Những chuyện kỳ quặc ở các trận chung kết World Cup

Kể từ kỳ đầu năm 1930, trận chung kết World Cup từng chứng kiến nhiều chuyện dị như đòi đá bóng riêng, tè lên bìa báo nước chủ nhà, khóc cả 20 phút cuối.

Năm 1930, World Cup lần đầu diễn ra, tại Uruguay. Hồi ấy, Argentina và đội chủ nhà được đá bóng riêng theo thoả thuận từ đầu giải. Vì thế, khi hai đội vào chung kết, việc chọn bóng của bên nào trở thành vấn đề nan giải. "Lúc đó mới lộ thêm căng thẳng", trọng tài người Bỉ John Langenus về sau kể lại với bộ phận tiếp nhận thông tin thuộc thư viện số FIFA.

Chủ tịch FIFA lúc đó Jules Rimet phải can thiệp bằng giải pháp mỗi đội được dùng bóng riêng một hiệp. Argentina xài hàng nhập khẩu từ Scotland và dẫn 2-1 khi hết hiệp đầu. Phần sau, Uruguay sử dụng bóng từ Anh rồi hạ đối thủ, trong đó Hector Castro ấn định tỷ số chung cuộc 4-2. Castro khi ấy mang biệt danh "Độc thủ đại hiệp" vì cụt cẳng tay trong một tai nạn cưa máy lúc 13 tuổi.

Đội trưởng Argentina  Manuel Ferreira (phải) bắt tay đội trưởng Uruguay José Nasazzi trước khi vào thi đấu trận chung kết với mỗi đội dùng một quả bóng riêng trong một hiệp. Ảnh: FIFA

Đội trưởng Argentina Manuel Ferreira (phải) bắt tay đội trưởng Uruguay José Nasazzi trước khi vào thi đấu trận chung kết với mỗi đội dùng một quả bóng riêng trong một hiệp. Ảnh: FIFA

Đến 1950, Brazil đăng cai World Cup. Uruguay lại vào chung kết, lần này gặp chủ nhà. Ngay ngày diễn ra chung kết, báo bản xứ O Mundo đăng ảnh bìa toàn đội nhà kèm tiêu đề "đây là những nhà vô địch thế giới". Đội trưởng phe khách Obdulio Varela, vốn nóng tính, nổi giận phừng phừng. Ông đi mua 20 tờ O Mundo rồi mang về rải khắp sàn nhà vệ sinh trong khách sạn Uruguay đóng quân, sau đó dùng phấn viết lên các tấm gương dòng chữ "Hãy giẫm và tè lên mấy tờ báo này". Không những thế, Varela còn kéo cả đội vào nhà vệ sinh rồi bắt họ làm theo yêu cầu của mình.

Lúc đó, chặng cuối World Cup có bốn đội đấu vòng tròn tính điểm để xác định ngôi vô địch.

Lượt chót, Brazil gặp Uruguay trong trận đấu như chung kết, và chủ nhà chỉ cần hoà là nâng cup. Họ dẫn đối phương 1-0 ở phút thứ 47 nhưng đội khách ngược dòng thắng 2-1 để đăng quang lần thứ hai.

Sau trận chung kết, Varela vào quán bar ở Rio de Janeiro, bất chấp cảnh báo nguy hiểm. "Tôi gọi thức uống và hy vọng không ai nhận ra mình. Nếu phát hiện, có lẽ họ giết tôi mất. Nhưng sự thật là họ chúc mừng và cùng tôi nâng cốc", ông kể lại.

Năm 1970, World Cup đến Mexico với ngôi vô địch về tay "các vũ công Samba sân cỏ", khi thắng Italy 4-1 ở chung kết. Riêng tiền vệ kiến tạo Tostao của Brazil vừa đá vừa khóc suốt 20 phút cuối trận do quá hạnh phúc.

Tostao (áo vàng) trong trận chung kết cùng Brazil thắng Italy tại World Cup 1970. Ảnh: PA

Tostao (áo vàng) trong trận chung kết cùng Brazil thắng Italy tại World Cup 1970. Ảnh: PA

"Sau bàn thắng thứ ba của đội nhà, tôi biết Italy đã hết cửa nên không nén nổi xúc động. Tôi bắt đầu khóc và không dừng được. Cứ nghĩ đến sự cố khiến tôi suýt lỡ hẹn World Cup là nước mắt lại trào", Tostao hồi tưởng.

Trước giải, Tostao bị bong giác mạc trong một trận cấp CLB và có thể phải giải nghệ. Sau ca phẫu thuật khẩn cấp ở Houston, Texas, Tostao được vào đội tuyển nhờ Pele thuyết phục được huấn luyện viên Mario Zagallo.

Trong trận chung kết World Cup 1970 đó, Pele mở tỷ số phút thứ 18, Jairzinho nâng lên 3-1 phút thứ 71, còn Carlos Alberto chốt 4-1 phút thứ 86.

Sau khi nhận huy chương vàng, Tostao đã tặng nó cho bác sĩ nhãn khoa trực tiếp cứu mắt cũng như sự nghiệp của ông.

Năm 1990, World Cup sang Italy. Tây Đức thắng Argentina 1-0 ở chung kết, nhờ quả phạt đền phút thứ 85. Trong pha ghi bàn này, lẽ ra Lothar Matthaus là người dứt điểm. Tuy nhiên, ông không yên tâm với đôi giày mượn không vừa chân.

"Đế giày của tôi vỡ trong hiệp một. Không có đồ dự phòng riêng, nên tôi phải mượn từ người phụ trách dụng cụ cho đội. Nó cũng chả khít", Matthaus về sau kể.

Brehme (áo trắng giữa) phấn khích sau khi đá vào quả 11m giúp Đức thắng Argentina 1-0 ở chung kết World Cup 1970. Ảnh: FIFA

Brehme (áo trắng giữa) phấn khích sau khi đá vào quả 11m giúp Đức thắng Argentina 1-0 ở chung kết World Cup 1970. Ảnh: FIFA

Và vì sự cố đó, Matthaus nhường cơ hội lập công cho đồng đội Andreas Brehme. "Chúng tôi có nhiều chuyên gia đá 11m, nhưng Andreas là bạn cùng phòng nên tôi tin tưởng cậu ấy". Brehme đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng chân phải. Gộp quả vào bằng chân trái trong loạt luân lưu với Mexico ở tứ kết World Cup 1986, Brehme trở thành cầu thủ duy nhất sút 11m thành công ở cả hai chân tại World Cup. Chiến tích này đến giờ chưa có người sở hữu mới.

Năm 1994, khi World Cup diễn ra tại Mỹ, Brazil đã 24 năm khát cup. Trước chung kết, nhiều cầu thủ tỏ vẻ lo lắng bồn chồn. Nhìn cảnh đó, hậu vệ Ricardo Rocha khích lệ tinh thần đồng đội.

"Chúng ta đã vất vả chiến đấu để đến được thời khắc này. Thế nên chúng ta phải làm sao cho giống tinh thần quả cảm của người Nhật, những chiến binh Kawasaki", anh hét thật to. Tuy nhiên, Rocha đã nói nhầm, vì ông muốn đến các phi công cảm tử người Nhật khét tiếng với biệt danh Kamikaze trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

"Ai cũng cười sằng sặc nhưng không khí đội tích cực lên ngay", thủ môn ClaudioTaffarel kể. Cuối cùng, Brazil thắng Italy ở loạt luân lưu (3-2) để lên ngôi vô địch.

Quốc Huy