Tòa thị chính Bordeaux của Pháp rực lửa vì biểu tình

Pháp hôm 23/3 tiếp tục hứng chịu cơn thịnh nộ của người biểu tình trên khắp đất nước phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 của Tổng thống Emmanuel Macron.

Tại thành phố Bordeaux, cổng trước của tòa thị chính bị phóng hỏa, trong khi tại Paris, cảnh sát và các nhóm người biểu tình đụng độ đến khuya, theo Guardian.

Ở thủ đô, dòng người biểu tình xuất phát từ quảng trường Bastille vào đầu giờ chiều và tiến đến quảng trường Opéra dọc theo đại lộ Grands. Các nhà lãnh đạo công đoàn tuyên bố có khoảng 800.000 người tham gia cuộc tuần hành, nhưng cảnh sát đưa ra con số là 119.000 người.

Một nhóm thanh niên mặc đồ đen và đeo mặt nạ phá hủy các nhà chờ xe buýt, pano quảng cáo, cửa sổ cửa hàng, các kios bán báo, và đốt lửa trên đường.

Họ cũng kéo dỡ lưới sắt xung quanh cây cối, đập vỡ đá lát đường và ném vào cảnh sát.

Đụng độ diễn ra tồi tệ nhất ở quảng trường Opéra và sau đó là quảng trường Bastille, nơi cảnh sát cố gắng giải tán người biểu tình bạo lực bằng hơi cay.

Các công đoàn tuyên bố có 3,5 triệu người tham gia biểu tình trên khắp đất nước, trong khi các nhà chức trách cho rằng con số này thấp hơn nhiều, chỉ dưới 1,1 triệu người.

bieu tinh Phap anh 1

Tòa thị chính ở Bordeaux bị phóng hỏa. Ảnh: Ugo Amez/SIPA/REX/Shutterstock.

Ở thành phố Rouen, có khoảng 14.800 đến 23.000 người biểu tình tụ tập, theo số liệu từ cảnh sát và các đoàn thể. Các cuộc biểu tình lớn cũng nổ ra ở Marseille, Lyon, Besançon, Rennes và Arles, cũng như các thị trấn và thành phố khác của Pháp.

Hôm 23/3, cảnh sát đã được thông báo về hơn 200 cuộc biểu tình trên khắp nước Pháp và đang chuẩn bị cho một cuộc biểu tình lớn. Dọc theo tuyến đường ở Paris, xe tải chở cảnh sát túc trực liên tục.

Nhiều người trong số những người biểu tình, đặc biệt là người trẻ tuổi, cho biết họ tức giận sau khi ông Macron nói trên truyền hình hôm 22/3 rằng biểu tình là “hợp pháp” nhưng sẽ không khiến ông từ bỏ kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu.

Ông Macron đã ra lệnh cho Thủ tướng Elisabeth Borne viện dẫn một quyền lực hiến pháp đặc biệt giúp kế hoạch của ông không cần Hạ viện bỏ phiếu thông qua.

Tổng thống lập luận rằng việc yêu cầu người dân ở Pháp làm việc thêm hai năm nữa là cần thiết để tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế của đất nước, cũng như ngăn hệ thống lương hưu của nước này rơi vào tình trạng thâm hụt khi dân số già đi.

Chính phủ của ông Macron hôm 20/3 đã suýt không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Những cuốn sách hay về châu Âu

Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Chính phủ của Tổng thống Macron vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron vào hôm 20/3 đã vượt qua 2 cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm sau khi thông qua các cải cách hưu trí mà không có sự chấp thuận của Quốc hội Pháp.

Cái giá đắt từ quyết định phút chót của ông Macron

Việc viện dẫn điều 49.3 để thay đổi chính sách nghỉ hưu đặt chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tình cảnh ngặt nghèo khi phải đối mặt với một loạt làn sóng phản đối.