Nhân viên Credit Suisse sốt sắng tìm việc mới sau cuộc giải cứu

Nhiều nhà tuyển dụng đang nhận được hàng loạt cuộc gọi từ nhân viên Credit Suisse sau khi ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ gặp khó khăn và bị đối thủ UBS thâu tóm.

Theo Bloomberg, trong vài ngày qua, các công ty tuyển dụng trên khắp thế giới đã nhận được rất nhiều cuộc gọi từ những nhân viên đang lo lắng của Credit Suisse.

Một công ty ở Singapore đã nhận được liên tiếp 30 cuộc gọi để hỏi về các công việc có sẵn, trong khi một nhà tuyển dụng Hong Kong đã nhận được gần 20 email. Ngoài ra, một công ty chuyên về nhân sự ở London - nơi Credit Suisse đang có khoảng 5.500 lao động - cũng cho biết đã nhận được rất nhiều yêu cầu liên lạc từ các nhà môi giới chứng khoán - bộ phận kinh doanh trùng lặp nhiều nhất giữa Credit Suisse với UBS.

Credit Suisse nhan su anh 1

Các nhân viên Credit Suisse đang ngồi trên đống lửa khi công ty bị thâu tóm. Ảnh: Bloomberg.

Dù các nhân viên của Credit Suisse đang rất nỗ lực để tìm kiếm công việc mới, nhiều chuyên gia cho rằng triển vọng về việc công ty khác sẽ tuyển dụng thêm thay cho ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ khó xảy ra. Nguyên nhân là chính các công ty trong ngành cũng phải hạn chế tuyển dụng để cắt giảm chi phí trong tình hình kinh tế bất ổn.

Các nhân viên lo lắng

Tại chi nhánh New York, hàng nghìn lao động của Credit Suisse đang hy vọng được gia nhập ngân hàng đầu tư Credit Suisse First Boston thay vì phải về với UBS.

Tuy nhiên, theo ông Michael Nelson, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Quest Group, mong ước này rất khó thành hiện thực. "Nếu không đến First Boston, họ sẽ phải chuyển sang công ty chuyên về tài sản thu nhập cố định của UBS - một doanh nghiệp nhỏ hơn nhiều so với Credit Suisse - và rất dễ phải rời đi", ông cho hay.

Hiện tại, một loạt lo lắng từ nhân viên Credit Suisse trong bối cảnh công ty bị thu mua đã khiến Chủ tịch UBS Colm Kelleher phải lên tiếng trấn an. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nếu họ rời đi thì khả năng tìm kiếm cơ hội mới là rất khó khi thị trường việc làm đang ngày càng khó khăn, và các ngân hàng lớn như Goldman Sachs hay Nomura Holdings đều phải cắt giảm nhân sự.

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Credit Suisse trụ sở Singapore cho biết: "Chúng tôi đang khuyến khích các đồng nghiệp tiếp tục kiên trì và phát huy hết khả năng của mình trong bối cảnh khó khăn. Credit Suisse chắc chắn sẽ làm những gì có thể để đảm bảo quá trình chuyển đổi có trật tự và phục vụ khách hàng tốt nhất".

Tuy nhiên, ông Will Tan, Giám đốc điều hành công ty tuyển dụng Principal Partners Pte (Singapore), cho rằng: "Những người giỏi nhất tại Credit Suisse thực sự đã rời đi".

Theo ông, một môi trường đầy thách thức như Credit Suisse hay UBS chắn chắn sẽ không đủ chỗ cho tất cả.

UBS chào mừng đồng nghiệp mới

Kể từ khi công bố thỏa thuận mua lại, ông Ralph Hamers, Giám đốc điều hành tại UBS, luôn khẳng định sự kết hợp này sẽ hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng trong mảng quản lý tài sản của ngân hàng này ở châu Mỹ và châu Á.

Trong bài phát biểu mới đây, ông thậm chí còn khẳng định UBS rất mong được chào đón các khách hàng và đồng nghiệp mới trên khắp thế giới.

Credit Suisse nhan su anh 2

Giám đốc điều hành UBS Ralph Hamers. Ảnh: Bloomberg.

Tuy nhiên, UBS rõ ràng là sẽ phải cắt giảm việc làm, và Credit Suisse - ngân hàng đầu tư mà nó được thừa hưởng - có khả năng bị ảnh hưởng đặc biệt. Mặc dù không có con số cụ thể nào về số lượng việc làm đã bị cắt giảm, một chuyên gia trong ngành cho biết mức ước tính cho riêng Credit Suisse đã là 9.000 vị trí.

Hiện tại, một số cựu nhân viên của Credit Suisse đã đưa ra lời khuyên và lời mời hỗ trợ trên mạng xã hội. Bà Hanadi Al Hamoui (London), người từng làm việc tại Credit Suisse trong hơn một thập kỷ, đã đăng bài bày tỏ cảm thông và cho biết các đồng nghiệp cũ có thể liên hệ nếu cần giúp đỡ tìm việc làm.

Một số công ty quản lý gia sản tư nhân khác như Spartan Advisors cũng đang nhìn thấy cơ hội để thu hút nhân tài và nhắn nhủ các nhân viên bị ảnh hưởng liên hệ.

Cuộc khủng hoảng chấm dứt 167 năm tồn tại của Credit Suisse

Hành trình gần 2 thế kỷ của Credit Suisse - gã khổng lồ ngân hàng Thụy Sĩ - đã chính thức khép lại vì không kiểm soát được rủi ro và chậm thay đổi sau khủng hoảng tài chính 2008.

Thị trường châu Á vẫn ổn định sau thương vụ giữa UBS - Credit Suisse

Hệ thống ngân hàng tại các nước châu Á - Thái Bình Dương vẫn ổn định sau thông tin UBS mua lại Credit Suisse với giá 3,2 tỷ USD, tuy nhiên triển vọng tăng trưởng đã giảm mạnh.

Credit Suisse vẫn còn cả trận chiến phía trước dù đã nhận 54 tỷ USD

Thông báo vay 54 tỷ USD từ SNB của Credit Suisse đã phần nào xoa dịu các nhà đầu tư đang hoảng loạn. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn cần nhiều sự trợ giúp hơn nữa nếu muốn tồn tại.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.