Hội tụ bên hòn Trống Mái Sầm Sơn

TP - Trong chuyến du lịch về Thanh Hóa sau 30 năm, các thành viên một lớp sư phạm ngữ văn của Đại học sư phạm Vinh nói với tôi: “Sầm Sơn như cô tiên vừa rũ cánh bụi hồng trần về bên chàng đánh cá lực lưỡng đang xuân”. Vẻ đẹp xứ Thanh ngày càng tỏa sức hút lạ thường.

“Thiên đường” họp lớp

Cô Đào Lý, Chủ tịch Liên đoàn lao động Thành phố Sầm Sơn nói: “Những năm gần đây, Thành phố Sầm Sơn Thanh Hóa trở thành địa điểm họp lớp nổi tiếng. Du lịch họp lớp đã thành một thương hiệu của Sầm Sơn”.

Dạo quanh thành phố trẻ Sầm Sơn có thể thấy những quán cà phê, nhà hàng, khách sạn treo băng rôn cờ phướn chào đón các cuộc hội khóa, họp lớp của đủ các trường khác nhau đến từ mọi miền. Trên ngọn núi Trường Lệ có một quán cà phê mà tới hai niên khóa của hai trường khác nhau hội khóa. Trên bãi biển quây quần những người bạn cùng khóa, đồng phục đủ màu in tên các khóa, các lớp từ. Biển Sầm Sơn hè này có những góc rực rỡ như sân trường đại học, chỉ khác là dưới chân họ sóng biển dạt dào.

Hội tụ bên hòn Trống Mái Sầm Sơn ảnh 1

Du khách thắp hương đền Cô Tiên. Ảnh: T.L

Cô Đào Lý kể: “Ngày nay đường xá đi lại dễ dàng, từ Hà Nội vào hay từ Vinh ra cũng đều có thể đi về trong ngày. Cơ sở vật chất mới được đầu tư và toàn thành phố ưu tiên phát triển du lịch nên du khách về Sầm Sơn tụ hội rất nhiều. Trong một tuần chúng tôi đón tiếp mấy trường đại học về đây hội khóa, chưa kể các trường phổ thông nữa! Được đón tiếp nhiều giáo sư, tiến sĩ, nhiều trung tâm giáo dục, văn hóa lớn của cả nước là niềm vinh dự của Sầm Sơn”.

Người xứ Thanh rất yêu chữ nghĩa, thích học hành. Cô Cầm Mẫn là người dân tộc thiểu số xứ Thanh, những năm 1988 cô khăn gói vào học tại Đại học sư phạm Vinh, đi mấy chặng tàu, xe. Cô Cầm Mẫn nói: “Nhờ có ý chí học tập vươn lên nên từ một cô gái sống trong bản làng xa xôi nay tôi là Đại biểu quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa”.

Hội tụ bên hòn Trống Mái Sầm Sơn ảnh 2

Cụ già xứ Thanh viết sớ chữ Nho cho khách du lịch. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Năm nay, lớp 29 Văn, Đại học sư phạm Vinh của cô Cầm Mẫn hội khóa kỷ niệm 30 năm ngày ra trường. Lớp của cô chọn ngay địa điểm là Sầm Sơn. Cuộc hội ngộ sau 30 năm của những thầy cô giáo tóc đã bạc màu bên hòn Trống Mái thấm đẫm cả nụ cười lẫn nước mắt xúc động, tự hào về nhau.

Theo thống kê, tính đến ngày 21/6/2022, Thành phố Sầm Sơn đã đón được trên 4,1 triệu lượt khách, gấp 2,59 lần cùng kì năm 2021, vượt 17,88% kế hoạch năm; phục vụ được 8.431.444 ngày khách, gấp 2,35 lần cùng kì năm 2021, vượt 2,2% kế hoạch. Doanh thu đạt 3.450 tỷ đồng, gấp 2,47 lần cùng kì năm 2021, vượt 9% kế hoạch năm 2022.

Điểm hẹn văn hóa

Còn nhớ trong bài diễn văn kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn khẳng định rằng: Trong chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa, Sầm Sơn luôn được xác định là đô thị du lịch quan trọng, cần được ưu tiên tập trung đầu tư phát triển. Ngay từ năm 1989, tỉnh đã đề ra chủ trương phát triển du lịch theo tiêu chí “Sầm Sơn - sức khoẻ - kinh tế - bạn bè”.

Có lẽ không tỉnh thành nào, không điểm du lịch nào trên thế giới lại đề ra khẩu hiệu phát triển có hai chữ “bạn bè” như xứ Thanh. Nơi đây, tình bạn được xem là vốn quý, là sức mạnh và di sản phải được gìn giữ mãi mãi.

Cô Thanh Tâm, làm việc tại một trường sư phạm ở Hà Nội kể: “Lúc tôi đi xem điểm thi đại học, thấy một cô bạn đứng bên cột điện khóc. Tôi hỏi: Bạn trượt à? Chia buồn nhé! Cô bạn ấy nói: Không! Mình khóc vì mình đậu rồi mà gia đình khó khăn, chẳng biết bố mẹ có cho đi học đại học không? Nghe thế Tâm và các bạn khác xúm vào động viên: Bạn hãy cố gắng đi học đại học, khó khăn chúng ta cùng chia sẻ với nhau”. Sau 30 năm, giờ đây cô bé đứng khóc bên cột điện năm xưa đã là một tiến sĩ nổi tiếng ở xứ Thanh.

Cô Ngô Hiền giáo viên trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) nói: “Khóa học của chúng tôi tại Đại học sư phạm Vinh niên khóa 1988-1992 có rất nhiều bạn là người Thanh Hóa tham gia học ở tất cả các khoa. Các bạn đều chăm chỉ và học giỏi. Sau 30 năm gặp lại, chúng tôi rất vui khi chứng kiến nhiều bạn thành đạt và đặc biệt các bạn vẫn quan tâm tới nhau, tình bạn vẫn nồng ấm như thời sinh viên”.

Hội tụ bên hòn Trống Mái Sầm Sơn ảnh 3

Sầm Sơn đang trở thành điểm hội khóa, họp lớp lý tưởng cho rất nhiều du khách

Một trong những cựu sinh viên Đại học sư phạm Vinh niên khóa 1988-1992 là sinh viên xuất sắc Đỗ Trọng Hưng, hiện là Bí thư tỉnh Thanh Hóa. Dù bận nhiều việc, nhưng nghe tin các bạn lớp 29 Văn cùng niên khóa hội lớp tại Sầm Sơn, anh Đỗ Trọng Hưng cũng tới dự.

Bí thư tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng cho biết: “Thanh Hóa đang ở thời kỳ dân số vàng với trên 2,4 triệu người trong độ tuổi lao động. Được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; với khát vọng vươn lên bằng sức mạnh đoàn kết, thống nhất, với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, toàn tỉnh Thanh Hóa quyết tâm xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển của các tỉnh phía Bắc”.

Những cô tiên thời hiện đại

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần thăm Thanh Hóa. Ngày 20/2/1947, người đã căn dặn: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu”. Bác Hồ đã thăm làng chài ở Sầm Sơn, kéo lưới cùng người dân và chỉ khi Bác rời đi mọi người mới sực nhận ra đó chính là Bác Hồ.

Tiến sĩ Lương Trọng Thành, Hiệu trưởng trường Chính trị Thanh Hóa nhận xét: “Thành phố Sầm Sơn những năm gần đây rất khởi sắc theo phương châm phát triển hài hòa giữa du lịch và giữ gìn phát triển văn hóa địa phương, phát triển hài hòa lợi ích doanh nghiệp và quyền lợi của ngư dân ven biển. Du khách trong nước đến Thanh Hóa nhiều và lưu trú dài ngày. Sầm Sơn đang hướng tới việc thu hút du khách quốc tế”.

Không chỉ những làng chài truyền thống mà các di tích lịch sử cũng được gìn giữ đến ngày nay. Đền Cô Tiên, nơi Bác dừng chân hiện là điểm du lịch thu hút hàng chục ngàn lượt khách mỗi ngày. Chuyện kể rằng xưa có cô gái vì yêu chàng trai nghèo nên bị gia đình đuổi đi. Họ lên núi sống cùng nhau bốc thuốc cứu dân và cuối cùng trở thành các vị tiên trên núi Trường Lệ. Người dân tưởng nhớ mà lập nên Đền Cô Tiên.

Ông Bùi Quốc Đạt, Phó chủ tịch Thành phố Sầm Sơn cho biết: “Chúng tôi đang từng bước xây dựng Sầm Sơn trở thành “Thành phố của lễ hội”, gồm Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn năm 2022; lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái; lễ hội Carnival đường phố; lễ hội thả diều; lễ hội dù bay; lễ hội Bánh Chưng - Bánh Giầy...”.

Cách đây 30 năm, chúng tôi tới Sầm Sơn thì biển chỉ có phi lao và những hàng bán nước dừa. Giờ đây Sầm Sơn đã trở thành thành phố của lễ hội và những cuộc họp lớp từ Bắc chí Nam…

Một địa danh nổi tiếng của Sầm Sơn là Hòn Trống Mái. Chuyện kể rằng xưa có cô tiên xuống trần lấy chàng đánh cá làng Sầm, khi Ngọc Hoàng bắt về trời thì họ đã hóa thành hai viên đá để được ở lại Sầm Sơn mãi mãi. Người dân Sầm Sơn tâm sự rằng họ cũng mong du khách sẽ nhớ mãi Sầm Sơn như nhớ về mối tình chung thủy của nàng tiên với chàng trai đánh cá năm xưa.