Tiêm kích Nhật quay cảnh tên lửa Triều Tiên lao lên trời

Phi công tiêm kích F-15J Nhật Bản cất cánh khẩn cấp khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-17 và quay được cảnh quả đạn vọt lên trời.

"Nhằm ứng phó đợt phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên về phía đông, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã triển khai khẩn cấp tiêm kích F-15J và trinh sát cơ P-3C ngoài khơi bờ biển tỉnh Aomori. Phi công F-15J sau đó đã ghi lại hình ảnh tên lửa và xác nhận thông tin vụ phóng", Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo trên Twitter sau khi Triều Tiên khai hỏa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-17.

Video quay từ buồng lái tiêm kích F-15J được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, cho thấy vệt khói xả động cơ từ tên lửa Triều Tiên trong lúc quả đạn đang lấy độ cao. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trước đó mô tả vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là "hành động gây phẫn nộ và không thể tha thứ".

Tiêm kích Nhật quay cảnh ICBM Triều Tiên lao lên trời
 
 

Video ICBM Triều Tiên bay lên trời được quay từ tiêm kích F-15J Nhật Bản hôm 24/3. Video: BQP Nhật Bản.

Triều Tiên hôm nay xác nhận đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 được khai hỏa từ sân bay Bình Nhưỡng ngày 24/3 dưới sự giám sát của Chủ tịch Kim Jong-un.

Hwasong-17 lần đầu ra mắt tháng 10/2020 và được giới phân tích gọi là "tên lửa quái vật". Trong vụ thử hôm qua, tên lửa được phóng ở góc cao và đạt độ cao hơn 6.248 km. Giới phân tích cho rằng nếu được phóng ở quỹ đạo phù hợp, tên lửa có thể đạt tầm bắn 13.000 km, đủ sức bao trùm lục địa Mỹ.

Giới phân tích quân sự cho rằng Hwasong-17 có kích thước lớn hơn đáng kể so với Hwasong-15, mẫu tên lửa Triều Tiên phóng thử năm 2017. Nó có đường kính khoảng 2,5 m, khối lượng ước tính 80-110 tấn và được đặt trên xe chở đạn 11 trục, khiến Hwasong-17 được xếp vào nhóm ICBM di động trên mặt đất lớn nhất thế giới.

Tên lửa Hwasong-17 lao lên trời trong vụ phóng hôm 24/3. Ảnh: KCNA.

Tên lửa Hwasong-17 lao lên trời trong vụ phóng hôm 24/3. Ảnh: KCNA.

Triều Tiên không tiến hành vụ thử hạt nhân hay ICBM nào kể từ khi lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh đình chỉ hoạt động này vào năm 2018. Bình Nhưỡng hồi tháng 1 ám chỉ xem xét "tái khởi động những hoạt động tạm đình chỉ" để đối phó Mỹ do chính sách thù địch cùng mối đe dọa quân sự từ Washington.

Vụ phóng Hwasong-17 được coi là thông điệp "sẵn sàng đối đầu" mà Triều Tiên gửi tới Mỹ, khi Bình Nhưỡng dường như nhận ra Washington khó có thể tung ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Các lệnh trừng phạt Triều Tiên mà Mỹ trình ra Liên Hợp Quốc nhiều khả năng sẽ không nhận được sự ủng hộ từ Nga và Trung Quốc, sau những căng thẳng gần đây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Vũ Anh (Theo Drive)