Khai gian lý lịch, làm bằng sáng chế giả để vào đại học Mỹ

Nhiều học sinh bịa ra câu chuyện cảm động trong bài luận, chi hàng nghìn USD để làm giả bằng sáng chế nhằm "đánh bóng" hồ sơ vào đại học.

Tuần qua, câu chuyện của sinh viên Đại học Pennsylvania Mackenzie Fierceton, 24 tuổi, bị mất học bổng Rhodes danh giá vì cáo buộc bịa đặt lý lịch lan truyền khắp nơi.

Trong bài luận, cô tuyên bố là người đầu tiên trong gia đình vào đại học nhằm tranh thủ chính sách tìm kiếm những sinh viên xuất thân nghèo khó, trong các gia đình chưa từng có người vào đại học, của các trường ở Mỹ. Nhưng thực tế, cả mẹ và ông cô đều được học đại học. Fierceton cũng chia sẻ chi tiết về việc cô bị mẹ lạm dụng nhưng cáo buộc này bị nhà chức trách bác bỏ.

Fierceton không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất làm như vậy. Việc học sinh bịa đặt trong bài luận để được các trường hàng đầu chú ý không còn là vấn đề gì lạ.

Một số học sinh tiết lộ mình từng "xuất bản" tiểu thuyết hoặc hồi ký trong khi sự thực thì bố mẹ họ thuê người để tự xuất bản những thứ trông như cẩm nang hướng dẫn. Có những em viết về công việc tình nguyện ý nghĩa của mình ở các nước đang phát triển, nhưng thực tế bố mẹ họ phải chi rất nhiều tiền đưa con ra nước ngoài để chúng có cái gì đó đưa vào bài luận. Một số khác đi xa đến độ đăng ký bằng sáng chế cho nghiên cứu mà mình không bao giờ thực hiện.

"Có những công ty ở Trung Quốc tính phí vài nghìn USD và sẽ làm tất cả công việc khó khăn để con bạn có thể đăng ký bằng sáng chế khoa học", một nhà tư vấn giáo dục nói.

Một nhân viên tuyển sinh thuộc nhóm trường Ivy League phát biểu trong một hội nghị hồi tháng 9/2021 rằng: "Bây giờ bất cứ ứng viên nào khoe các bằng sáng chế trong hồ sơ, nhà tuyển sinh đều hết sức cảnh giác".

Harvard và các trường Ivy League khác đang tìm kiếm những ứng viên từng trải qua khó khăn. Ảnh: AP

Harvard và các trường Ivy League khác đang tìm kiếm và ưu tiên những ứng viên "từng trải qua khó khăn". Ảnh: AP

Nhiều chuyên gia, những người giúp học sinh chuẩn bị bài luận cá nhân của Common App, ứng dụng được sử dụng bởi hơn một triệu học sinh để nộp vào 800 đại học ở Mỹ, cho biết, cách viết luận phổ biến nhất là kể về việc các em đã vượt qua trở ngại trong cuộc sống như thế nào.

"Về cơ bản, các trường học đang 'chăm sóc hơn' tới những đứa trẻ gặp tổn thương trước tuổi 17 tuổi", một gia sư ở Manhattan nói. Anh cho biết từng gặp những học sinh giỏi nhưng chưa trải qua trở ngại lớn trong cuộc sống và kết quả là chúng không thể cạnh tranh vào những trường hàng đầu như Đại học Yale, Princeton hay Harvard.

Ron Foley, giáo sư Toán học, người điều hành Foley Prep Inc - một dịch vụ dạy kèm và luyện thi đại học - cho biết: "Điều chúng tôi thấy là nhiều học sinh đang tìm kiếm sự khó khăn. Bọn trẻ nghĩ rằng 'trải qua khó khăn' là điều thú vị nhất khi viết về bản thân, dù không đúng như vậy".

Theo Forley, khi nhiều trường đại học coi các chứng chỉ chuẩn hóa chỉ là điều kiện tùy chọn (không bắt buộc), nhằm tạo ra sự công bằng và bình đẳng cho ứng viên, đặc biệt là trong đại dịch, thì bài luận cá nhân càng đóng vai trò quan trọng. "Điều trớ trêu của thử nghiệm tùy chọn là nó mở ra cánh cửa cho nhiều trò tai quái hơn", ông nói. Các trường khó có thể phát hiện hết "chiêu trò" khi nhận tới 100.000 hồ sơ mỗi năm.

Ngay cả trước đại dịch, học sinh cũng từng làm mọi cách để giành lợi thế. Năm 2016, một phụ huynh đăng bài để phàn nàn về việc người bạn của con trai cô đã tạo ra một tổ chức từ thiện dành riêng cho người khiếm thính.

"Cô bé tạo ra trang web, thiết kế logo tổ chức, vạch ra các nhiệm vụ nhưng chưa làm bất kỳ điều gì với nó", phụ huynh này nói và cho biết với việc liệt kê "tổ chức từ thiện" này vào danh sách các hoạt động ngoại khóa, nữ sinh đã được nhận vào Đại học Stanford năm đó.

Khi các trường học tìm kiếm sự đa dạng sắc tộc trong khuôn viên, sinh viên da trắng cũng tìm cách khai gian để tạo ra lợi thế. Theo cuộc khảo sát năm 2021 của công ty Intelligent có trụ sở tại Seattle, 34% sinh viên da trắng thừa nhận đã nói dối mình là người dân tộc thiểu số.

Trong khi đó, không ít học sinh thực sự kém may mắn lại không đưa khó khăn cá nhân vào bài luận vì muốn được công nhận tài năng. Một giáo viên hướng dẫn viết bài luận đại học từng thúc giục một học sinh trung học khai thác lý lịch của mình để giành thêm điểm.

"Cô bé nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ, đã chứng kiến và sống trong hoàn cảnh nghèo khó thực sự. Nhưng em không tận dụng điều đó vì không muốn nó trở thành dấu vết định danh bản thân", cô chia sẻ.

Dương Tâm (Theo New York Post)