Những góc riêng của TP.HCM trong triển lãm tranh Graffiti

Triển lãm Urban Layers thể hiện góc nhìn mới mẻ về thành phố của các nghệ sĩ trẻ, thông qua những tác phẩm tranh tường kết hợp cùng công nghệ thực tế ảo.

Urban Layers (tạm dịch: những lát cắt thành thị) là triển lãm tranh của những nghệ sĩ đường phố, dùng Graffiti để chuyển thể câu chuyện của họ về phố thị. Những bức tranh có chủ đề về TP.HCM, nhưng được thể hiện theo góc nhìn riêng của mỗi nghệ sĩ.

Các tác giả là thành viên nhóm Wallovers, gồm 3 nghệ sĩ chính và một khách mời. Sau 2 năm chuẩn bị, những tác phẩm của nhóm nghệ sĩ trẻ mới được ra mắt công chúng.


Nét lạ của thành thị

Có mặt tại triển lãm, Benoit và Matthieu (người Pháp) cảm thấy những tác phẩm này khác lạ. Trước khi đến đây, hai anh Tây tưởng tượng sẽ thấy những khung cảnh quen thuộc của TP.HCM được cách tân trong Graffiti.

trien lam tranh Graffiti ve TP.HCM anh 1

Hai vị khách Tây chia sẻ với nhau khá nhiều về ý nghĩa của các tác phẩm. Ảnh: Ý Linh.

Giải thích về sự độc đáo của các tác phẩm, nhóm họa sĩ Wallovers cho biết họ muốn thể hiện góc nhìn cá nhân đối với thành phố thay vì những hình ảnh tổng thể hoặc quen thuộc.

Họa sĩ Trang Khoa (26 tuổi, nghệ danh là Zkhoa) đã đưa vào tác phẩm của mình những vấn đề xã hội ở quận 8 nơi anh sinh ra và lớn lên. Khu ổ chuột ngày nào và sự thay đổi hiện nay được tác giả thể hiện bằng gam màu sặc sỡ, tươi sáng.

Họa sĩ Lưu Đoàn Duy Linh (nghệ danh Daes) lại chọn vẽ một phần tuổi thơ của mình là hình tượng Lân, Sư, Rồng. Đó là hình ảnh biết bao đứa trẻ ở thành phố gồm cả anh từng mê mẩn, được thể hiện ở một diện mạo mới theo phong cách Graffiti đương đại.

Còn họa sĩ Nguyễn Tấn Lực (nghệ danh Cresk) chọn hình ảnh người phụ nữ dù sống ở đô thị vẫn luôn vất vả, tần tảo trong cuộc sống, thể hiện qua hình tượng “nghìn tay”, trái tim, giọt nước mắt trong tranh và tượng 3D.

“Những người xem 'tay ngang' như chúng tôi thì nhìn mãi mà chưa hiểu nội dung hình vẽ ở đây liên quan gì đến TP.HCM. Nếu như có thêm thông tin diễn giải tác phẩm bằng tiếng Anh thì tốt. Tuy nhiên, các bức tranh rất ấn tượng”, Benoit và Matthieu chia sẻ.


Đổi mới Graffiti để được đón nhận

Graffiti đã có mặt nhiều năm ở TP.HCM. Tuy nhiên, môn nghệ thuật đường phố này chưa được đón nhận rộng rãi và đúng cách, nhất là đối với những người không thuộc giới hip hop.

“Nhiều người nghe đến Graffiti là nghĩ đến vẽ linh tinh lên tường, làm mất mỹ quan đô thị. Tôi mong có thêm những buổi triển lãm, cuộc thi, không gian vẽ được cấp phép và truyền thông bài bản, để mọi người có thể nhìn nhận nghiêm túc hơn về môn nghệ thuật này”, họa sĩ Daes bày tỏ.

Chị Bùi Bảo Trâm (đồng sáng lập Wabi-sabi Creative - ban tổ chức) mong muốn thông qua những không gian triển lãm như Urban Layers mang đến cho nhiều người có cơ hội trải nghiệm Graffiti.

“Chúng tôi cùng các nhà tài trợ muốn hỗ trợ nghệ thuật cộng đồng và muốn đưa nghệ thuật đô thị (urban art) có những điểm nhấn hơn ở TP.HCM”, chị Trâm nói.

Nói về Graffiti, chị Trâm coi đây là hình thức nghệ thuật tốn kém. Họa sĩ phải bỏ ra nhiều chi phí để mua sơn vẽ trên diện tích tường lớn, thậm chí phải thuê địa điểm. Nhưng những tác phẩm thường bị phai mất theo thời gian hoặc phải xóa đi để có chỗ vẽ tranh mới.

Do đó, để Graffiti không còn bị giới hạn trên bề mặt truyền thống, ban tổ chức còn kết hợp với công nghệ để lưu trữ tác phẩm, sau đó tổ chức triển lãm trực tuyến. Tại phòng trưng bày, mọi người cũng có thể trải nghiệm thực tế ảo (AR) trên mỗi bức tranh. Đây được coi là sự chuyển đổi mới trong nghệ thuật Graffiti.

Không gian triển lãm tại chỗ của Urban Layers diễn ra trong thời gian 2-12/11, vào khung giờ 11-20h, tại số 62 Trần Hưng Đạo (quận 1). Vé tham quan có giá 40.000 đồng/khách. Ban tổ chức chỉ nhận khách có thẻ xanh hoặc chứng nhận F0 khỏi bệnh. Mỗi khung giờ đón tối đa 10 khách và mỗi người có 1 giờ để tham quan triển lãm.

Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail [email protected].

Trải nghiệm sống ở TP.HCM của một người nước ngoài

Mike Williams (người Canada) không có ý định rời khỏi TP.HCM vì cuộc sống ở đây tuyệt vời. Với anh, mọi thứ đều có thể tìm thấy ở thành phố này.

Thăm chợ đồ cổ ở TP.HCM sau giãn cách

Sau 4 tháng đóng cửa phòng dịch, phiên chợ đồ cổ đã mở cửa đón khách trở lại. Không gian xưa cũ với tiếng nhạc du dương gợi nhớ ký ức thời thơ ấu của nhiều người.

Saigon Talk: 'Thấy bác còn khỏe, con mừng quá'

Người chủ trọ đáng yêu, bác giữ xe chu đáo ở tiệm cà phê, ông Tây phụ bán hủ tiếu là những chuyện được kể trong Saigon Talk tuần này.