Hàng trăm giáo viên mầm non đi làm không lương

Thanh HóaNhiều giáo viên ở huyện biên giới Mường Lát, Quan Sơn và một số địa phương khác hiện đi làm mà không có lương hoặc phụ cấp.

Cô Hoàng Thị Miền, 33 tuổi, được nhận vào trường Mầm non xã Tam Chung, huyện Mường Lát từ tháng 5/2018 theo diện hợp đồng 06 (Nghị định 06/NĐ-CP, năm 2018 của Chính phủ). Tuy nhiên, Nghị định 06 hết hiệu lực vào cuối năm 2021 và được thay thế bằng Nghị định 105/2020. Cô Miền chưa được tái ký hợp đồng và đã đi làm không lương hơn hai tháng qua.

"Chúng tôi hiện đối diện nhiều áp lực, khó khăn, chưa biết còn trụ được bao lâu nữa...", cô Miền chia sẻ.

Hơn hai tháng đi làm không có lương khiến cuộc sống của cô Miền và gia đình gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NVCC.

Hơn hai tháng đi làm không có lương khiến cuộc sống của cô Miền và gia đình gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NVCC.

Chồng cô Miền không có công việc ổn định. Sinh hoạt gia đình trước đây chủ yếu dựa vào đồng lương ít ỏi của cô, "gói ghém rồi cũng xoay xở được". Khi người thân hay con nhỏ ốm đau, nữ giáo viên này phải chạy vạy khắp nơi hoặc vay ngân hàng để trang trải.

Cô Dương Thị Nhàn, giáo viên Trường Mầm non xã Tam Chung cũng ở tình cảnh tương tự, song "có chút khá khẩm hơn". Chồng cô cũng công tác trong ngành giáo dục nên nhà còn một suất lương để lo cuộc sống, dù "thiếu trước hụt sau". Nữ giáo viên tâm sự, các cô vẫn muốn gắn bó với nghề, nhưng hiện chưa rõ tương lai ra sao nên bị ảnh hưởng về tâm lý. Được lãnh đạo nhà trường động viên, cô Nhàn và đồng nghiệp hiện vẫn gắng đến lớp mỗi ngày.

Cô Hàn Thị Giang, Hiệu trưởng trường Mầm non Tam Chung, cho hay nhà trường có tổng 22 cán bộ giáo viên, chín cô có hợp đồng theo Nghị định 06. "Nếu cả chín giáo viên này bị chấm dứt hợp đồng thì nhà trường sẽ thiếu nhân sự trầm trọng", cô Giang nói.

Ngoài Trường Mầm non Tam Chung, Trường Mầm non xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát cũng có tám giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06. "Giáo viên mầm non ở đây không có nguồn thu nào ngoài lương nên cuộc sống rất chật vật...", cô Tống Thị Ninh, Hiệu trưởng Mầm non Nhi Sơn, cho hay.

Dịp cận Tết, để số giáo viên hợp đồng có tiền chi tiêu, nhà trường đã bàn bạc, thống nhất trích từ nguồn chi hoạt động chuyên môn, cho các cô tạm ứng lương.

Cô Dương Thị Nhàn, giáo viên trường Mầm non xã Tam Chung vẫn đến lớp mỗi ngày. Ảnh: NVCC

Cô Dương Thị Nhàn, giáo viên trường Mầm non xã Tam Chung vẫn đến lớp mỗi ngày. Ảnh: NVCC

Theo cô Ninh, UBND huyện chỉ đạo, từ tháng ba sẽ ký hợp đồng trường (hợp đồng do hiệu trưởng ký) và hỗ trợ một khoản lương cho các cô. "Giáo viên cũng nhất trí phương án này để tiếp tục theo đuổi nghề, chờ hướng dẫn cụ thể của cấp trên", cô Ninh chia sẻ.

Ông Lò Văn Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát cho biết, toàn huyện có 58 giáo viên hợp đồng theo Nghị định 06. Trong khi chờ hướng dẫn thực hiện quy định mới, huyện đề xuất tạm thời hỗ trợ mỗi cô 3,5 triệu đồng một tháng.

Ngoài huyện Mường Lát, Thanh Hóa có hàng trăm giáo viên diện hợp đồng 06 bị nợ, chậm lương hoặc bị thôi hợp đồng ở nhiều địa phương khác. Riêng huyện Quan Sơn có 67 giáo viên.

Nghị định 06 về chính sách đối với giáo viên mầm non, quy định người lao động nếu đủ tiêu chuẩn chức danh giáo viên mầm non hạng IV trở lên thì được ký hợp đồng lao động, xếp lương ở chức danh giáo viên mầm non hạng IV. Tuy nhiên, khi Nghị định 06 hết hiệu lực vào cuối 2021, ngành giáo dục và các địa phương ở Thanh Hóa chưa nhận được hướng dẫn, nên chưa có hướng xử lý các hợp đồng ký theo Nghị định cũ này.

Ngày 24/3, trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá cho hay, UBND tỉnh đang giao các Sở Nội vụ, Tài chính và các huyện thị, thành phố đánh giá tình hình và đề xuất hướng giải quyết cụ thể.

Lê Hoàng