Hải Phòng hạ cấp độ dịch xuống 'vùng cam'

Ngày 14/1, chính quyền Hải Phòng hạ cấp độ dịch toàn thành phố xuống cấp 3 (nguy cơ cao, màu cam), nới lỏng một số hoạt động, sau gần một tuần nâng lên "vùng đỏ".

Lý giải về việc nâng, hạ cấp độ dịch bệnh chỉ trong một tuần, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch TP Hải Phòng, cho hay trong tuần đầu tháng 1/2022, số ca nhiễm cộng đồng trên địa bàn tăng cao, có ngày gần 1.000. Vì thế ngày 8/1, thành phố quyết định nâng cấp độ dịch lên mức cao nhất (cấp 4, nguy cơ rất cao, màu đỏ), đóng cửa bến xe khách, dừng hoạt động các tuyến xe khách liên tỉnh...

Tuy nhiên, sau 4 ngày nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, số ca nhiễm cộng đồng giảm, năng lực y tế các địa phương cũng được củng cố và nâng cao. Thành phố tăng tốc độ tiêm phủ vaccine mũi hai và mũi ba. Đây là cơ sở để hôm nay Hải Phòng hạ cấp độ dịch bệnh và nới lỏng một số dịch vụ.

Hiện thành phố vẫn còn 81/208 đơn vị hành chính cấp xã đang ở cấp độ 4. Còn 6 đơn vị cấp huyện cấp 4 là quận Hồng Bàng, Lê Chân, Đồ Sơn, Dương Kinh; huyện Kiến Thụy và An Dương.

Một quán cafe

Một quán cafe trên đường Lê Hồng Phong, TP Hải Phòng, mở cửa trở lại, nhưng vắng khách, chiều 14/1. Ảnh: Giang Chinh

Căn cứ vào việc hạ cấp độ dịch bệnh, từ hôm nay thành phố khôi phục hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh tại bến xe khách Thượng Lý, bến xe Đồ Sơn. Tuy nhiên, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt nội tỉnh và liên tỉnh vẫn tạm dừng; xe khách nội tỉnh tuyến cố định tạm dừng; xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn các xã, phường ở cấp 4 vẫn tạm dừng. Các xe đi qua địa bàn cấp 4 không được dừng, đón trả khách.

Với các xã, phường, thị trấn cấp độ 3, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch được hoạt động không quá 50% số ghế.

Nhận định về việc TP Hải Phòng liên tục thay đổi cấp độ dịch bệnh trong một tuần, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng "không nên để lặp lại tình trạng này". Từ khi Chính phủ ban hành quy định về thích ứng an toàn tháng 10/2021 đến nay, chưa có địa phương nào nâng cấp độ dịch bệnh lên màu đỏ trên toàn tỉnh, thành.

Hơn nữa, Hải Phòng là đô thị lớn, mật độ giao lưu, đi lại, vận chuyển hàng hóa lớn, việc dừng hoạt động giao thông, dịch vụ... sẽ gây tác động lớn đến người dân, doanh nghiệp trong tỉnh cũng như các địa phương lân cận. Đây cũng là địa phương có cảng biển quốc tế lớn của cả miền Bắc và cả nước.

"Thành phố đã hạ cấp độ dịch xuống cấp 3 và nới lỏng một số dịch vụ, nhưng vẫn chưa phù hợp với tình hình hiện nay và chủ trương thích ứng an toàn của Chính phủ", ông Nga nói và cho rằng thành phố cần sớm hạ cấp độ dịch xuống cấp 2 hoặc cấp 1, để tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh.

Ông phân tích, dù những ngày qua số ca nhiễm ở thành phố tăng cao hơn so với trước, nhưng "không đáng lo ngại". Bởi hiện nay, thành phố đã phủ mũi một cho tất cả dân số trưởng thành; phủ mũi hai cho hơn 90% dân số. Vì vậy, nguy cơ dịch tễ của địa phương không cao.

Nêu góc nhìn rộng hơn, ông Nga cho rằng thời gian qua Hải Phòng cũng như một số quận của Hà Nội nâng và hạ cấp độ dịch trong thời gian ngắn cho thấy bộ tiêu chí đánh giá nguy cơ dịch bệnh hiện nay (hướng dẫn 4800 của Bộ Y tế) đã bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi chờ đợi Bộ Y tế ban hành bộ tiêu chí mới, các địa phương "không nên máy móc áp dụng tiêu chí về ca nhiễm cộng đồng mỗi ngày để nâng cấp độ dịch". Thay vào đó, các tỉnh, thành nên linh hoạt đánh giá cấp độ dịch dựa theo số ca nặng và tử vong để phù hợp với chủ trương thích ứng an toàn.

Giang Chinh - Viết Tuân