Những kỹ năng du học sinh cần chuẩn bị hậu Covid-19

Tính tự lập, khả năng phân tích thông tin, làm chủ công nghệ và tư duy phản biện… là những điều mà các du học sinh cần chuẩn bị để thành công ở nước ngoài.

Đại dịch gây ra sự thay đổi lớn về cách tiếp cận kiến thức cũng như các hình thái học tập. Từ việc học trực tiếp chuyển sang học online gây ra nhiều trở ngại đối với mọi người. Covid-19 là thử thách nhưng cũng tạo không ít cơ hội cho du học sinh.

Tại buổi hội thảo trực tuyến Global Unitalk #3 "Problem Solving Skills - Kỹ năng du học hậu Covid" do Viện ISB - Đại học Kinh tế TP HCM tổ chức, hai đại diện đến từ Đại học Wollongong đã có những chia sẻ về bộ kỹ năng mà mỗi du học sinh có thể lĩnh hội được ngay trong đại dịch để gây ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng.

Kỹ năng tự lập, phân tích thông tin

Khi Covid-19 xuất hiện, chị Trần Phương Quyên (Leena), cựu sinh viên Wollongong Global Pathways nhìn thấy các bạn du học sinh xung quanh đều có một tâm lý chung là hoang mang. Hơn 2/3 thành viên cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Wollongong đã quyết định về nước nhưng chị Leena đã quyết định ở lại Australia.

Chị Leena, cựu sinh viên Wollongong Global Pathways đã quyết định ở lại Australia trong thời gian Covid-19 bùng phát. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Leena, cựu sinh viên Wollongong Global Pathways đã quyết định ở lại Australia trong thời gian Covid-19 bùng phát. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giờ đây nhìn lại, Leena cho rằng việc lựa chọn ở lại là động lực giúp mình nâng cao tính độc lập và kỹ năng phân tích thông tin một cách chuẩn xác hơn. Leena đặt mình trong tâm thế chủ động, đối mặt trực tiếp với vấn đề và sẵn sàng chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình.

"Đặt lên bàn cân giữa việc đi hay ở, mình nghĩ đây là cơ hội cũng như lợi thế lớn mà không phải ai cũng có được. Mình được trải nghiệm phúc lợi xã hội của Australia và cách quốc gia này đối diện với Covid-19. Mình học được cách nhìn thẳng vào vấn đề, vượt qua trạng thái trầm cảm khi phải ở một mình và sống xa gia đình thời dịch", Leena chia sẻ và cho biết đến bây giờ, khi đi du lịch sang các nước khác hay ở một mình, chị đều nhìn mọi thứ với góc tích cực, nhẹ nhàng hơn và từng bước xử lý mọi khó khăn.

Với hơn 20 năm làm việc trong ngành giáo dục, Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Quang Thanh, Trưởng bộ môn Kinh tế, Đại học Wollongong, Australia nhận định tự lập là yếu tố quan trọng nhất mà sinh viên cần có khi du học.

Phó giáo sư cho biết thêm, trong đại dịch, những du học sinh chọn ở lại Australia còn được mài dũa kỹ năng chắt lọc và tiếp nhận thông tin. Trước vô số những tin tức tích cực, tiêu cực đến trong những giai đoạn phức tạp nhất của đại dịch, du học sinh khi một mình nơi xứ người sẽ phải tự suy nghĩ, đánh giá để đưa ra quyết định phù hợp nhất. "Chỉ chúng ta mới biết chúng ta cần gì và có thể làm được gì", ông Thanh nói.

Làm chủ công nghệ và tư duy phản biện

Nhìn ở góc độ tích cực, Covid-19 đã giúp đẩy nhanh quá trình số hóa nói chung và nền kinh tế số nói riêng. Vì thế, mỗi nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ có những yêu cầu đặc biệt gắn với công nghệ số cho nhiều vị trí việc làm trong thời kỳ "bình thường mới". Phó giáo sư Lê Quang Thanh nhận định làm chủ công nghệ sẽ được nhiều nhà tuyển dụng đánh giá cao trong thời kỳ "hậu Covid-19".

Với công nghệ, sinh viên có thể tự học thông qua những diễn đàn online, qua những bài tập nhóm ngay trên giảng đường. Ở những đại học lớn như Wollongong, mỗi sinh viên đều được tạo điều kiện tiếp cận với những trang thiết bị, phần mềm mới nhất để có thể nâng cao kỹ năng số của mình sớm nhất. Trong tương lai, sinh viên nếu có sự chuẩn bị về tâm thế lẫn khả năng công nghệ sẽ dễ dàng hơn trong việc đối mặt với các sự kiện tương tự Covid-19.

"Trong kỷ nguyên số, các bạn cần có khả năng phân tích định lượng. Sinh viên Việt Nam có nền tảng tốt về các môn thuộc toán học nên có lợi thế khi sử dụng các công cụ phân tích định lượng như thống kê, kinh tế lượng... Sinh viên cần biết cách chắt lọc thông tin và đưa ra lời khuyên phù hợp với doanh nghiệp", Phó giáo sư Lê Quang Thanh chia sẻ.

Ông Thanh cho biết thêm tư duy phản biện cũng sẽ là một điểm cộng cho lao động thời "bình thường mới". Để nhìn thấy khả năng này của các ứng viên, doanh nghiệp sẽ yêu cầu các bạn đưa ra các phân tích ưu và nhược điểm trong hai dự án khác nhau. Sau đó, các bạn phải đưa ra quyết định lựa chọn hướng đi nào phù hợp hơn với doanh nghiệp. Đây không chỉ là bài kiểm tra về mặt lý thuyết mà còn thể hiện khả năng tiếp nhận và áp dụng kiến thức của sinh viên mới tốt nghiệp.

Sinh viên Wollongong tốt nghiệp với bộ kỹ năng sẵn sàng với yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Đại học Wollongong

Sinh viên Wollongong tốt nghiệp với bộ kỹ năng sẵn sàng với yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Đại học Wollongong

Tại Đại học Wollongong, các bạn trẻ được học tập, trải nghiệm gắn với định hướng việc làm. Chương trình đào tạo tại Đại học Wollongong thường xuyên có sự tham gia tư vấn của các doanh nghiệp tư nhân và chính phủ. Đây là dịp để nhà trường xác định xu hướng lao động, thị trường, từ đó bổ sung các kỹ năng hỗ trợ cho sinh viên, đáp ứng các mong muốn của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, Đại học Wollongong đang đẩy mạnh các chương trình thực tập, lồng ghép các dự án cho sinh viên.

Qua các chương trình thực tập, nhiều sinh viên nhận được sự chú ý và lời mời từ chính doanh nghiệp mà các bạn đang trải nghiệm.

"Các chương trình kết nối với doanh nghiệp đang tạo cơ hội rất lớn cho các du học sinh. Hai người bạn của mình học kì vừa rồi tham gia môn Professional Experience tại Đại học Wollongong và thực tập tại công ty Kế toán và Kiểm toán lớn tại Australia. Sau chương trình, cả hai bạn đã được công ty ấy mời làm việc tại trụ sở ở Sydney", chị Leena chia sẻ.

Ngọc Nguyễn

Global Pathways là mô hình du học xu hướng toàn cầu hiện nay. Trong giai đoạn đầu, Global Pathways hướng tới việc rèn luyện nội lực; khuyến khích sinh viên tự xác định mục tiêu và xây dựng lộ trình nghề nghiệp; tìm kiếm những nguồn lực để hỗ trợ cho quá trình tìm việc khi du học và sau khi tốt nghiệp; trang bị kiến thức và kỹ năng sống cần thiết để hội nhập thuận lợi...

Giai đoạn tiếp theo, sinh viên sẽ chuyển tiếp học tại các đại học top 1% thế giới, nhận bằng do các đại học này cấp, gồm: Đại học Macquarie, Đại học Monash, Đại học Western Sydney, Đại học Wollongong, Đại học Griffith, Đại học South Australia (Australia) và Đại học Massey, Đại học Waikato (New Zealand). Global Pathways cũng dành nhiều suất học bổng cho học sinh có thành tích xuất sắc.

Tìm hiểu thêm về chương trình du học Global Pathways tại đây