Mua hàng bằng giấy ở quốc gia phát hành đồng 100.000 tỷ đôla

Do người dân Zimbabwe không tin tưởng vào đồng nội tệ và không có đủ USD để giao dịch, nhiều doanh nghiệp ở nước này đang phát hành "tiền" với giá trị thanh toán của riêng họ.
sieu lam phat anh 1

Vào một buổi chiều gần đây, Rutendo Manyowa đã đưa 5 USD để thanh toán hóa đơn gà rán, khoai tây chiên và nước ngọt trị giá 3,5 USD tại một cửa hàng ở thủ đô của Zimbabwe.

Tuy nhiên, thay vì được trả lại 1 USD0,25 USD, nhân viên thu ngân đưa cho bà Manyowa ba tờ giấy, với tên nhà hàng và số tiền bà có thể dùng để mua bữa ăn tiếp theo.

Zimbabwe đã tiến đến giai đoạn rối loạn chức năng tiền tệ mới. Đây cũng là quốc gia từng ra mắt với thế giới tờ tiền 100.000 tỷ đôla.

Vì thiếu tiền lẻ, các doanh nghiệp đã bắt đầu in “tiền” của riêng họ. Đó có thể là những mẩu giấy, đôi khi được viết tay, mà khách hàng có thể sử dụng để thanh toán cho những lần mua hàng trong tương lai.

Siêu lạm phát

Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác lại đang dùng hiện vật để trả tiền thừa, như nước trái cây, bút hoặc những lát pho mát. Wall Street Journal nhận định những cách đối phó đó là kết quả của biện pháp quản lý tiền tệ yếu kém của Zimbabwe trong hai thập kỷ.

Điều đó bắt đầu vào đầu những năm 2000, khi chính phủ của Tổng thống khi đó là Robert Mugabe in thêm tiền để cố gắng bù đắp sự sụt giảm trong sản xuất nông nghiệp, sau nỗ lực phân chia lại đất đai gây tranh cãi.

Sau khi lạm phát hàng tháng lên đến đỉnh điểm, ở mức 79,6 tỷ phần trăm, chính phủ đã bãi bỏ đồng đôla Zimbabwe và bắt đầu sử dụng USD thay thế vào năm 2009.

Sự chuyển đổi đó giúp ổn định tiền tệ trong vài năm, cho đến khi Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe không còn có thể đáp ứng nhu cầu về USD.

sieu lam phat anh 2

Mọi người đi ngang qua tòa nhà Ngân hàng Dự trữ Zimbabwe ở Harare. Ảnh: Reuters.

Sau một thập kỷ đôla hóa, vào đầu năm 2019, ngân hàng trung ương đã tái ra mắt đồng đôla Zimbabwe.

Tuy nhiên, vào năm 2020, chính phủ đã cho phép sử dụng ngoại tệ như một phần của các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19, theo Reuters. Năm ngoái, nước này cho biết hệ thống đa tiền tệ sẽ được duy trì trong 5 năm nữa.

Ngày nay, 1 USD tương đương hơn 900 đôla Zimbabwe và lạm phát lên tới 230% trong tháng 1. Hầu hết doanh nghiệp một lần nữa yêu cầu thanh toán bằng USD, mặc dù đồng đôla Zimbabwe vẫn là tiền tệ chính thức.

Đó là lúc vấn đề về tiền lẻ xuất hiện. Các ngân hàng thương mại và ngân hàng trung ương Zimbabwe mua USD để sử dụng trong nước. Tuy nhiên, việc vận chuyển những đồng xu có trọng lượng nặng và giá trị thấp bằng máy bay từ nước ngoài đã khiến đây không phải là giải pháp khả thi về mặt kinh tế.

Tờ một USD - tờ tiền được sử dụng rộng rãi nhất ở một quốc gia - cũng thường xuyên khan hiếm.

Giấy ghi nợ cũng không phải là một giải pháp được lòng dân. Cô Manyowa, một sinh viên đại học 23 tuổi, đã dành 15 phút chờ đợi trước Harare Chicken Inn cho đến khi một khách hàng khác thanh toán bằng tờ 1 USD mà cô có thể sử dụng để mua vé xe buýt về nhà. “Thật bực bội”, cô Manyowa nói khi chờ đợi.

Trái ngược với tiền giấy, thường được làm từ bông hoặc nhựa, giấy ghi nợ cũng không thể chịu được vòng quay kéo dài trong máy giặt.

Adelaide Moyo, một nhà báo ở Zimbabwe, cho biết cô đã hơn một lần tìm thấy những tờ giấy ghi nợ đã phai màu của Chicken Inn hoặc của cửa hàng nhượng quyền thuộc chuỗi siêu thị Spar dính vào quần áo, khi lấy chúng ra khỏi máy giặt.

Để tránh điều đó, Moyo cho biết cô đã chấp nhận những lát pho mát, thêm nước sốt hay một quả trứng luộc thay vì nhiều giấy ghi nợ hơn. Cô cho biết một lát pho mát có giá 0,5 USD vẫn tốt hơn là mang theo hoặc làm mất các phiếu mua hàng từ nhiều nơi.

Liên minh tiền tệ riêng

Warren Meares, Giám đốc điều hành của Simbisa Brands, công ty sở hữu Chicken Inn và một số chuỗi thức ăn nhanh khác, cho biết vấn đề về tiền tệ của Zimbabwe đã buộc các doanh nghiệp phải trở nên sáng tạo.

Sự mất giá nhanh chóng của đồng đôla Zimbabwe đã dẫn đến việc in lại menu liên tục do thay đổi giá, và điều đó trở nên quá tốn kém. Vì vậy, công ty của ông đã lắp đặt màn hình để hiển thị các món ăn và giá của chúng bằng đồng USD và nội tệ.

Giấy ghi nợ của Simbisa có số sê-ri và được thay thế sáu tháng một lần để tránh bị quá cũ. Mặc dù chúng thiếu các tính năng an toàn của tiền giấy, ông Meares không phát hiện những nỗ lực làm giả các tờ tiền chỉ tương đương 0,25 USD0,5 USD.

“Chúng tôi sẽ không chấp nhận phiếu mua hàng trị giá hơn 3 USD hoặc 4 USD. Vì vậy, điều đó không đáng”, ông cho biết.

sieu lam phat anh 3

Một người đổi tiền trên đường phố ở Harare. Ảnh: Reuters.

Công ty này cũng đã ra mắt một ứng dụng cho phép khách hàng nhận tiền thừa qua điện thoại thông minh.

Các giấy ghi nợ do Spar phát hành có hoa văn và hình ba chiều phức tạp. Chuỗi siêu thị này thậm chí đã phải thay thế các bảng giá điện tử trên kệ của mình vì những bảng giá cũ không còn đủ chỗ để hiển thị giá bằng đôla Zimbabwe.

Trong khi đó, các cửa hàng nhỏ hơn giữ một cuốn sổ có tên của những khách hàng họ vẫn còn nợ tiền sau quầy hoặc số tiền chưa được hoàn trả trên biên lai. Một số khách hàng, sợ rằng chủ cửa hàng sẽ không nhớ, đã ghi lại cuộc trao đổi đó bằng điện thoại.

Nhà kinh tế Gift Mugano, tại Harare, cho biết bất chấp những hạn chế của tiền lẻ, hầu hết người dân Zimbabwe vẫn thích nhận tiền lẻ bằng nội tệ.

“Người dân không tin tưởng chính phủ. Nhưng chính những người đó lại tin tưởng vào khu vực tư nhân”, ông nói.

Thẻ ngân hàng cũng không được sử dụng rộng rãi, vì nhiều người dân Zimbabwe giờ đây rút tiền lương bằng đồng USD ngay khi nó đến tài khoản của họ.

Ở một góc của Harare, Allen Mutonga và cửa hàng tạp hóa nhỏ bên cạnh tiệm hớt tóc của ông đã tạo ra liên minh tiền tệ của riêng họ.

Khi khách hàng của ông Mutonga không có đồng tiền phù hợp để thanh toán cho dịch vụ cắt tóc trị giá 5 USD, ông sẽ dẫn họ qua hàng xóm mua hàng và nhận tiền thừa thông qua một tờ giấy viết tay trên hóa đơn.

“Tôi sẽ mang hóa đơn đó về nhà và hy vọng rằng họ sẽ có tiền thừa vào ngày hôm sau. Nếu không, tôi sẽ mua thứ gì đó”, ông nói.

Những cuốn sách để hiểu thêm về châu Phi

Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Phi, một châu lục có nền văn hóa đa dạng và lịch sử lâu đời, có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Zimbabwe phát hành đồng tiền vàng

Ngân hàng trung ương Zimbabwe cho biết sẽ bắt đầu bán đồng vàng trong tháng này như một biện pháp lưu trữ giá trị, nhằm kìm chế lạm phát vốn đã làm suy yếu đồng nội tệ.

Trung Quốc ráo riết săn lùng mỏ 'vàng trắng' lớn nhất thế giới

Khi nhu cầu sử dụng xe điện gia tăng trên toàn cầu, các mỏ lithium tại Zimbabwe được coi là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Trung Quốc.