188 ha 'đất vàng' Bình Dương bị 7 cựu lãnh đạo bán rẻ thế nào?

Cựu bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam khai "không vụ lợi" khi để doanh nghiệp sử dụng 2 lô "đất vàng" với tiền thuế chỉ 29 tỷ đồng, thấp hơn 27 lần mức nhà nước cần thu, cáo trạng nêu.

Ngày 15/8, ông Trần Văn Nam, 59 tuổi, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cùng 27 người sẽ bị TAND Hà Nội xét xử trong đại án liên quan hai lô "đất vàng" tại tỉnh Bình Dương.

Ngoài ông Nam, vụ án còn có nhiều bị can từng đảm nhiệm chức Chánh văn phòng, phó chánh văn phòng UBND tỉnh, cục trưởng, cục phó Cục Thuế, phó giám đốc Sở Tài chính... của Bình Dương.

12 cựu lãnh đạo này đều bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, với hình phạt tối đa 20 năm tù.

Vụ án xảy ra trong giai đoạn ông Nam làm Phó chủ tịch tỉnh Bình Dương. Theo cáo trạng, 19 năm trước, tỉnh Bình Dương được Thủ tướng phê duyệt đề án phát triển khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, diện tích hơn 4.000 ha nhằm phát triển các dự án khu công nghiệp, dịch vụ, khu đô thị cao cấp.

Công ty Sản xuất- Xuất nhập khẩu (SX-XNK) Bình Dương, khi đó là doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước, được tỉnh giao 570 hecta đất trong đề án này. Đơn giá đất mà chủ đầu tư, tức Công ty SX- XNK Bình Dương, phải trả là 51.914 đồng/m2, được tỉnh phê duyệt trong quyết định ngày 27/12/2006.

Song khi Công ty SX-XNK Bình Dương trình hồ sơ, Bộ Xây dựng không cấp phép cho hạng mục "Dự án trường đua". Do đó, diện tích dự án giảm xuống chỉ còn 188 hecta.

Trong số này, 43 hecta lấy tên là khu B: Khu Dân cư- Thương Mại- Dịch vụ Tân Phú. 145 hecta còn lại, khu D, là Câu lạc bộ sân golf và Khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp.

Khu đất 43 ha có hai mặt tiền đường, được xem là đất vàng ở Bình Dương. Ảnh: Phước Tuấn

Khu đất 43 ha có hai mặt tiền đường, được xem là "đất vàng" ở Bình Dương. Ảnh: Phước Tuấn

Việc giải phóng mặt bằng đã kéo dài tới 6 năm, hoàn thành tháng 12/2010. Tháng 9/2012 và tháng 1/2013, hai lô đất lần lượt được tỉnh bàn giao theo hình thức có thu tiền.

"Tổng công ty SX-XNK Bình Dương có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật hiện hành...", theo nội dung các quyết định giao đất, do Phó chủ tịch Trần Văn Nam ký khi đó. Và các "nghĩa vụ tài chính" Tổng công ty phải thực hiện sẽ do Cục Thuế Bình Dương xác định. Từ đây, các sai phạm bắt đầu nảy sinh.

Theo quy định pháp luật, mức thuế căn cứ Bảng giá đất hiện hành do tỉnh Bình Dương ban hành vào thời điểm quyết định giao đất, tức năm 2012. Nhưng năm 2006, tỉnh Bỉnh Dương từng có quyết định áp giá hai lô đất trên ở mức 51.914 đồng/m2.

Lãnh đạo Cục Thuế Bình Dương khi này đứng giữa hai lựa chọn: dùng bảng giá năm 2006 để tính cho 188 hecta "đất vàng" được bàn giao năm 2012 hoặc dùng đúng mức giá của thời điểm 2012.

Trong cuộc họp ngày 13/11/2012, Cục trưởng Cục Thuế Lê Văn Trang, Cục phó Võ Thanh Bình và Trưởng phòng Nguyễn Thái Thanh thống nhất phương án đầu tiên. Ba ngày sau, Cục Thuế gửi công văn đến UBND tỉnh Bình Dương, đề xuất áp đơn giá đất từ 6 năm trước, tức 51.914 đồng/m2.

Cáo trạng nêu, khi công văn này đến tay Trưởng phòng Kinh tế Trần Xuân Lâm, với nhiệm vụ nghiên cứu và đánh giá đề xuất của Cục Thuế để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, ông Lâm đã có thể là người chặt đứt chuỗi sai phạm này. Ngược lại, ông Lâm bị cáo buộc, biết đề xuất đơn giá của Cục thuế là sainhưng vẫn đồng ý và "trực tiếp soạn công văn" chấp thuận đơn giá đất bình quân 51.914 đồng/m2.

Đơn giá đất sai quy định đã vượt qua "vòng kiểm duyệt" của ông Lâm và tiếp tục trót lọt ở "vòng thứ ba và thứ tư" khi đến tay Phó Chánh văn phòng tỉnh, Võ Văn Lượng và Chánh văn phòng tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc. Như ông Lâm, ông Lượng, Trúc bị cáo buộc "biết và buộc phải biết về việc đề xuất đơn giá là sai, nhưng vẫn đồng ý phê duyệt".

Cựu bí thư Trần Văn Nam. Ảnh: TTXVN

Cựu bí thư Trần Văn Nam. Ảnh: TTXVN

Người kiểm duyệt ở vòng thứ 5, vòng cuối cùng, là ông Trần Văn Nam, Phó Chủ tịch tỉnh trực tiếp phụ trách lĩnh vực đất đai, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo công tác điều tra giá đất và xây dựng bảng giá đất Bình Dương trong suốt 3 năm, 2011- 2013.

Ngày 23/11/2012 ông Nam ký duyệt cho công văn chấp thuận đơn giá đất bình quân 51.914 đồng/m2. Từ đây, mức giá đất sai quy định được Cục Thuế Bình Dương áp cho lô đất 43 hecta là 5 tỷ đồng, lô 145 hecta là hơn 24 tỷ đồng.

Tháng 12/2012 và tháng 1/2013, Tổng công ty SX-XNK Bình Dương nộp tổng 29,4 tỷ đồng, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo kết luận định giá tài sản của cơ quan điều tra, mức này giảm tới 27 lần so với số tiền đúng ra phải đóng, theo bảng giá năm 2012, tức 791 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa, Nhà nước bị thất thoát 761 tỷ đồng.

Ba cựu lãnh đạo Cục Thuế, họ cho rằng việc Cục Thuế đề xuất áp giá đất "rẻ" cho Tổng công ty SX-XNK Bình Dương, xuất phát từ các tài liệu Sở Tài nguyên môi trường và Tổng công ty SX-XNK Bình Dương cung cấp cho mình.

Cụ thể, khi chuyển thông tin của 2 lô đất cho Cục Thuế, Sở Tài nguyên Môi trường đã căn cứ quyết định phê duyệt đơn giá năm 2006, chứ không phải 2012. Tổng công ty SX-XNK Bình Dương cũng cung cấp Biên bản bàn giao mốc ranh, đề ngày 1/6/2006.

"Việc chậm giao đất cũng không phải lỗi của Tổng công ty", ba cựu lãnh đạo Cục Thuế Bình Dương cùng khai, do đó, đã bàn bạc và thống nhất, áp giá đất năm 2006, thay vì 2012.

Trong khi đó, 3 cựu lãnh đạo thuộc khổi UBND tỉnh, gồm Trưởng phòng Kinh tế, Chánh văn phòng và phó Chánh văn phòng cho rằng mắc sai phạm do "tin tưởng" Cục Thuế, dù theo quy định, các cán bộ Văn phòng UBND tỉnh phải "thẩm tra, đánh giá độc lập". Ba cựu cán bộ trên bị cáo buộc đều "biết trái quy định vẫn đồng ý phê duyệt".

Người có chức vụ cao nhất trong sai phạm này, ông Nam thừa nhận "làm chưa đúng" song "không xuất phát từ động cơ vụ lợi".

Cơ quan tố tụng cho hay ông Nam và 6 cựu lãnh đạo tỉnh đều thừa nhận hành vi, song khẳng định không tư lợi, chỉ do "nhận thức sai lầm".

Hành vi của 7 cựu cán bộ này được cơ quan điều tra xác định mở đầu cho toàn bộ vụ án, với bốn nhóm sai phạm, liên quan 28 bị can, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5.760 tỷ đồng.

Phiên tòa dự kiến kéo dài 20 ngày, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa. 61 luật sư đăng ký bào chữa cho các bị cáo, trong đó ông Nam có 5 người.

Tỉnh ủy, UBND, Cục Thuế, Sở Tài chính và Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương được Tòa án triệu tập với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Thanh Lam