Nỗi lo 'vẽ đường cho hươu chạy' cản trở giáo dục giới tính

Chuyên gia giáo dục chỉ ra những rào cản khiến các vấn đề về tình dục, giới tính đến nay vẫn được dạy nhỏ giọt, khó trở thành môn học độc lập trong nhà trường.

Chị Lan, phụ huynh có con học lớp 3 ở Phú Thọ, rất lo lắng trước thông tin về tình trạng học sinh độ tuổi THCS xem phim khiêu dâm, đặc biệt trong bối cảnh học online kéo dài. Lần đầu tiên kể từ khi làm mẹ, chị quan tâm một cách nghiêm túc đến các số liệu thống kê liên quan tới xâm hại tình dục, phá thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên. 49% trẻ vị thành niên tham gia khảo sát năm 2020 của UNICEF thừa nhận đã tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trực tuyến. Ở Việt Nam, Hội Kế hoạch hóa gia đình cho hay, mỗi năm có khoảng 30.000 ca nạo phá thai, chủ yếu ở độ tuổi 15-19.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, tăng cường phổ biến kiến thức về giới tính và tình dục là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn tác động tiêu cực của tình trạng này đến trẻ em.

Dù vẫn ý thức giáo dục giới tính cho con trong gia đình bằng những chỉ dẫn như: không thay đồ trước mặt người khác, biết bảo vệ các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể..., chị Lan cảm thấy như thế là chưa đủ. Chị mong trường học có chương trình giáo dục giới tính bắt buộc. Nếu được, đó có thể là môn học riêng.

Trong các trường học ở Việt Nam hiện nay, giáo dục giới tính không phải môn riêng biệt mà được lồng ghép, tích hợp với môn học khác như Khoa học và Sinh học. Trẻ được làm quen với cách vệ sinh thân thể từ lớp ba (9 tuổi) nhưng phải đến lớp năm, các em mới tiếp xúc với những bài học đơn giản đầu tiên về giáo dục giới tính.

Cũng như chị Lan, dưới các bài viết đề cập đến thực trạng giáo dục giới tính, nhiều độc giả cho rằng Việt Nam nên đưa giáo dục giới tính vào dạy trong trường học như môn học chính thức như ở một số quốc gia.

Mong muốn này được đánh giá là chính đáng, nhưng theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến giáo dục giới tính chưa thể trở thành môn học độc lập. Trong đó, rào cản lớn nhất liên quan đến những e ngại về hiệu quả của môn học này khi chưa có các nghiên cứu sâu về tác động hai mặt của giáo dục giới tính; cũng như chưa có phương pháp giảng dạy phù hợp với tâm lý người học ở các xã hội Đông Á như Việt Nam.

Thạc sĩ Lê Minh Huân, Giảng viên Tâm lý học, Tham vấn tâm lý, Đại học Quốc tế Sài Gòn, cho biết, các nhà quản lý giáo dục, chuyên gia luôn hướng đến việc chính thức hóa môn giáo dục giới tính trong trường học. Sự chuẩn bị đã diễn ra trong nhiều thập kỷ vẫn chưa đi đến thống nhất. Nguyên nhân, theo ông Huân, một phần do sự tham vấn của các chuyên gia tâm lý, giáo dục hay bác sĩ chuyên khoa chưa được chú trọng hoặc đặt đúng chỗ. Mặt khác, thông qua các khảo sát, phần lớn vẫn cho rằng vấn đề giới tính và tình dục là câu chuyện nhạy cảm. Nhiều người sợ "vẽ đường cho hươu chạy" hoặc cảm thấy lúng túng khi "không biết dạy trẻ về giới tính như thế nào cho phù hợp".

"Nhận thức phổ biến này khiến các đợt khảo sát, trưng cầu ý kiến về dạy độc lập về giáo dục giới tính nhận được sự ủng hộ thấp", ông Huân nói.

ThS Lê Minh Huân trong một buổi chia sẻ chuyên đề Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh THCS. Ảnh: Nhân vật cung cấp

ThS Lê Minh Huân trong một buổi chia sẻ chuyên đề Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho học sinh THCS. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS.TS Tâm lý học Đỗ Ngọc Khanh, Trưởng ban Cuộc sống và Nghệ thuật, người trực tiếp xây dựng và đào tạo giáo viên thực hiện chương trình giáo dục giới tính tại The Dewey Schools, lại cho rằng giáo dục giới tính chưa cần thiết phải thành môn học độc lập, đặc biệt ở bậc tiểu học, mà nên kết hợp với nhiều môn, nhiều hoạt động giáo dục khác để đảm bảo học sinh được trang bị một cách toàn diện.

Tuy nhiên hiện nay cũng rất ít trường đưa nội dung này vào giảng dạy một cách hệ thống, phù hợp cả về nội dung lẫn khối lượng kiến thức với từng lứa tuổi. Hơn nữa, giáo viên chưa được đào tạo và có tâm lý còn e ngại khi truyền tải đến học sinh. "Đó là lý do giáo dục giới tính vẫn còn gặp nhiều cản trở trong quá trình dạy và học trong nhà trường", bà Khanh nhận định.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ có nhận được đề xuất đưa giáo dục giới tính trở thành môn học độc lập như Toán hay Tiếng Việt. Tuy nhiên, theo ông, chương trình giáo dục phổ thông mới đã có cách tiếp cận vấn đề này một cách toàn diện, dù không được dạy thành môn riêng. Học sinh sẽ được học về giới tính từ lớp 1, với các kiến thức được tích hợp vào các môn như Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm, Giáo dục thể chất.

"Dù không phải môn độc lập, giáo dục giới tính trong chương trình mới là bắt buộc. Nó được đưa vào các môn với yêu cầu đạt được rất rõ ràng. Cách này giúp học sinh tiếp cận theo hướng kế thừa kiến thức, kết nối với nhiều hoạt động để được giáo dục giới tính một cách toàn diện", đại diện Bộ nói.

Trong khi giáo dục giới tính chưa trở thành môn riêng, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong gia đình. PGS Đỗ Ngọc Khanh cho rằng từ khi trẻ còn nhỏ, thậm chí vài tháng tuổi, cha mẹ nên bắt đầu dạy giới tính cho con bằng cách chăm sóc, nâng niu cơ thể, để con biết trân trọng bản thân. Sau đó, khi con lớn dần, phụ huynh sẽ dạy con về vệ sinh, biết mặc quần áo để che cơ thể. Giáo dục giới tính trong trường học sẽ tiếp nối khi các con đã có kiến thức cơ bản từ gia đình.

Chung quan điểm, ông Huân cho rằng nên bắt đầu giáo dục giới tính cho trẻ từ khi biết nói chuyện, tức trước hai tuổi. Khi trẻ chưa đi học, phụ huynh có thể dạy trẻ đâu là "vùng kín", các bộ phận sinh dục; tới tuổi đi học thì dạy hướng dẫn về hoạt động sinh sản, chăm sóc cơ thể, bảo vệ các vùng nhạy cảm...

Với các nhà trường, ông Huân nhấn mạnh cần chủ động lên kế hoạch giáo dục giới tính cho học sinh với tầm nhìn học kỳ hoặc năm học với các giai đoạn rõ ràng; đồng thời chuẩn bị đội ngũ chuyên môn, cập nhật kiến thức sao cho bài bản, nghiêm túc nhưng vẫn đảm bảo sự thoải mái, nhẹ nhàng để thu hút học sinh một cách tự nhiên.

Theo ông, việc mời các chuyên gia tâm lý - giáo dục, các bác sĩ chuyên khoa, các tổ chức y tế báo cáo, tập huấn, giảng dạy kiến thức, kỹ năng, phương pháp giáo dục giới tính nên được thực hiện định kỳ, thường xuyên trong trường học với nhiều hình thức.

"Đối với học sinh, được tham gia các lớp kỹ năng, chuyên đề tập huấn, những cuộc thi như vẽ tranh, báo tường, nghiên cứu khoa học, lễ hội có liên quan đến vấn đề giáo dục giới tính sẽ nâng hiệu quả giáo dục giới tính trong nhà trường", ông Huân nói.

Dương Tâm