Bà Nguyễn Phương Hằng đối diện với khung hình phạt nào?

Công an cáo buộc bà Hằng dùng nhiều ngôn từ mang tính nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Tối 24/3, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo Công an TP.HCM, bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát trực tiếp nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó, bị can sử dụng những ngôn từ mang tính chất nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Quá trình điều tra, bà Hằng được cho là không hợp tác, coi thường pháp luật, nhiều lần tổ chức tập trung nhiều người đến nhà riêng của các cá nhân có mâu thuẫn, gây mất an ninh trật tự tại TP.HCM và các địa phương khác.

Ba Nguyen Phuong Hang anh 1

Công an được điều động đến giữ trật tự tại khu vực nhà riêng bà Hằng tối 24/3. Ảnh: Thư Trần.

Cần xử lý nghiêm minh

Trao đổi với Zing, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá động thái của Công an TP.HCM khi áp dụng Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 để cáo buộc bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, là có căn cứ.

Theo luật sư, từ Hiến pháp đến hệ thống pháp luật của Việt Nam đều quy định mọi công dân ai cũng có quyền tự do ngôn luận, được nói những gì mình nghĩ. Tuy nhiên, tự do ngôn luận đó phải tuân thủ pháp luật.

"Hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thường được diễn ra trên không gian mạng, qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức tương đương", luật sư phân tích.

Theo luật sư, đối tượng mà người có hành vi vi phạm các quy định của Điều 331 hướng đến thường đối với những không gian có đông người như mạng xã hội hoặc một sự kiện tập thể nên tạo ra sức lan truyền rất nhanh và khủng khiếp.

Luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh người bị cáo buộc phạm tội theo Điều 331 sẽ phải thỏa mãn hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

"Như vậy, khi một người có hành vi xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước hoặc những lợi ích hợp pháp của tập thể, cá nhân thì có thể gây hậu quả rối loạn xã hội", luật sư Tuấn Anh bổ sung.

Theo ông, việc bà Hằng bị khởi tố là hệ quả tất yếu sau hàng loạt sự kiện gây xôn xao mạng xã hội của nữ Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam. Luật sư cho rằng cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh những sai phạm của bị can này.

Những dấu hiệu vi phạm của bà Hằng

Chia sẻ quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) phân tích những biểu hiện của hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện rất đa dạng.

Theo luật sư Cường, đó là các hành vi chửi bới, xúc phạm người khác; thu thập, sử dụng trái phép thông tin của cá nhân; bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; đe dọa, uy hiếp tinh thần ai đó. Những hành vi sẽ bị xem xét xử lý hình sự nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ông Cường dẫn chứng trong nhiều buổi livestream trên mạng xã hội, bà Nguyễn Phương Hằng từng bày tỏ các quan điểm, thái độ của bản thân và đưa ra rất nhiều thông tin gây bất ngờ. Nữ bị can còn lên mạng tố cáo nhiều cá nhân khi cho rằng họ ăn chặn từ thiện, có lối sống thiếu chuẩn mực.

"Một số nội dung đã được cơ quan chức năng kết luận là không đủ căn cứ. Nhiều người cũng gửi đơn thư tố cáo nữ doanh nhân này về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của họ", luật sư Cường nhấn mạnh.

Theo ông Cường, sau khi khởi tố bị can và bắt tạm giam, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi cụ thể xảy ra ở thời gian, không gian nào; hành vi đó xâm phạm đến lợi ích nào của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức nào, cá nhân nào. Đồng thời, nhà chức trách sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại để xác định hành vi phạm tội và hậu quả.

Ba Nguyen Phuong Hang anh 2

Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo Điều 331 Bộ luật Hình sự, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất 6 tháng, cao nhất là 7 năm.

Khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng

Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt để điều tra về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Công an giải tán đám đông trước biệt thự của bà Nguyễn Phương Hằng

Người dân hiếu kỳ đến trước biệt thự của bà Nguyễn Phương Hằng (Nguyễn Thông, quận 3) để theo dõi sau khi biết tin Công an TP.HCM khởi tố, bắt giam người phụ nữ này.