Học sinh, phụ huynh 'lơ mơ' về chương trình lớp 10 mới

Nửa năm nữa, lớp 10 sẽ học chương trình phổ thông mới nhưng các em và phụ huynh phần lớn mới chỉ "nghe loáng thoáng" hoặc "chưa nắm được" việc này.

Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 phải học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.

Các em chọn năm môn khác từ ba nhóm (mỗi nhóm ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật). So với chương trình hiện hành, học sinh học ít môn hơn, đồng thời được chọn môn theo năng khiếu, sở thích.

Là đối tượng ảnh hưởng trực tiếp nhưng Phương Thảo, lớp 9 ở Cầu Giấy (Hà Nội), mới "nghe loáng thoáng" thông báo từ giáo viên, cũng "chưa biết thay đổi cụ thể ra sao". "Em chưa thực sự quan tâm vì đang tập trung ôn thi, nhưng nếu có thay đổi như vậy, em rất ủng hộ", Thảo nói.

Theo Thảo, giảm số môn giúp học sinh giảm áp lực, có tâm lý thoải mái và hứng thú học hơn, tránh tình trạng học đối phó với những môn không yêu thích.

Gia đình kinh doanh riêng nên Thảo được định hướng học kinh tế theo tổ hợp D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh). Trong các môn tự chọn, nữ sinh dự định học Sinh và môn Nghệ thuật. Em cho biết sẽ trao đổi và tham khảo ý kiến bố mẹ để chọn môn phù hợp.

Nếu như Thảo đã "nghe qua" về chương trình mới, Quốc Huy, lớp 9 ở Hà Nam, chưa được phổ biến việc này. "Em chưa nghe thầy cô thông báo, các bạn trong lớp cũng không bàn tán gì về việc chọn môn trong năm sau", Huy nói và cho rằng có thể do trường ở vùng nông thôn, việc tuyên truyền, phổ biến về chương trình mới còn hạn chế.

Tại lớp của Thảo và Huy hoặc trên các diễn đàn học sinh, chủ đề sôi nổi gần đây là số môn, hình thức và tài liệu thi vào lớp 10. Chương trình lớp 10 mới gần như không được đề cập.

Thí sinh dự thi lớp 10 công lập tại TP HCM, tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Thí sinh dự thi lớp 10 công lập tại TP HCM, tháng 7/2020. Ảnh: Quỳnh Trần

Thông tin về chương trình lớp 10, sẽ triển khai từ năm học 2022-2023, cũng gây bất ngờ với nhiều phụ huynh.

Chị Nguyễn Thị Hiền, sống ở quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết chưa nhận được thông báo chính thức từ giáo viên chủ nhiệm hay từ nhà trường về thay đổi này. Chị cũng "lần đầu nghe thấy" chương trình mới chia làm hai giai đoạn gồm Giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12), dù kế hoạch này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố từ cuối năm 2018.

"Đọc báo mới biết chương trình sẽ triển khai từ năm học tới. Hầu như phụ huynh chưa nắm được việc này vì không thấy ai trao đổi hay bàn luận", chị Hiền, phụ huynh có con học lớp 9, nói.

Chị Hiền cho rằng chương trình mới mang tính định hướng nghề nghiệp cao và "hợp lý hơn nhiều". Lên tới cấp trung học phổ thông, học sinh cần phải được hướng nghiệp nhưng hiện tại, các con đang phải học quá nhiều môn có thể không liên quan tới công việc sau này.

Đồng tình với quan điểm này, chị Đặng Hoàng Hà ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng nghĩ từ lớp 10, học sinh nên bắt đầu được hướng nghiệp. Nếu sớm quá, các con chưa đủ chín chắn và hiểu biết để lựa chọn.

Là giáo viên trung học phổ thông, chị Hà nắm được thông tin về chương trình mới, song chưa thấy giáo viên chủ nhiệm của con chia sẻ trong nhóm lớp hay đề cập trong các buổi họp phụ huynh.

Con trai chị Hà học tốt các môn tự nhiên và định hướng tập trung vào công nghệ sinh học. Người mẹ kỳ vọng chương trình mới sẽ giúp con được học nhiều và sâu hơn ở môn yêu thích.

Về phía nhà trường, các hiệu trưởng cho biết không nhận được chỉ đạo hay hướng dẫn về việc phổ biến chương trình lớp 10 mới tới học sinh, phụ huynh.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie Hà Nội, cho rằng do ảnh hưởng của Covid-19, ba năm qua các nhà trường có nhiều mối lo, đặc biệt là làm sao tổ chức dạy và học hiệu quả, bảo đảm an toàn khi học sinh trở lại, nên việc tuyên truyền về chương trình mới chưa nhiều.

Các nhà trường cũng không nhận được chỉ đạo từ trên xuống về việc này và chưa có sự chuẩn bị. Việc chậm trễ theo ông sẽ gây bỡ ngỡ cho học sinh khi được yêu cầu chọn môn lúc mới vào lớp 10, dẫn tới khả năng lựa chọn chưa sáng suốt.

Năm học tới trường Marie Curie dự định đưa ra những lựa chọn sẵn về tổ hợp năm môn để học sinh quyết định theo đúng nguyện vọng. Nếu không có tổ hợp phù hợp, học sinh có thể cân nhắc có đăng ký vào trường hay không.

Hiệu trưởng một trường THCS công lập ở ngoại thành Hà Nội cho hay, thông tin về chương trình "chủ yếu do giáo viên chủ động chia sẻ", bởi không có hướng dẫn hay kế hoạch, yêu cầu tuyên truyền cụ thể từ thành phố hay Bộ Giáo dục và Đào tạo. "Chương trình được công bố từ năm 2018 nhưng nếu không được nhắc hoặc phổ biến lại, phụ huynh, học sinh sẽ không nắm được thông tin", vị này cho hay.

Trước ý kiến cho rằng, sau khi hoàn thành kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập, học sinh được phổ biến về chương trình mới "cũng chưa muộn", lãnh đạo này nhận định, nếu không biết đến sự thay đổi từ sớm, các gia đình và học sinh không đủ thời gian trao đổi, cân nhắc, dễ dẫn đến lựa chọn không phù hợp.

Mặt khác, hiệu trưởng này cho rằng trong kế hoạch triển khai chương trình mới với lớp 1 (năm học 2020-2021), lớp 2 và 6 (2021-2022), các trường và báo đài đều đề cập đến chương trình mới với lớp 3, 7 và 10, được áp dụng từ năm học 2022-2023.

"Học sinh, phụ huynh cũng cần có trách nhiệm trong việc cập nhật thông tin liên quan trực tiếp đến mình", vị này bày tỏ.

Nhóm phóng viên