Nhiều nhà thầu bị cảnh cáo vì chậm tiến độ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả, Trường Sơn, Cienco 4... nằm trong số các nhà thầu bị cảnh cáo liên quan đến tiến độ thi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Giai đoạn giữa tháng 10, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (PMU Mỹ Thuận) ký một loạt quyết định cảnh cáo các doanh nghiệp, nhà thầu với lý do chậm tiến độ thi công dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Cụ thể, PMU Mỹ Thuận cảnh cáo Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả vì liên tiếp chậm tiến độ thi công đắp gia tải tuyến chính và gia tải giai đoạn 1 nút giao ĐT.908 thuộc gói thầu XL-03 dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Ban quản lý dự án cảnh báo nếu nhà thầu tiếp tục chậm tiến độ, ban sẽ căn cứ hợp đồng để xử lý vi phạm tiến độ theo quy định, đồng thời báo cáo Bộ GTVT về năng lực của nhà thầu để xem xét trong quá trình lựa thầu tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

Công ty cổ phần xây dựng Đèo Cả phải lập tiến độ thi công chi tiết phần khối lượng còn lại theo thời gian hợp đồng, kèm văn bản cam kết của nhà thầu gửi PMU Mỹ Thuận; Ban quản lý dự án chỉ xem xét báo cáo Bộ GTVT gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng đối với các khối lượng bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan (vướng giải phóng mặt bằng).

PMU Mỹ Thuận cũng cảnh cáo Tập đoàn Cienco 4 do chưa nghiêm túc thực hiện kế hoạch, chậm mốc tiến độ thi công lao lắp dầm, bê tông bản mặt cầu Ba Càng do chính đơn vị đề ra. Ban quản lý dự án yêu cầu Cienco 4 tập trung nguồn lực, tổ chức thi công 3 ca, đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Ba Càng, hoàn thành bê tông bản mặt cầu trước ngày 10/11.

Một nhà thầu thuộc Bộ Quốc phòng là Tổng công ty Trường Sơn cũng bị cảnh cáo vì chưa nghiêm túc thực hiện tiến độ, đặc biệt là tiến độ thi công cầu Xẻo Lò rất chậm (trễ 4 tháng so với kế hoạch).

PMU Mỹ Thuận đề nghị tổng công ty Trường sơn đẩy nhanh tiến độ đắp gia tải giai đoạn 2 tuyến chính. Về phần cầu Xẻo Lò, nhà thầu cần tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực, tổ chức thi công 3 ca, đẩy nhanh tiến độ thi hoàn thành lao dầm ngày 28/10 và hoàn thành bản mặt cầu ngày 20/11.

Ngoài 3 doanh nghiệp kể trên, PMU Mỹ Thuận cũng cảnh cáo Công ty ĐMA, Tân Nam, Tập đoàn Thành Huy... vì để chậm tiến độ các gói thầu được giao.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, sản lượng thi công dự án vẫn chậm 1,83% so với kế hoạch, tính đến nay mới đạt 49,8% giá trị hợp đồng.

Bộ GTVT đã yêu cầu PMU Mỹ Thuận cảnh cáo các nhà thầu thi công chậm và yêu cầu bổ sung thêm các mũi thi công bù lại khối lượng các hạng mục chậm. Mục tiêu đặt ra là hoàn thành xử lý nền đất yếu trước ngày 31/12; thi công móng cấp phối đá dăm trước ngày 28/2/2023; thảm bê tông nhựa và thông xe trước ngày 30/4/2023.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23 km, đi qua tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp. Dự án được khởi công năm 2021 với quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 4.826 tỷ đồng.

Dự án nằm trên tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, đồng thời cũng là trục cao tốc Bắc - Nam phía đông. Đến nay, đoạn từ TP.HCM đến Mỹ Thuận đã đưa vào khai thác. Cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công. Đoạn từ Mỹ Thuận đến Cà Mau chuẩn bị khởi công.

Nguyên nhân sập sàn thi công cầu Mỹ Thuận 2 khiến công nhân rơi sông

Khu vực xảy ra sự cố là lối đi an toàn để tham quan, kiểm tra toàn cảnh các chi tiết đà giáo của công trình, nhưng gần đây mực nước dâng cao và mưa bão đã làm rung lắc hệ thống.