Hơn 65.000 ha đất sử dụng sai mục đích trong 5 năm

Giai đoạn 2016-2021, cả nước còn hơn 65.000 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật, theo tổng hợp sơ bộ của Bộ Tài chính.

Chiều 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Từ báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn giám sát thấy rằng việc quản lý, khai thác, sử dụng đất đai trong thời gian qua kém hiệu quả. Diện tích đất chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết địa phương.

Việc thu hồi các dự án không triển khai, chậm tiến độ chưa được thực hiện theo đúng quy định của Luật Đất đai. Số liệu tổng hợp sơ bộ của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2016-2021, vẫn còn hơn 65.000 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, có vi phạm pháp luật; diện tích đã thu hồi là hơn 160.000 ha. Tuy nhiên, số tiền xử phạt vi phạm thu được lại rất nhỏ, cả giai đoạn chỉ hơn 242 tỷ đồng.

Dự án của chủ đầu tư lớn nằm ngay khu trung tâm hành chính huyện Mê Linh (Hà Nội), nhưng sau hơn 10 năm, dự án vẫn còn đang là cánh đồng cỏ. Ảnh: Giang Huy

Dự án của chủ đầu tư lớn nằm ngay khu trung tâm hành chính huyện Mê Linh (Hà Nội), nhưng sau hơn 10 năm, dự án vẫn còn đang là cánh đồng cỏ. Ảnh: Giang Huy

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai của cả nước từ khi ban hành Luật Đất đai năm 2013 đến nay vẫn còn lớn. Cụ thể, từ năm 2018 đến nay có 336 dự án, công trình (hơn 99.500 ha) đã có quyết định giao, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất, đã thu hồi hoặc hủy bỏ.

Báo cáo nêu rõ, việc quản lý, khai thác, sử dụng đất nông, lâm trường còn nhiều hạn chế. Phương án quản lý, sử dụng, đo vẽ, kiểm đếm để lập hồ sơ, khai thác, sử dụng đất nông, lâm trường "triển khai rất chậm"...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin thêm, kết quả sơ kết Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về nông lâm trường cho thấy một phần diện tích đất đã giao cho địa phương nhưng chưa tiếp nhận hoặc chưa có kế hoạch sử dụng. Trong khi đó, dân vẫn thiếu đất sản xuất, đất ở. Ông đề nghị đoàn giám sát làm rõ "bao nhiêu đất đai chưa sử dụng, bao nhiêu giao rồi mà sử dụng sai mục đích". Việc thống kê cần làm rõ đất nông nghiệp được sử dụng và bỏ hoang là bao nhiêu, nằm ở tỉnh nào...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp Thường vụ chiều 24/3. Ảnh: Media Quochoi

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp Thường vụ chiều 24/3. Ảnh: Media Quochoi

"Sau giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí lần này, phải thu hồi hết diện tích đất chưa được sử dụng để tạo nguồn lực phát triển", ông đề nghị. Chủ tịch Quốc hội cũng nêu thực trạng đất nông nghiệp bỏ hoang quá nhiều, cần thống kê thực trạng nông dân bỏ ruộng, tìm nguyên nhân và xây dựng chính sách.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đoàn giám sát kỹ vấn đề lãng phí đất đai, chỉ ra nơi nào làm tốt, nơi nào không tốt, có ví dụ điển hình. "Ngay ở Mê Linh, Hà Nội, cả khu đô thị chỉ có một ngôi nhà mà 10 năm nay vẫn như thế, cỏ mọc đầy, dự án không nhúc nhích", bà Nga dẫn chứng và cho rằng nếu đoàn giám sát đi thì sẽ thấy nhiều nơi như thế.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh phải làm rõ nguyên nhân dự án chậm tiến độ, do thiếu vốn hay khâu đền bù thiếu, tái định cư và nhà thầu thi công chậm. "Đầu tư nhan nhản, người ta thấy cầu làm thì không có đường, đường làm thì không có cầu. Một con đường đền bù tái định cư lem nhem, không thi công được. Lần này có khắc phục được không?", ông Mẫn đặt vấn đề.

Giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.

Hoàng Thùy