Tốn 7 triệu đồng trong một tuần thành F0

Trong khi gia đình Quỳnh Mai tốn nhiều tiền vào việc xét nghiệm, anh Tấn Minh lại chi phí vào ăn uống và bồi bổ khi trở thành F0.

“Cuối cùng, F0 cũng tìm đến mình”, anh Hồ Tấn Minh (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cảm thán khi không may mắc Covid-19 giữa tháng 2.

Dù thời gian qua rất nhiều người xung quanh anh Minh dương tính, cho tới khi trở thành bệnh nhân, người đàn ông 34 tuổi mới bắt đầu sốt sắng hỏi han và tìm hiểu cách để điều trị.

Trải qua một tuần “chiến đấu” với Covid-19, anh Minh tiêu tốn gần 7 triệu đồng. “Số tiền này dùng cho thuốc men thì ít mà tẩm bổ thì nhiều”, anh Minh chia sẻ.

Tiền ăn nhiều hơn tiền thuốc

Ngay khi có triệu chứng ho, anh Minh xét nghiệm nhanh tại công ty và nhận “2 vạch”. Ngay lập tức, anh được cho về nhà để cách ly điều trị.

“Tôi gọi điện báo cho bạn, tiện nhắn luôn cái tủ lạnh của mình đang trống trơn. Khoảng 2 giờ sau, bạn tôi cung cấp đầy đủ thức ăn, các loại thuốc cần thiết. Tôi có hỏi thì được biết 'thiệt hại' cho lần viện trợ đầu tiên này hết 2 triệu đồng”, anh Minh kể.

Anh cho biết triệu chứng bệnh với bản thân không quá nặng, sốt cao nhất 37,5 độ C, ho và khàn giọng khoảng 2 ngày, còn lại là cảm giác thèm ăn khủng khiếp.

Với tâm lý “phải tẩm bổ mới nhanh đuổi virus đi”, anh Minh “chi mạnh” cho thức ăn hàng ngày, trái cây, thực phẩm dinh dưỡng. Ngoài ra, anh còn mua thêm kit xét nghiệm nhanh, thiết bị xông tinh dầu, bình sát khuẩn họng loại tốt...

“Tôi test nhanh 2 ngày 1 lần, tới lần thứ 3 thì âm tính. Tôi xét nghiệm thêm rRT-PCR trong tuần tiếp theo cho chắc chắn thì tốn hơn 500.000 đồng. Trong vòng một tuần đó, bạn tôi mua 2 lần thực phẩm để nấu ăn. Còn khi thèm món gì, tôi đặt giao hàng thêm. Thiệt hại của tôi là 7 triệu đồng”, người đàn ông 34 tuổi nói.

Tốn kém khi cả gia đình thành F0

Giữa tháng 2, gia đình của Quỳnh Mai (23 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) đi du lịch tại Thừa Thiên - Huế và Hội An (Quảng Nam). Trong khi cả gia đình đi chơi, cháu của Mai ở nhà có biểu hiện sốt, xét nghiệm nhanh thì cho kết quả dương tính với nCoV. Ngay sau đó, các thành viên trong gia đình Mai cũng xét nghiệm nhanh, nhưng không ai dương tính.

Trở về TP.HCM, cả nhà đến bệnh viện làm xét nghiệm rRT-PCR. Kết quả, 9/10 thành viên nhiễm bệnh. Anh rể của Quỳnh Mai có sức khỏe ổn định nhất nên ra ngoài mua lương thực, thuốc men cho cả nhà trong thời gian tự điều trị. Mai cho biết từ lúc nhiễm bệnh, gia đình cô chi khá nhiều cho việc "chiến đấu" cùng Covid-19.

chi phi F0 anh 5

Quỳnh Mai cùng 9 thành viên trong gia đình mắc Covid-19 sau chuyến đi chơi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tính sơ bộ, xét nghiệm rRT-PCR 550.000 đồng/lượt, gia đình 10 thành viên thì tốn 5,5 triệu đồng. Tiền ăn uống, sinh hoạt cho cả gia đình điều trị tại nhà khoảng 1 triệu đồng/ngày. Đó là chưa kể các chi phí khác như mua kit xét nghiệm nhanh, thuốc hạ sốt, vitamin…

Mai cho rằng thiệt hại về tài chính nhiều nhưng không nghiêm trọng bằng thiệt hại về mặt sức khỏe. Các thành viên trong gia đình cô đã tiêm đủ 3 mũi vaccine, cộng thêm mũi vaccine phòng viêm phổi, nên tình trạng hụt hơi có phần nhẹ hơn. Dẫu vậy, tình trạng đau nhức cơ, xương, đãng trí… thường xuyên xảy ra.

“Tôi đang tìm gói khám tổng quát cho cả nhà sau khi khỏi bệnh. Vì di chứng Covid-19 rất nguy hiểm”, Mai nói.

Còn gia đình chị Mai Thị Thùy (32 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) có 4 người dương tính. Ban đầu, đứa con trai 4 tuổi của chị bị nhiễm sau khi đi học mầm non trở lại. Thế là chồng chị cách ly chung với con trai trong một phòng để chăm sóc bé.

Chị Thùy và con gái 11 tháng sinh hoạt riêng bên ngoài cùng người giúp việc đã mắc Covid-19 trong năm 2021.

“Lúc đó chồng tôi xác định sẽ là F0 luôn vì chăm con thì khó mà tránh được. Tuy nhiên, không ngờ 2 ngày sau thì cả chồng, tôi và cô giúp việc dương tính. Con gái tôi có sổ mũi nhưng test vẫn âm”, chị Thùy chia sẻ.

chi phi F0 anh 6

Thêm 3 thành viên dương tính sau khi đứa con trai 4 tuổi của chị Thùy mắc Covid-19. Ảnh: Mai Thùy.

Thế là cả nhà chị Thùy bắt đầu “sống chung với Covid-19”. Chị mua sẵn 5 hộp kit xét nghiệm nhanh khoảng 2,5 triệu đồng, các loại thuốc hạ sốt, thuốc ho, xông mũi và xịt họng… hơn 1 triệu đồng nữa.

Và một số tiền không nhỏ được chị Thùy chi vào thức ăn, bồi bổ cho cả gia đình. “Có thể trước đây mình ăn 7 phần thì khi mắc bệnh, tôi chủ trương cho cả gia đình ăn 10 phần. Tôi nghĩ phải có sức khỏe thì mới đẩy lùi bệnh được”, chị Thùy chia sẻ.

Hiện gia đình chị Thùy còn người chồng vẫn dương tính sau 5 ngày và được cách ly điều trị riêng; các thành viên khác đã âm tính.

Đỡ tốn tiền khi sống cùng gia đình

Anh Huỳnh Bá Lộc (31 tuổi), nhân viên của một công ty truyền thông ở TP.HCM là trường hợp tái nhiễm và may mắn 2 lần đều nhẹ.

Lần đầu, Lộc nhiễm bệnh đầu tháng 9/2021, thời điểm đó TP.HCM vẫn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Anh được sự hỗ trợ từ y tế phường, vì vậy chi phí không tốn kém bao nhiêu.

“Thời điểm đó tôi đang hành nghề tự do, thành phố thực hiện giãn cách thời gian dài nên thu nhập của tôi rất eo hẹp. May là có hỗ trợ của phường nên không tốn nhiều tiền cho việc điều trị”, anh Lộc nói.

chi phi F0 anh 7

Anh Huỳnh Bá Lộc không tốn quá nhiều chi phí sau 2 lần mắc Covid-19. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau giãn cách xã hội, anh Lộc làm việc tại công ty truyền thông, anh phát hiện bị tái nhiễm giữa tháng 2 vừa qua. Lần nhiễm bệnh này anh tự điều trị và làm việc tại nhà theo chính sách của công ty. Ngoài các loại thuốc thông dụng luôn dự phòng ở nhà, anh mua thêm tinh dầu tràm để xông và kit xét nghiệm nhanh. Tổng chi phí khoảng hơn 200.000 đồng.

Ngoài ra, anh Lộc hiện sống cùng với cha mẹ tại quận 8 (TP.HCM), nên chi phí ăn uống, sinh hoạt hàng ngày cũng được gia đình hỗ trợ. Trong quá trình tự điều trị anh không tốn thêm chi phí phát sinh.

Lộc cho biết anh không xét nghiệm thường xuyên trong quá trình điều trị. 7 ngày sau khi nhiễm bệnh, anh xét nghiệm nhanh và được kết quả âm tính. Tuy nhiên, anh vẫn ở nhà thêm một tuần rồi mới trở lại làm việc tại văn phòng.

“Công ty tôi tuần trước mới có thêm một nhân viên mắc Covid-19. Bạn ấy mua hộp thuốc điều trị tốn hơn 2,5 triệu đồng. Đó là chưa tính các khoản chi tiêu khác. Tôi may mắn là không tốn quá nhiều trong 2 lần nhiễm bệnh”, anh chia sẻ.

13 phường, xã ở TP.HCM phải đóng cửa quán karaoke, bar

13 địa phương có dịch cấp độ (vùng cam) tại TP.HCM phải dừng hoạt động bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke.

Bộ Y tế: Người dân không nên test Covid-19 liên tục

Biến chủng Omicron 2-3 ngày mới có một chu kỳ lây nhiễm nên Bộ Y tế khuyến nghị 2-3 ngày người dân mới test một lần và có thể làm mẫu gộp.

Cập nhật tình hình Covid-19 (từ 29/4/2021)

Xem chi tiết
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh Hôm nay Tổng số ca