'Những đứa trẻ trong sương' - phim Việt xuất sắc lọt top 15 Oscar

Phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm mang đến cái nhìn tinh tế về quyền tự chủ của phụ nữ vùng cao đương thời.

Genre: Tài liệu
Director: Hà Lệ Diễm
Cast: Má Thị Di
Rating: 9/10

Giữa vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng Tây Bắc, cô gái nhỏ bước vào khung hình với những suy tư, trăn trở già dặn hơn lứa tuổi. Đây là cảnh mở đầu cho Những đứa trẻ trong sương, bộ phim tài liệu gây chấn động của đạo diễn Hà Lệ Diễm về khát khao làm chủ cuộc đời của phái nữ.

Ở độ tuổi 13, Di, nhân vật chính của tác phẩm là một thiếu nữ xinh xắn với đôi mắt to, gò má ửng hồng và nụ cười rạng rỡ. Chiếc điện thoại trở thành vật bất ly thân của Di, thứ giúp cô tán gẫu với bạn bè và những chàng trai mà cô thích. Cánh cửa này còn mở ra chân trời lớn hơn ngôi làng hẻo lánh của cô - nơi “bắt vợ” được coi như tập tục. Đó là cách mà cha mẹ Di gặp nhau, cũng khiến chị cô ở tuổi 17 đã là mẹ của hai đứa trẻ.

Nhung dua tre trong suong anh 1

Đạo diễn Hà Lệ Diễm (trái) chụp cùng nữ chính Di tại buổi ra mắt phim. Ảnh: TPD.

Khi những đứa trẻ phải sớm giã từ tuổi thơ

Trong những cảnh mở màn, máy quay theo chân Di và đám bạn nô đùa, khi họ diễn lại cảnh “bắt vợ”. Cái bóng của hủ tục đã ăn sâu vào văn hóa của người H’mông khi đám trẻ có thể coi thứ ngăn mình với quyền tự chủ như một lẽ thường. Ở tuổi 12, 13, Di hoàn toàn tự tin mình sẽ không bị bắt cóc. Nhưng khi lớn hơn, cô dần chuẩn bị tâm lý cho việc mình sẽ phải sớm rời xa cha mẹ. Cho dù cô khẳng định mình sẽ không ngây thơ như chị gái, khi việc tảo hôn như “dấu chấm hết cho tuổi thơ”.

Nhung dua tre trong suong anh 2

Giữa các bé gái trong làng, Di nổi bật với gương mặt sáng cùng những biểu cảm cá tính. Ảnh: TPD.

Việc Di sớm phải lòng các chàng trai và thoải mái nói chuyện tình yêu với bạn bè, với mẹ cũng cho thấy dấu hiệu chuẩn bị việc chấp nhận số phận. Lời thầy cô dạy trên trường giúp Di hiểu về ý nghĩa của việc ăn học và lối sống hiện đại, về hôn nhân hợp pháp. Nhưng ở tuổi bồng bột, bất chấp cảnh báo của mẹ, Di trót đi theo lời mời gọi của Vàng - chàng trai cùng làng.

Trước thềm đám cưới của cặp đôi nhí, Di đã cố gắng tranh đấu giữa truyền thống gia đình và nữ quyền thời đại mới, từ đó nảy sinh các mâu thuẫn nội bộ và cộng đồng mà bộ phim truyền tải. Hà Lệ Diễm chia sẻ với báo chí: “Các bậc cha mẹ ở đây đều ủng hộ việc con gái kết hôn sớm, vì họ không tin tưởng vào trường học có thể thay đổi xã hội… Kể từ khi tôi bắt đầu quay, hai bạn học của Di đã bị hãm hiếp trên đường đến trường. Một trong số họ bị sát hại. Khi trở thành thanh thiếu niên, Di và những người bạn của cô ấy đã lớn dần lên trong nỗi sợ hãi".

Không hề phán xét nhưng qua những thước phim về lễ hội, có thể thấy hầu hết gia đình trong cộng đồng đều có người nghiện rượu. Hay việc nhà và đồng áng đều do phụ nữ cáng đáng. Di phải khuân những khúc gỗ to hơn mình rất nhiều trong khi người lớn trong nhà bận rượu chè. Cha mẹ Di chìm trong men rượu để quên đi cuộc sống thực tại, nơi họ chưa bao giờ đặt cho mình một ước mơ để phấn đấu.

Say - mẹ Di - nhiều lần cay đắng than phiền về cuộc hôn nhân không hạnh phúc, về người chồng nát rượu luôn chửi mắng, đánh đập bà. Những hoạt cảnh đời sống của đồng bào dân tộc hiện lên sống động, hài hước, ngay cả cảnh bố Di say cũng được miêu tả một cách vui vẻ, nhưng người xem vẫn có thể nhận ra tình cảnh éo le, tù túng của những phận đời nơi đây.

Một bộ phim đầy tính nữ

Có thể thấy, Những đứa trẻ trong sương không chỉ kể về một cô bé vùng cao mà còn là câu chuyện chung của phụ nữ. Di không bị hạn chế trong môi trường nhỏ hẹp mà tính hướng ngoại, sự sôi nổi và cả những suy tư của cô bé đã mang đến sức sống cho các khung hình. Từ việc cân bằng lý trí và tình cảm tới việc nỗ lực học hành, Di quyết tâm làm chủ cuộc đời và hoài bão của mình. Di muốn khi hoàn tất chương trình học để có thể kiếm tiền đưa mẹ đi du lịch, cho mẹ được mở rộng tầm mắt tới thế giới mà mẹ chưa từng đặt chân.

Di cũng giống như bao cô gái khác, đối mặt với những lời ép buộc kết hôn, định hướng công việc và lối sống trong khi luôn khát khao khẳng định bản thân, vượt qua sự sắp đặt của số phận và tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Nhung dua tre trong suong anh 3

Tính nữ hiện rõ từ câu chuyện văn hóa đối nghịch với hoài bão của cô bé tuổi thiếu niên. Ảnh: TPD.

Mối quan hệ giữa mẹ và con gái cũng là điểm đặc sắc của phim. Di và mẹ luôn có những lúc khắc khẩu, như bao cô gái ở tuổi ẩm ương khác. Ngày Di mãi không nhấc máy, Say từ khó chịu chuyển sang lo lắng. Chồng bà kể lại hồi Say quãng tuổi Di cũng đi quá giờ giới nghiêm, tạo điều kiện cho ông có thể cướp bà về làm vợ. Lời gợi nhắc này khiến Say thêm phần đau đớn và lo sợ chuyện Di sẽ gặp phải.

Là một người phụ nữ an phận, ràng buộc bởi các định kiến xã hội nhưng Say cũng như bao bà mẹ khác, luôn mong muốn điều tốt nhất cho con mình, vừa lo con nổi loạn nhưng cũng sợ con sẽ lặp lại tình cảnh đời mình.

Khi Di không biết làm thế nào để từ chối Vàng mà không làm tổn thương cậu, Say đã khuyên con hãy nói với bạn đi tìm nắng của bạn, còn Di đi tìm nắng của Di, nếu không có duyên thì không nên ở với nhau. Đó là lời người mẹ dân tộc khuyên cô con gái mới lớn, và cũng là một trong những câu thoại ấn tượng nhất.

Cái tâm của nhà làm phim

90 phút trên màn ảnh chỉ là phần nhỏ từ những thước phim mà Hà Lệ Diễm ghi lại trong hơn 3 năm ròng rã đồng hành cùng nhân vật.

Diễm đã trở thành một người chị của Di và con gái lớn trong gia đình. Khi Di mắc kẹt vì sự bồng bột của mình, Diễm cũng thẳng thắn chỉ ra cái sai của em. Tuy nhiên, Diễm hoàn toàn tôn trọng người bạn nhỏ, để cô ấy tự nhận thức và hành động. Thay vì can thiệp, Diễm cố gắng tiếp thêm sức mạnh cho nhân vật qua những lời tâm tình và sức mạnh của máy quay. Ngay cả nhân vật nguồn cơn của những rắc rối, Vàng, cũng có những phút giây được trải lòng trước ống kính.

Trong cảnh Di bị gia đình Vàng kéo lê, máy quay của Diễm lao vào trung tâm cuộc tranh chấp. Thật đáng buồn khi Diễm là người duy nhất dám lên tiếng bảo vệ Di, trong khi gia đình cô bé ngó lơ sự tuyệt vọng của con. Chi tiết này khiến người xem đặt ra vấn đề về việc phá vỡ tính trung lập của nhà làm phim tài liệu nhưng cũng vì thế, cảnh quay ám ảnh này thể hiện rõ chủ nghĩa hiện thực với cách tiếp cận nghệ thuật.

Bộ phim khép lại khi còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ về cuộc sống của Di, mang tới nhiều xúc cảm về hậu quả của nạn tảo hôn với mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Nơi đó có nhân vật chính đầy ấn tượng, khi cô phải cố gắng trưởng thành để có thể tự giành lấy tuổi thơ cho mình. Theo chia sẻ từ ê-kíp, Di giờ đây đã là một cô gái tự lập, vượt qua định kiến để tìm đúng người mình thương. Cái kết có hậu hóa ra không chỉ tồn tại trong truyện cổ tích.

Phim đã có chuyến chu du tới hơn 100 liên hoan phim, đề cử 34 giải thưởng danh giá và lọt vào danh sách rút gọn của Oscar năm nay. Đó là thành quả ngọt ngào cho những nỗ lực của Hà Lệ Diễm trong hành trình mang tiếng nói của cô gái dân tộc thiểu số tới toàn thế giới.

Oscar 2023 không cần một cú tát

Giải thưởng cao quý của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ có màn trở lại ấn tượng. Oscar 2023 được đánh giá giàu cảm xúc cho bất kỳ ai theo dõi chương trình.