WWF cảnh báo tình trạng khai thác cát gây sụt lún tại ĐBSCL

TPO - Việc khai thác cát tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) âm ít nhất từ 26,5 đến 39,5 triệu tấn/năm dẫn đến thu hẹp và sụt lún.
WWF cảnh báo tình trạng khai thác cát gây sụt lún tại ĐBSCL ảnh 1

Khai thác cát trên sông Tiền. Ảnh: Hòa Hội

Ngày 19/12, tại Cần Thơ, diễn ra Tọa đàm "Quản lý Cát bền vững ở ĐBSCL và Giải pháp nào cho tình trạng khan hiếm cát dưới góc nhìn chuyên gia và truyền thông" do Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam WWF- Việt Nam) và báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức.

Ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia dự án Quản lý Cát Bền vững ở ĐBSCL, WWF - Việt Nam cho biết, sự mất cân bằng khá nghiêm trọng ngân hàng cát ở ĐBSCL âm từ 26,5 – 39,5 triệu tấn/năm. Hiện nay toàn vùng có 665 điểm sạt lở với chiều dài 656 km. Trong đó, đặc biệt nguy hiểm 181 điểm, dài 172,4km; nguy hiểm 137 điểm, dài 193,2km.

WWF cảnh báo tình trạng khai thác cát gây sụt lún tại ĐBSCL ảnh 2

Ông Hà Huy Anh, Quản lý Quốc gia dự án Quản lý Cát Bền vững ở ĐBSCL, WWF - Việt Nam

Theo ông Anh, do quá nhiều đập thủy điện xây dựng trên thượng nguồn dẫn đến lượng trầm tích đổ về đồng bằng từ thượng nguồn giảm theo thời gian, đến 2040 dự đoán chỉ còn 4,5 triệu tấn trầm tích đổ về ĐBSCL trong đó 10- 15% là cát so với 143,2 triệu tấn năm 2007.

Ông Hà Huy Anh khuyến cáo, khai thác cát thay vì dựa trên trữ lượng cát ở đáy sông, cần dựa trên cân bằng của ngân hàng cát để hạn chế rủi ro về kinh tế, xã hội, môi trường. Đồng thời, cát sông của ĐBSCL hoàn toàn phụ thuộc vào các quốc gia thượng nguồn, có vai trò rất quan trọng, đang cạn kiệt nhanh chóng.

WWF cảnh báo tình trạng khai thác cát gây sụt lún tại ĐBSCL ảnh 3

Khai thác cát trên sông tại ĐBSCL

Khi nguồn cả cát sông và nguồn vật liệu thay thế hạn chế, các nhà hoạch định chính sách cần xác định những công trình hạ tầng thực sự ưu tiên cho phát triển ĐBSCL, thay vì phải xây dựng tất cả cùng một thời điểm.

Các tài liệu khoa học cho thấy, lưu vực sông Mekong đóng góp lượng trầm tích cho vùng ÐBSCL với tỷ lệ bồi tụ trung bình hằng năm từ 0,3 - 1,8mm. Lượng trầm tích đổ về đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại sự sụt lún, sạt lở, xâm nhập mặn... và là nguồn duy trì, nuôi dưỡng đồng bằng. Tuy nhiên, các nghiên cứu của giới chuyên gia thời gian qua cho thấy, lượng phù sa, bùn cát của sông Mekong đã giảm khoảng 50%, từ 160 triệu tấn vào năm 1992 xuống còn 75 triệu tấn năm 2014. Theo báo cáo của Ủy hội Sông Mekong công bố năm 2018, tổng lượng trầm tích (bao gồm cát) đổ về sông Tiền và sông Hậu đang ngày càng giảm dần và dự kiến chỉ còn khoảng 4,5 triệu tấn trầm tích vào năm 2040. Nguyên nhân là do hàng loạt thủy điện được xây dựng trên thượng nguồn.

WWF cảnh báo tình trạng khai thác cát gây sụt lún tại ĐBSCL ảnh 4

Sà lan chở cát

Theo các chuyên gia, ĐBSCL đang bị sụt lún và thu hẹp do việc khai thác nước ngầm quá mức cho phát triển nông nghiệp và các mục đích khác như các đập ở thượng nguồn, việc sử dụng nước ở thượng nguồn và khai thác cát sông ngày càng tăng khiến dòng chảy của nước và trầm tích bị giảm; giảm bổ sung các tầng chứa nước; mở rộng cơ sở hạ tầng, và nước biển dâng. Hậu quả là nhiễm mặn đất và các tầng chứa nước, cạn kiệt các tầng chứa nước, sự di cư của các loài cá bị hạn chế, gia tăng ô nhiễm, giảm dòng chảy của các chất dinh dưỡng, suy thoái vành đai rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh thái chung bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho nông nghiệp và nghề cá, đồng thời hạn chế nguồn nước sạch cho sinh hoạt.

Ngoài ra, việc khai thác cát sông quá mức dẫn đến mất môi trường sống ven sông và thủy sinh, phá hủy hệ động thực vật địa phương, mất nơi lưu trú và lớp che phủ cho lòng sông. Ngoài ra, khai thác cát trực tiếp từ lòng sông đang chảy làm ảnh hưởng đến mật độ của các quần thể động vật không xương sống và cá ở đáy sông. Bên cạnh đó, tiếng ồn và sự dịch chuyển trong quá trình khai thác cát sông của thiết bị công nghiệp nặng có thể xua đuổi các loài động vật hoang dã dọc theo vùng ven sông.