Không bắn thuốc mê 7 con hổ được đưa vào Quảng Bình

Để đưa hổ từ Nghệ An vào khu chăm sóc mới tại tỉnh Quảng Bình, cơ quan chức năng đã cho 7 con hổ vào các lồng sắt mà không bắn thuốc mê, hạn chế cho hổ ăn no trước khi di chuyển.

Sáng 22/3, đại diện Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình) tiếp nhận và di chuyển 7 cá thể hổ Đông Dương từ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, Vườn Quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An).

Số hổ này đã được gửi nuôi kể từ khi Công an tỉnh Nghệ An phát hiện chúng bị buôn bán trái phép hồi tháng 8/2021.

di chuyen ho vao Quang Binh anh 1

Hổ được cho vào chuồng để di chuyển vào tỉnh Quảng Bình. Ảnh: X.C.

Trao đổi với Zing, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát, cho biết sau khi hoàn thiện các thủ tục tiếp nhận, đàn hổ sẽ được di chuyển bằng ôtô tải, thùng xe được che lợp lá cọ, thoáng khí để đưa hổ vào nơi ở mới tại tỉnh Quảng Bình. Dự kiến chiều 22/3, 7 con hổ được đưa tới khu chăm sóc đặc biệt tại Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

“7 con hổ được đưa vào lồng sắt từ một ngày trước mà không cần dùng thuốc mê. Cán bộ đơn vị cũng hạn chế cho hổ ăn no để đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển”, ông Cường nói và cho biết sau gần 8 tháng chăm sóc tại trung tâm, 7 con hổ đều khỏe mạnh, con nhỏ nhất nặng 56 kg, nặng nhất 64 kg.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), cho biết 7 con hổ sẽ được di chuyển về khu vực nuôi cứu hộ chuyên biệt tại vườn mà không bắn thuốc mê để đảm bảo sức khỏe.

“Đàn hổ sẽ tiếp tục được chăm sóc tại các chuồng đã chuẩn bị sẵn và cần thêm thời gian để xem xét khả năng, điều kiện phù hợp trước khi thả ra môi trường bán tự nhiên. Kinh phí chăm sóc, đơn vị sẽ tìm các nguồn hợp pháp, đảm bảo phúc lợi cho đàn hổ”, ông Thái cho hay.

di chuyen ho vao Quang Binh anh 2

Sau nhiều tháng chăm sóc, hổ nặng khoảng 60 kg. Ảnh: P.T.

Theo ông Thái, để chuẩn bị cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng hổ sau khi tiếp nhận, đơn vị đã cử nhóm cán bộ đi học tập kinh nghiệm, quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng hổ. Ngoài ra, quy trình kỹ thuật cứu hộ, khẩu phần ăn cũng được xây dựng phù hợp với tập tính theo từng giai đoạn sinh trưởng, phù hợp với điều kiện địa phương và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 1/8/2021, Công an tỉnh Nghệ An bắt quả tang Trần Trung Hiếu (37 tuổi) và Nguyễn Văn Lai (54 tuổi, cùng trú huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) khi cả hai chạy ôtô 7 chỗ chở 7 cá thể hổ con đi tiêu thụ.

Bị vây bắt, hai nghi phạm không dừng lại mà lùi xe bỏ trốn nhưng bị khống chế, bắt giữ. Những con hổ này sau đó được lực lượng chức năng bàn giao cho Vườn Quốc gia Pù Mát (huyện Con Cuông) để chăm sóc.

Khi mới được tiếp nhận về trung tâm, các con hổ yếu ớt và có dấu hiệu bị bệnh đường ruột. Gần 8 tháng qua, hổ được nuôi thành từng chuồng xây bằng bê tông, có cửa sắt, rộng khoảng 12 m2. Mỗi ngày, hổ được cho ăn 2 lần vào bữa sáng và chiều. Suất ăn của hổ khoảng 2 kg thịt, thay đổi luân phiên các loại thịt gà, thỏ, bò để đảm bảo dinh dưỡng.

Tuy nhiên, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, Vườn Quốc gia Pù Mát là nơi cứu hộ động vật khẩn cấp nên cơ sở hạ tầng không đủ điều kiện nuôi 7 cá thể hổ trên, đơn vị đã đề xuất chuyển số hổ tới Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng để nuôi dưỡng, bảo tồn.

7 con hổ con được giải cứu ở Nghệ An có nơi ở mới

Sau thời gian được nuôi dưỡng tại tỉnh Nghệ An, 7 con hổ con đã nặng 35-40 kg mỗi con. Cuối tháng 3, số hổ này sẽ được bàn giao cho Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chăm sóc.