Mở rộng các chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng kiều bào

(PLO)- Kiều bào là nguồn lực quan trọng đóng góp vào sự phát triển chung của TP.HCM, là “điểm tựa” kết nối các quốc gia.

Sáng 7-9, Ủy ban Về người Việt Nam (VN) ở nước ngoài TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ kiều bào hồi hương, thân nhân kiều bào với chủ đề “Trở về quê hương, đóng góp xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Tại hội nghị, nhiều kiều bào bày tỏ mong muốn được hồi hương, trở về đóng góp xây dựng, phát triển cho TP.HCM và đất nước.

Kiều bào luôn hướng về cội nguồn

Rời quê hương từ những năm 1990, sau 16 năm sống nơi đất khách quê người, ông Lê Ngọc Lâm, 66 tuổi, kiều bào Nhật Bản, luôn đau đáu hướng về nguồn cội. Năm 2006, ông quyết định trở về VN và bắt đầu lại từ đầu.

“Điều kiện sống ở Nhật Bản rất tốt nhưng tôi luôn thấy nhớ quê hương, mong ước của tôi là quay về cống hiến cho đất nước. Tôi muốn trở về để kết nối VN với Nhật Bản, đưa tinh hoa Nhật Bản về VN” - ông Lâm bộc bạch.

Mở rộng các chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng kiều bào  ảnh 1

Ông Lê Ngọc Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Theo ông Lâm, kiều bào là một trong những nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước. Nền kinh tế hiện nay đang đi theo hướng đa phương và hội nhập, hướng đến việc xuất khẩu hàng hóa ra thế giới, do đó cần kết nối với những kiều bào đang ở nước ngoài. Tuy nhiên để làm được điều đó, TP cần quan tâm đến vai trò của những kiều bào hồi hương và thân nhân kiều bào tại VN.

Sau 30 năm sinh sống và làm việc tại Canada, bà Đinh Kim Nguyệt, 69 tuổi, nhận thấy người VN định cư tại nước ngoài có vai trò rất lớn trong kết nối quan hệ hai nước VN - Canada. Tuy nhiên, một trong những lý do khiến nhiều kiều bào e ngại khi trở về quê hương sinh sống, làm việc là vấn đề đăng ký thường trú.

Theo bà Nguyệt, nhiều người VN định cư tại nước ngoài đã lâu nên không còn hiểu rõ luật pháp VN. Hiện bà đang làm công việc hỗ trợ, giúp đỡ kiều bào tại Canada hiểu về luật pháp, thuế. Ngoài ra, bà còn giúp kiều bào liên lạc với Ủy ban Về người VN ở nước ngoài để họ tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Mở rộng các chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng kiều bào  ảnh 2

Vợ chồng bà Đinh Kim Nguyệt tại hội nghị gặp gỡ kiều bào hồi hương vào sáng 7-9.
Ảnh: BẢO PHƯƠNG

“Tôi cũng như nhiều kiều bào khác chưa bao giờ có ý định từ bỏ quê hương. Tôi cũng khuyến khích con cháu mình quay trở về để làm việc, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Qua tìm hiểu, tôi thấy rằng nhiều kiều bào còn e dè, phân vân vấn đề đăng ký thường trú, từ bỏ quốc tịch. Tôi mong các cơ quan hướng dẫn kỹ hơn về các quy định để kiều bào được nắm rõ” - bà Nguyệt nói.

Rà soát các chính sách ưu đãi để thu hút kiều bào

Ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM, đánh giá kiều bào hồi hương là nguồn lực quan trọng đóng góp nhiều vào sự phát triển chung của TP.

Theo ông Chất, thông qua công cuộc đổi mới đất nước, phát triển kinh tế, vị thế VN trên trường quốc tế đang ngày càng nâng cao. Điều này đã thu hút đông đảo kiều bào hướng về quê hương, cội nguồn. Nhiều doanh nhân kiều bào, giới trí thức đã về nước, trực tiếp tham gia các đề án, chương trình hợp tác, đầu tư hoặc vận động cộng đồng, làm cầu nối hợp tác quốc tế.

Qua thống kê hiện có hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45.000 tỉ đồng, hơn 400 trí thức kiều bào đã trở về làm việc dài hạn, gần 200 trí thức tham gia hợp tác làm nghiên cứu.

“UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ. TP cũng có chính sách tiền lương, phụ cấp tương xứng dành cho kiều bào khi ký kết hợp đồng lao động với các cơ quan nghiên cứu khoa học… Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc” - ông Chất thông tin.

Ông Chất nhìn nhận mong muốn kiều bào trở về đóng góp xây dựng quê hương không chỉ là của TP mà đó còn là mong muốn chung của cộng đồng những người VN ở nước ngoài.

“Qua công tác tiếp đón và giải quyết thắc mắc của kiều bào, thân nhân kiều bào, chúng tôi nhận thấy phần đông kiều bào quan tâm thủ tục hồi hương, thủ tục đăng ký thường trú tại VN cho người VN ở nước ngoài” - ông Chất nói và cho hay một số kiều bào rời quê hương từ rất lâu, những năm 1950, 1960 nên hồ sơ, giấy tờ liên quan để chứng minh là người Việt đều thất lạc, giờ muốn xin thường trú tại VN nhưng không biết làm cách nào.

Ông Võ Thành Chất thông tin từ năm 2018 đến cuối tháng 8-2022, số người xin đăng ký thường trú (tức xin được hồi hương) là hơn 400 trường hợp. Cơ quan chức năng đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho hơn 350 trường hợp.

Mỗi công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch

Quy định của pháp luật VN về quốc tịch là mỗi công dân VN chỉ có một quốc tịch. Pháp luật VN không khuyến khích giữ lại quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch VN.

Công dân VN đã từ bỏ quốc tịch VN và muốn trở lại quê hương thì thủ tục, điều kiện gần giống như người nước ngoài xin nhập quốc tịch VN nhưng dễ thực hiện hơn. Điều kiện thường trú không bắt buộc nhưng phải có thẻ tạm trú ba năm và có người thân còn sống tại VN.

Ông NGUYỄN TRIỀU LƯU, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch
Sở Tư pháp TP.HCM