Khi phim siêu anh hùng của Marvel thiếu hụt cảnh hành động

Bom tấn siêu anh hùng của Chloé Zhao chủ yếu dùng thoại thay vì các cảnh cháy nổ để kể chuyện - điều ít thấy trong các phim Marvel trước đây.

Eternals là phim điện ảnh thứ 26, thuộc Giai đoạn 4 của Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Tác phẩm xoay quanh nhóm siêu anh hùng đã xuất hiện từ những ngày đầu của lịch sử nhân loại, nhưng tuyên thệ không can thiệp vào các xung đột của Trái Đất trừ khi được sự cho phép của "Đấng sáng tạo" Arishem.

Từ thuở hồng hoang, tộc Celestial (Thiên nhân) là những vị thần khổng lồ đóng vai trò điều tiết sự tồn vong của vũ trụ. Ở thời điểm 5.000 năm trước Công nguyên, Thiên nhân Arishem (David Kaye) cử 10 tạo vật của mình - các Eternals - xuống Trái Đất. Nhóm siêu chiến binh được giao nhiệm vụ hòa nhập và dẫn dắt nhân loại, đồng thời bảo vệ họ khỏi chủng quái vật Deviants.

Sau nhiều thế kỷ, các Eternal đã truy cùng giết tận loài Deviant. Ở thời hiện đại, Eternal Sersi (Gemma Chan) cùng các anh chị em trong lúc đợi Arishem "triệu hồi" về quê nhà đã chạm trán tàn dư của bọn quái vật năm nào. Cái chết của Eternal Ajax (Salma Hayek) là hồi chuông cảnh báo, cho thấy sứ mệnh hiểm nguy của họ vẫn chưa kết thúc.

Khi các vị thần thủy tổ là thế hệ siêu anh hùng đầu tiên

Thực chất, sự tồn tại của Thiên nhân từng được cài cắm trong các sản phẩm trước của Vũ trụ Điện ảnh Marvel. Cha của Star-Lord - Ego (Kurt Russel) - là một thành viên của nhóm thực thể bí ẩn. Hay như 6 viên Đá vô cực cũng là sản phẩm giúp các Thiên nhân kiểm soát vũ trụ.

Lần đầu lộ mặt, tạo hình khổng lồ với bàn tay thâu trọn một tinh cầu của Arishem dễ khiến người xem liên tưởng đến Chúa trời trong Kinh Thánh, hay Phật Tổ trong văn hóa Á Đông. Theo lối diễn giải này, Eternal là những Tổng lãnh Thiên thần, còn loài Deviant có vai trò tương đương những Đọa Thiên sứ.

Eternals anh 1

Các anh hùng trong phim được khắc họa như thần thánh, anh hùng từ những nền văn minh cổ.

Nếu Marvel có thể khoác lên mình những vị thần trong truyền thuyết như Thor hay Loki lớp áo siêu anh hùng, thì Eternal cũng không ngoại lệ. Phim tiết lộ nhiều nhân vật trong các điển tích kinh điển của nhân loại thực chất thuộc chủng loài bất tử này. Đội trưởng Ikaris (Richard Madden) là hình mẫu cho giai thoại Ikarus mang đôi cánh sáp bay về phía mặt trời, Thena (Angelina Jolie) được người dân Hy Lạp đánh đồng với Nữ thần Chiến tranh Athena, hay Gilgamesh (Ma Dong Seok) là anh hùng đầu tiên của nền văn minh Lưỡng Hà.

Với dàn nhân vật mới đầy cuốn hút, Eternals thu hút sự quan tâm của giới mộ điệu từ trước khi ra mắt. Ngoài ra, sự góp mặt của nhà làm phim Chloé Zhao - từng thắng Oscar 2021 với phim Nomadland - cho người xem quyền kỳ vọng đây sẽ là một phim siêu anh hùng khác biệt, nhiều lớp lang.

Tình yêu của những kẻ bất tử

Sự tồn tại của các Eternal tựa như phản đề cho học thuyết anh hùng của nhà thần học Joseph Campbell. Theo Campbell, điểm chung của hầu hết giai thoại anh hùng nằm ở việc nhân vật chính sau khi rời khỏi "vùng an toàn" và đối mặt với hiểm nguy, tuyệt vọng mới có thể trở thành anh hùng.

Ngược lại, chủng loài bất tử của Arishem ngay từ khi sinh ra đã sở hữu sức mạnh vô song. Họ kiến tạo và thao túng những nền văn minh chỉ trong chớp mắt, thậm chí vui vẻ ngồi bàn luận về diễn biến trận Endgame - Avengers đối đầu Thanos - như cách người trần bình luận bóng đá. Thứ duy nhất níu giữ họ với nhân tính và lý trí, chỉ có tình yêu.

Mối tình 5.000 năm giữa Ikaris và Sersi lãng mạn nhưng cũng chua chát. Trái với người vợ ngây thơ đặt trọn niềm tin vào con người, thủ lĩnh Ikaris nhập nhằng giữa những hoài nghi và luật lệ của Đấng Arishem. Việc anh quyết định bỏ rơi cô trong suốt nhiều thế kỷ dù chỉ được khắc họa qua lời thoại cũng đủ khiến người xem phải nao lòng.

Gilgamesh bên cạnh và chăm sóc Thena khi những ký ức chiến tranh khiến Nữ thần trở nên điên loạn, dù cả hai chưa từng nói lời yêu. Hai kiểu tình yêu nồng nhiệt - cay đắng của thời son trẻ và ấm áp của tuổi xế chiều được cài cắm khéo léo, phù hợp với những ai muốn tìm kiếm chất thơ trong điện ảnh.

Lấy tình yêu và lòng thấu cảm làm mạch chính, phim siêu anh hùng đầu tay của Chloé Zhao mang nét quyến rũ và nền nã - đặc trưng điện ảnh phương Đông. Tuy nhiên, nhiều cây viết từ các tờ báo Mỹ như Variety, Hollywood Reporter... cho rằng chất phim khác biệt với chuỗi tác phẩm điện ảnh có nhiều gam màu tươi sáng như Marvel.

Lối kể chuyện đậm chất Nomadland

Trong Nomadland, vai chính của Frances McDormand dành phần lớn thời lượng cho hành trình lang bạc, có những chiêm nghiệm trước thế giới đang vần vũ điên đảo xung quanh mình. Phong cách kể chuyện tương tự cũng được tìm thấy trong Eternals.

Phim sử dụng lối kể đa tuyến tính, xoay chuyển giữa biến cố hiện tại và tháng ngày trong quá khứ, nơi nhóm Eternal chứng kiến những thăng trầm của lịch sử nhân loại. Với tổ hợp nhân vật mang sức nặng văn hóa, người xem có quyền mong chờ Chloé Zhao sẽ khai thác sâu hơn về cách nhóm thao túng thời cuộc, thâm nhập vào các tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên, những cài cắm liên quan đến lịch sử chỉ xuất hiện thoáng qua trong lời thoại, chứ chưa được diễn giải sâu bằng hình ảnh sinh động.

Công bằng mà nói, các pha giao đấu trong Eternals vẫn đủ nịnh mắt, làm người xem choáng ngợp bởi các chiêu thức, chiêu số đa dạng của nhóm nhân vật chính. Song, thời lượng các cảnh hành động ít ỏi, hiệu ứng trong lối ra đòn có nhiều nét trùng lặp với thương hiệu siêu anh hùng X-Men là một điểm hạn chế của tác phẩm.

Thay vào đó, phim của nữ đạo diễn gốc Á có nhiều khoảng lặng, khi nhân vật đứng giữa cảnh rừng núi hùng vỹ, đôi mắt trầm buồn như gánh gồng những nỗi niềm từ thuở xa xưa.

Zhao dụng công tạo dựng nhiều ngoại cảnh hùng vỹ, từ đền đài Babylon xa hoa cho đến đại ngàn xanh mướt; dùng cảnh thiên nhiên để nói thay tiếng lòng của những người hùng bất tử. Chuỗi hình ảnh đậm tính hình tượng, gợi nét buồn thường trực dễ khiến khán giả vốn mong đợi những màn giao tranh kịch tính hụt hẫng.

Eternals anh 2

Phim giàu thông điệp, thiếu hành động.

Kịch bản phim do dồn nén nhiều thông điệp nên có phần ôm đồm. Điều này khiến các vai diễn chưa có sự đầu tư đồng đều. Trong khi tuyến chính Sersi - Ikaris mờ nhạt, thì Gilgamesh hay Druig (Barry Keoghan) lại tỏa sáng - chủ yếu nhờ sức hấp dẫn từ chính nhân vật cũng như thực lực của diễn viên.

Angelina Jolie được kỳ vọng khi vào vai Thena, nhưng đất diễn hạn chế khiến minh tinh không có cơ hội thể hiện tài năng của mình. Nhân vật Danny Whitman của Kit Harington chỉ có tác dụng cài cắm cho những phim tương lai của Vũ trụ Marvel, gần như thừa thãi ở mạch truyện chính.