Nhiều cửa hàng ở Đà Nẵng đóng cửa, trả mặt bằng

Kinh doanh ế ẩm, nhiều người ở Đà Nẵng đã bán tháo hàng hóa, trả lại mặt bằng để cắt lỗ.

Mấy ngày qua, trung bình mỗi ngày Đà Nẵng ghi nhận hơn 60 ca mắc Covid-19. Trái ngược với mọi năm, cuối năm nay hàng loạt mặt bằng cho thuê ở Đà Nẵng đang trong tình trạng dư thừa, không có người mua dù được rao giảm giá đến 70%.

"Mọi năm, cứ đến dịp cuối năm chúng tôi nhập về hàng nghìn lô quần áo, giày dép để bán Tết. Năm nay dịch liên tục bùng phát nên việc kinh doanh ế ẩm, chúng tôi trả lại mặt bằng, chờ qua năm tính tiếp", chị Lệ, chủ shop quần áo trên đường Lê Duẩn (quận Hải Châu, Đà Nẵng) than thở.

Hàng hóa giảm giá đến 70% nhưng vẫn ế

Sau khi chính quyền Đà Nẵng chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, hàng loạt chủ cửa hàng, shop kinh doanh quần áo, giày dép ở các tuyến đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Trưng Nữ Vương... mở bán trở lại.

Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng, sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, nguồn tiền trong dân không còn dồi dào nên họ ít mạnh tay mua sắm như trước.

Để kích cầu khách hàng, nhiều cửa hàng trang hoàng lộng lẫy, treo băng rôn giảm giá hàng loạt mặt hàng. Thậm chí có những loại hàng hóa thời trang như quần áo, giày dép... giảm giá đến 70%.

Kinh doanh o Da Nang e am vi dich Covid-19 anh 1

Ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc kinh doanh ế ẩm. Ảnh: Nguyên Vũ.

"Những mặt hàng này luôn chạy theo mốt, nhất là dịp cuối năm, nhiều mẫu mới rất đẹp. Hai năm qua do ảnh hưởng của dịch bệnh nên hàng không bán được, tồn kho nên phải giảm giá để thu hồi phần nào vốn", chị Lệ nói.

Cùng trên đường Lê Duẩn, cửa hàng giày dép của chị Nguyễn Thanh Thùy nằm ở phía đối diện. Người phụ nữ này cũng mở cửa hàng bán trở lại hơn tháng nay. Theo lời chị thì so với mọi năm, hiện lượng khách đến cửa hàng giảm 90%.

Cũng như nhiều người kinh doanh khác, chị treo 2 tấm băng rôn cỡ lớn ngay trước cửa hàng để gây chú ý với người đi đường. Mỗi ngày có 5-7 người vào xem hàng nhưng chỉ được vài khách mua.

"Có những bộ giày giá 2,8 triệu, giảm còn 1,3 triệu nhưng vẫn không bán được", chị Thùy nói và giải thích việc giảm giá sâu để mong bán hết hàng, thu hồi một phần vốn cho bớt lỗ.

"Thường thì cuối năm các nhà sản xuất tung ra mẫu mới với giá cạnh tranh hơn. Nếu mình không bán hết hàng tồn thì sẽ khó cạnh tranh với mẫu mới. Bán với giá giảm sâu như thế này là lỗ nhưng vẫn còn hơn là để mãi trong kho", chủ cửa hàng này nói thêm.

Tạm dừng kinh doanh, trả mặt bằng để cắt lỗ

Cuối tuần qua, chị Châu (ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) hoàn tất thủ tục trả lại mặt bằng rộng hơn 70 m2 ở đường Phan Châu Trinh cho chủ sở hữu.

Chị kể đã thuê mặt này gần 3 năm để kinh doanh, cho thuê váy, áo và đồ trang sức cho những cặp đôi tổ chức đám cưới. Khi chưa có dịch, chị thu nhập được hơn 100 triệu đồng, trừ tiền thuê mặt bằng và lương cho nhân viên hết khoảng 75 triệu đồng.

"Mỗi tháng, tôi vẫn có lời hơn 20 triệu đồng", chị Châu kể về việc kinh doanh của mình trong những tháng ngày chưa có dịch. Tuy nhiên, theo lời nữ chủ tiệm kinh doanh đồ cưới này thì từ tháng 5 năm ngoái, khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Đà Nẵng đến nay, chị phải 5 năm lần đóng cửa tiệm để phòng dịch theo yêu cầu của nhà chức trách.

Kinh doanh o Da Nang e am vi dich Covid-19 anh 2

Nhiều người dán thông báo cho thuê mặt bằng. Ảnh: Nguyên Vũ.

"Đợt dịch vừa rồi đóng cửa gần 2 tháng nên hoạt động cưới hỏi đều phải dừng. Do đó, việc kinh doanh đồ cưới bị đóng băng hoàn toàn. Với tình hình này thì dịch vẫn còn diễn biến phức tạp nên tôi trả lại mặt bằng. Số váy, áo, trang sức còn lại mang về nhà cất, nếu có khách hỏi thì bán lại", chị Châu giải thích về quyết định tạm dừng kinh doanh của mình.

Theo ghi nhận của Zing, tại các tuyến đường trung tâm Đà Nẵng có rất nhiều chỗ treo biển thông báo tìm người thuê mặt bằng. Các chủ sở hữu cho biết nhiều tháng qua, dịch Covid-19 bùng phát nên người thuê mặt bằng để kinh doanh bị thua lỗ, thu không đủ chi phí nên trả lại mặt bằng.

"Ngôi nhà 3 tầng này tôi cho thuê với giá 70 triệu đồng. Thấy người ta kinh doanh ế ẩm nên tôi giảm giá đến 65-70% nhưng họ vẫn trả lại mặt bằng. Bây giờ tôi treo biển tìm người mới để cho thuê với hy vọng kiếm ít tiền tiêu Tết", ông Trần Đại, chủ ngôi nhà 3 tầng ở đường Trưng Nữ Vương nói với Zing.

Khu du lịch ở Đà Nẵng vẫn vắng khách sau một tháng mở cửa

Dịch Covid-19 đang bùng phát và khí hậu bất lợi nên du khách vẫn chưa có kế hoạch đi tham quan, nghỉ dưỡng. Các khu du lịch ở Đà Nẵng đã hoạt động trở lại nhưng rất ít khách.

Dịch Covid-19

Cập nhật tình hình Covid-19 (từ 29/4/2021)

Xem chi tiết
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh Hôm nay Tổng số ca