca khúc khác trong album đều ở những thể loại khác như quý cô say xỉn, đằng sau sân khấu,... là dance pop, năm ngoái giờ này, mùa hè 1994, Sài Gòn ôm lấy em lại và những bản slow R&B. Tuy nhiên, tất cả các bài hát đều được cài cắm các yếu tố quen thuộc của city pop để khiến cho không gian âm nhạc có sự thống nhất chặt chẽ mà vẫn có sự đa dạng, không bị nhàm chán.

Album được chia làm 2 nửa khá rõ rệt: 5 bài đầu có tiết tấu nhanh, sử dụng các âm thanh rất sáng. Nửa sau của album chậm rãi và sử dụng tiếng bass dày hơn. Album vạch rõ 2 trạng thái của một cô gái hiện đại: một rất tự tin, chủ động trong tình cảm, ngay cả việc chia tay cũng rất mạnh mẽ, nửa sau lại là những cảm xúc, suy tư của chính cô gái đó với những nỗi buồn, sự mệt mỏi.

Sự thay đổi không gian bắt đầu từ Năm ngoái giờ này là một cầu nối rất tốt khi có sự liên kết về âm thanh ở cả hai giai đoạn. Liền sau đó là mùa hè 1994 với đằng sau sân khấu có âm thanh liền mạch như một bài hát, khiến cho mạch cảm xúc của người nghe không bị đứt gãy dẫu cho nhịp điệu ở 2 nửa có sự chênh lệch khá lớn.

Phung Khanh Linh Citopia anh 2

Nửa đầu album, Phùng Khánh Linh là một cô gái rất tươi mới và chủ động.

Nhiều điểm sáng trong sáng tác và dàn dựng

Ở nửa đầu của album, người nghe thấy ngay một sự “tham vọng” đến từ chính Phùng Khánh Linh và ê-kíp. Các sáng tác đều có những cái tên rất độc đáo như quý cô say xỉn, Ngưu tầm ngưu mã tầm mã,... Trong các bài hát cũng sử dụng nhiều thành ngữ hay những câu trending thú vị như mây tầng nào gặp mây tầng đó, cá mè một lứa,... khiến khán giả ấn tượng ngay trong những lần nghe đầu tiên.

Tính cách của nhân vật trong những ca khúc này cũng rất thú vị. Nếu như cô gái trong quý cô say xỉn chủ động “Anh có muốn về nhà em không, sau khi kết thúc bữa tiệc này, rượu nồng làm em biêng biêng”, thì sang đến Ngưu tầm ngưu mã tầm mã, cô gái lại rất thẳng thắn, mạnh mẽ với anh người yêu không chịu thay đổi “Người đừng cầu xin, em đau hết đầu, cá mè một lứa biến ngay cho rồi”.

Cứ ngỡ Phùng Khánh Linh sẽ giữ vững màu sắc, cá tính ấy cho đến cuối thì bất ngờ từ Năm ngoái giờ này, cô mang đến những khía cạnh rất khác của bản thân. Từ nỗi buồn muốn quên đi chuyện tình cũ trong mùa hè 1994, Phùng Khánh Linh lại tâm sự về những mệt mỏi sau các buổi biểu diễn khiến người nghe liên tưởng tới Dưới ánh đèn sân khấu của Hứa Kim Tuyền nhưng ở góc độ cá nhân, riêng tư nhiều hơn.

Sài Gòn ôm lấy em lại là hành trình tìm thấy sự an ủi của cô giữa thành phố mang đầy những kỷ niệm của mối tình cũ. Hai nửa của album như diễn tả 2 mặt khác biệt của cùng một con người nhưng chúng không đối nghịch nhau, mà bổ sung để hoàn thiện cho nhau.

Ca khúc có sự khác biệt, cũng là track tốt nhất của Citopia - em tạm đi vắng khi anh thức giấc - được ê-kíp đặt ở cuối cùng. Theo như chia sẻ của ekip Phùng Khánh Linh, đây là ca khúc đầu tiên cô sáng tác cho Citopia, định hình cho concept của album với một câu chuyện đậm tính cá nhân: sự qua đời của chú mèo Phoebo.

Khác với sự “tham vọng” ở các track khác, đây là một bài hát có sự chân thành, ít tính toán với những ca từ xúc động “Em chỉ tạm đi vắng khi anh thức giấc thôi mà”, “Chỉ cần người gọi tên màn đêm em hiện lên”. Tiếng flute được đặt trong bản phối với vai trò như một âm thanh chính dẫn dắt cảm xúc, bản phối cũng dày lên theo sự phát triển của bài, để đến cuối là một màn độc tấu âm thanh kết hợp với tiếng thì thầm của Phùng Khánh Linh, tạo nên dư âm hạnh phúc và đầy hy vọng cho tổng thể album.

Phung Khanh Linh Citopia anh 3

Càng về sau, Phùng Khánh Linh càng có nhiều tâm sự, nhưng đến cùng vẫn là sự hy vọng được thắp lên.

Với cách chọn con đường ra album, Phùng Khánh Linh cho thấy một sự chỉn chu, chuyên nghiệp cùng với nhiều tính toán thông minh. Thông qua Citopia, Phùng Khánh Linh một lần nữa khẳng định pop là một vùng không gian rộng lớn với rất nhiều thứ còn chưa được khai phá trong Vpop, và cô đang muốn khám phá city pop - một mảnh đất tuy hoang vắng nhưng đầy màu mỡ và tiềm năng.

Những cuốn sách hay về âm nhạc:

Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng kỳ diệu của El Sistema. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao và thoái trào. Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách đáng đọc dành cho độc giả yêu âm nhạc.

'Cong' của Tóc Tiên - bớt tham vọng lại thành công

Album đầu tiên của Tóc Tiên ở Việt Nam thể hiện nhiều khía cạnh khác biệt của nữ ca sĩ. Khi không gồng mình trong hình tượng “nữ hoàng nhạc dance thế hệ mới”, cô thú vị hơn nhiều.