Fed có thể vẫn tăng lãi suất vào đêm nay

Các thị trường kỳ hạn định giá khả năng Fed tiếp tục tăng lãi suất vào khoảng 80%. Câu hỏi đặt ra là cơ quan này sẽ trấn an thị trường như thế nào.

Những rắc rối mới nhất của ngành ngân hàng Mỹ trước đó khiến một số nhà đầu tư tin rằng Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất. Ảnh: Reuters.

Theo CNBC, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách ngày 22/3. Nhưng ngân hàng trung ương Mỹ cũng phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn. Đó là trấn an thị trường rằng họ có thể ngăn chặn một cuộc khủng hoảng ngân hàng, dù tình hình có tệ đi.

Đa số chuyên gia tin rằng Fed sẽ tăng lãi suất điều hành từ 4,5-4,75% lên 4,75-5%. Nhưng một số khác dự báo ngân hàng trung ương có thể tạm dừng tăng lãi suất vì ngành ngân hàng đang chao đảo.

Tính đến sáng 21/3, các thị trường kỳ hạn định giá khả năng tăng lãi suất của Fed là khoảng 80%.

Bài toán khó giải

Ngân hàng trung ương đang cân nhắc các bước đi của mình, tìm cách xoa dịu dư luận và ngăn chặn làn sóng rút tiền khỏi ngân hàng.

Lãi suất tăng cao được cho là sẽ gia tăng sức ép cho các tổ chức ngân hàng, siết chặt hoạt động cho vay và gây tổn hại đến những doanh nghiệp nhỏ.

"Các dữ liệu vĩ mô cho thấy Fed sẽ phải thắt chặt hơn nữa. Nhưng cơ quan này cần giải thích về chính sách kép của mình", CNBC dẫn lời ông Michael Gapen, chuyên gia kinh tế trưởng của Mỹ tại Bank of America, nhận định.

Fed cần phải chứng minh rằng họ có thể làm 2 việc cùng một lúc, tận dụng quyền lực của "người cho vay cuối cùng" để dập tắt mọi lo ngại về làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng cỡ trung

Ông Michael Gapen, chuyên gia kinh tế trưởng của Mỹ tại Bank of America

"Fed cần phải chứng minh rằng họ có thể làm 2 việc cùng một lúc, tận dụng quyền lực của người cho vay cuối cùng để dập tắt mọi lo ngại về làn sóng rút tiền khỏi các ngân hàng cỡ trung", ông nói thêm.

Các cơ quan quản lý liên bang đã vào cuộc để đảm bảo tiền gửi cho khách hàng tại Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank. Fed cũng cung cấp những khoản vay ưu đãi với thời hạn lên tới một năm.

Nhằm đảm bảo ổn định tài chính toàn cầu, Fed cùng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản và Thụy Sĩ công bố những nỗ lực phối hợp nhằm tăng tính thanh khoản của USD thông qua các thỏa thuận hoán đổi.

Không rõ các biện pháp này có thể xoa dịu vết thương trong ngành hay không. Giá cổ phiếu của First Republic Bank, một ngân hàng khu vực, vẫn giảm 47% trong phiên giao dịch đầu tuần này.

Thị trường hỗn loạn

Thị trường đã chao đảo trong những tuần qua. Đầu tiên là các tín hiệu cho thấy Fed có thể "diều hâu" hơn dự đoán, rồi đến những lo ngại về sự lây lan trong hệ thống ngân hàng.

Các quan chức Fed bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày hôm 21/3. Sự kiện này bắt đầu chỉ 2 tuần sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng ngân hàng trung ương có thể đưa lãi suất cực đại lên cao hơn dự báo nhằm hạ nhiệt lạm phát.

Nhưng chỉ vài ngày sau, sự sụp đổ đột ngột của SVB đã khiến các nhà đầu tư choáng váng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt giảm đáng kể vì giới đầu tư tin rằng ngân hàng trung ương sẽ lỏng tay hơn.

Rắc rối của SVB đến từ các đợt tăng lãi suất dồn dập của ngân hàng trung ương Mỹ. Lãi suất đi lên khiến ngân hàng gánh khoản lỗ chưa thực hiện lớn, bị hạ xếp hạng tín nhiệm rồi sụp đổ vì làn sóng rút tiền gửi.

tang lai suat anh 1

Các thông tin trái chiều thay nhau chi phối thị trường trong những tuần qua. Ảnh: Reuters.

Fed đã giảm tốc độ tăng lãi suất còn 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đầu tiên của năm 2023, sau bước nhảy 50 điểm cơ bản vào tháng 12/2022 và 75 điểm cơ bản trong tháng 11 cùng năm.

Theo Wall Street Journal, các quan chức Fed đã nhiều lần thừa nhận rằng họ buộc phải cùng lúc xử lý 2 vấn đề, đó là lạm phát và bất ổn tài chính.

Một số quan chức tiết lộ rằng họ sẽ sử dụng các công cụ cho vay khẩn cấp để ổn định lĩnh vực tài chính. Nhờ đó, Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt giá cả.

"Việc sử dụng chính sách tiền tệ để bít các lỗ hổng có thể mang tới những tác động tiêu cực tới nền kinh tế", ông John Williams, Chủ tịch Fed New York, nhấn mạnh trong một phát biểu vào tháng 11/2022.

"Không nên dùng chính sách tiền tệ để đối phó với mọi vấn đề, và rồi chẳng thể giải quyết cái nào", ông nhấn mạnh.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Fed ở 'ngã ba đường'

Fed đang hướng tới cuộc họp khó khăn nhất nhiều năm. Khủng hoảng ngành ngân hàng ập tới khi bài toán lạm phát vẫn chưa có lời giải cuối cùng.

Sau vụ SVB phá sản, Fed khó tăng lãi suất mạnh tay

Vụ phá sản của SVB và những rủi ro lan tỏa đẩy Fed vào thế khó. SVB gặp rắc rối vì các đợt tăng lãi suất dồn dập trong vòng một năm qua.