Hành tinh của một kẻ nghĩ nhiều

Sách là hành trình khám phá thế giới nội tâm của một người trẻ. Đó là một hành tinh đầy hỗn loạn của những suy nghĩ trăn trở, những dằn vặt, những cuộc chiến nội tâm, những cảm xúc vừa phức tạp cũng vừa rất đỗi con người.

Ảnh minh họa: Pexels.

Việc bắt đầu yêu ở tuổi 20 đã để lộ một vạn nỗi sợ, nỗi tự ti, sự yếu đuối mà mình chưa bao giờ nghĩ có thể tồn tại trong mình. Một trong những khó khăn mà mình liên tục gặp phải kể từ lúc hẹn hò đến lúc chính thức quen nhau và vẫn mãi lấn cấn trong mối quan hệ lãng mạn giữa mình và bạn trai nằm ở việc mình rất sợ nói về những khó khăn của bản thân và bày tỏ cảm xúc của mình cho bạn ấy. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi bạn ấy lại rất tự nhiên trong việc nói về cảm xúc của bản thân hay thể hiện tình cảm một cách tự do.

Ngược lại, riêng việc thừa nhận rằng mình cũng nhớ bạn ấy thôi cũng đã khiến mình cảm thấy cấn họng không thể nói ra, hay việc kể cho bạn ấy về những việc tồi tệ trong ngày khiến mình cảm thấy tổn thương và khó khăn đến độ mình thường phải lái sang chủ đề khác để tránh phải thể hiện sự yếu đuối của bản thân trước mặt bạn ấy. Bạn ấy đã dạy mình về nỗi sợ gần gũi cảm xúc ở bản thân và mình đang học cách thay đổi để có một mối quan hệ lành mạnh hơn.

Theo Descutner và Thelen (1991), fear of intimacy hay nỗi sợ gần gũi cảm xúc là việc hạn chế chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc có giá trị trong một mối quan hệ với một người mà chúng ta thật sự quan tâm và gần gũi. Sự gần gũi trong các mối quan hệ phụ thuộc vào ba yếu tố: thứ nhất là việc tiết lộ những thông tin cá nhân của chúng ta cho nửa kia, thứ hai là cường độ cảm xúc hay việc coi trọng cảm xúc của người kia và cuối cùng là sự yếu đuối hay việc thoải mái để người kia nhìn thấy những điểm yếu của bản thân chúng ta.

Chia sẻ thông tin là yếu tố căn bản trong việc xây dựng sự thân mật trong một mối quan hệ. Bên cạnh đó, việc này cũng đòi hỏi chúng ta phải có một khái niệm vững chắc về bản thân (strong sense of self) để có thể thoải mái trong một mối quan hệ đòi hỏi sự thân mật và cộng sinh giữa hai người.

Descutner và Thelen (1991) cho rằng những người có nỗi sợ gần gũi cảm xúc thường cô đơn hơn và ít có mong muốn chia sẻ về bản thân, kết nối với xã hội và ít có nhu cầu lựa chọn hành vi đáng khao khát bởi xã hội hơn. Bên cạnh đó, Hazan và Shaver (1990) cũng phát hiện những người sợ gần gũi về mặt cảm xúc có xu hướng nghiện công việc cao hơn.

Một khái niệm khác cũng thường được liên hệ với nỗi sợ gần gũi cảm xúc là xu hướng né tránh kinh nghiệm. Những người có xu hướng né tránh kinh nghiệm cao thường làm mọi cách để không phải đối mặt với những cảm xúc, suy nghĩ và trải nghiệm không mong muốn. Một trong những hành vi phổ biến của xu hướng này là thói trì hoãn.

Nghiên cứu của Maitland (2020) phát hiện rằng xu hướng né tránh trải nghiệm thường dẫn đến nỗi sợ gần gũi cảm xúc, từ đó khiến cho những người này gặp khó khăn trong việc hình thành mạng lưới hỗ trợ xã hội cho chính bản thân cũng như xây dựng những mối quan hệ cá nhân mới, từ đó làm gia tăng sự cô đơn ở họ.

Nghiên cứu này cũng cho thấy hệ quả của sự cô đơn này là những triệu chứng rối loạn tâm lý. Có thể thấy nỗi sợ gần gũi cảm xúc tưởng chừng chỉ đơn thuần là việc né tránh tiết lộ về bản thân nhưng lại tiềm tàng rất nhiều vấn đề ngầm ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đến các mối quan hệ cá nhân, mà còn ăn mòn sức khoẻ tâm lý và mối quan hệ của chúng ta với bản thân.

Trong những mối quan hệ lãng mạn, Mashek và Sherman (2004) nhận thấy, nỗi sợ gần gũi cảm xúc thường được tìm thấy ở những cặp đôi cho rằng mối quan hệ của họ đang thiếu hoặc dư sự thân mật. Những cặp đôi không hài lòng với tần suất thân mật của họ cũng có nhiều lo âu lãng mạn hơn. Nỗi lo âu lãng mạn này còn liên quan đến việc lo sợ mối quan hệ sẽ sớm đổ vỡ. Do đó, những người có nỗi sợ gần gũi thường lo lắng về việc chia tay nhiều hơn những người có mối quan hệ lành mạnh với việc thân mật.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy do chúng ta có xu hướng hẹn hò với những người có nhiều điểm tương đồng với mình trong gia cảnh, học vấn, tính cách, trí tuệ, quan điểm và giá trị sống. Nhiều người thường hẹn hò với những người có nhu cầu gần gũi tương đồng với chính họ. Cụ thể hơn, những người có nỗi sợ thân mật cao thường lựa chọn bạn đời cũng ít có nhu cầu gần gũi để tránh việc bị tổn thương hoặc bị khước từ trong các mối quan hệ thân mật.

Thelen và cộng sự (2000) cũng phát hiện việc sợ gần gũi về cảm xúc thường hay xuất hiện ở nam giới hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu của Sobral cùng các cộng sự (2015) cho rằng phụ nữ có nỗi sợ gần gũi cao sẽ có khả năng gặp nhiều vấn đề và bị tổn thương trong những mối quan hệ tình cảm. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, những phụ nữ có xu hướng sợ gần gũi vẫn muốn và chọn bước vào những mối quan hệ để tìm kiếm sự thân mật, bất chấp cảm giác bất tiện và chật vật với chuyện gần gũi.

Ngược lại, đối với đàn ông có xu hướng này, dù họ muốn gần gũi nhưng vẫn chọn cách tránh bước vào những mối quan hệ thân mật để bảo vệ cái tôi của mình. Những nhà nghiên cứu này cho rằng, sự khác biệt giữa đàn ông và phụ nữ khi chọn cách đối phó với nỗi sợ thân mật này bắt nguồn từ những khuôn mẫu về giới trong xã hội. Cụ thể hơn, do phụ nữ thường được mặc định đóng vai trò là người tình và người nuôi dưỡng, họ thường cảm thấy nhiều áp lực trong việc phải bước vào các mối quan hệ lãng mạn hơn đàn ông.

Những phụ nữ có nỗi sợ thân mật trong nghiên cứu của Lutwak (1985) thường gặp nhiều mâu thuẫn nội tâm khi bắt đầu những mối quan hệ lãng mạn. Ngay cả khi họ quyết định quen ai đó thì họ sẽ thường chọn những mối quan hệ không có giá trị cao (như những mối quan hệ mà trong đó họ không được đối xử tốt, những mối quan hệ mà họ biết chắc sẽ tan vỡ...), để khi những mối quan hệ này đổ vỡ, họ sẽ ít tổn thương hơn do họ từ đầu xác định sẽ không đi đến đâu (Thelen và các cộng sự, 2000).

Cũng như những cô gái khác, mình cũng có những ngày đi làm về rã rượi cả người, cảm thấy như cuộc đời mình không có gì là hay ho, cảm thấy bản thân không thể tầm thường hơn, cảm thấy như mình không thể tìm thấy một giá trị hay ý nghĩa nào trong những ngày sống thật đơn thuần, mình ngồi trên thềm nhà bật khóc. Điện thoại vang lên một thông báo tin nhắn từ bạn ấy, “Em ổn không?” khi mình bảo bạn ấy “I’ve been feeling off lately” (Dạo này em cứ thấy thế nào).

Mình vẫn không thể kể cho bạn ấy nghe rằng mình ghét bản thân khi cứ làm mãi một công việc khiến mình nản lòng, khi cả tháng không ra được một tập podcast mới nào, khi viết mãi quyển sách này vẫn không xong, rằng cơ thể mình lúc nào cũng đau nhức và rằng mọi việc tưởng như đều đang tiến triển thật tốt nhưng lại chẳng đâu vào đâu. Mình chỉ xem xong tin nhắn rồi im lặng. Ting! Bạn ấy bảo, “Em sẽ làm được thôi, em tuyệt vời lắm, nếu anh ở đó lúc này anh sẽ ôm em vào lòng…”.

Có lẽ cuối cùng việc mọi người khi nào cũng lải nhải về tình yêu không phải là vô lý và quan trọng hóa. Chuyện tình cảm tưởng chừng chỉ là một mảnh ghép của cuộc đời, không phải là cần thiết nhưng khi được trải nghiệm nó, bất kể những nỗi lo sợ, những đêm yếu đuối, những ngày chật vật, tình yêu dạy chúng ta về chính mình, về việc yêu và được yêu, để trở thành chúng ta phiên bản ít lo sợ, ít yếu đuối và ít chật vật hơn.

Nỗi sợ gần gũi này là điểm yếu của mình và là một phần bài học trên chặng đường yêu của mình, và có thể, của cả bạn nữa.