Dự án đường sắt tốc độ cao: Đối tác ngoại quan tâm

Dù dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang ở giai đoạn xem xét chủ trương, một số đối tác nước ngoài đã bày tỏ muốn được hợp tác đầu tư, khai thác dự án này với Việt Nam.

Tây Ban Nha bày tỏ mong muốn hợp tác đầu tư, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hệ thống tàu điện tại Tây Ban Nha. Ảnh: RENFE.

Bộ Chính trị giao Ban cán sự Đảng Bộ GTVT hoàn thiện Đề án Chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định (theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023).

Theo kết luận trên, trước mắt, Bộ GTVT phải hoàn thành Đề án chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này để trình Bộ Chính trị xem xét trong năm nay. Đây là cơ sở để triển khai các bước tiếp theo như trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, lập báo cáo khả thi, xác định nguồn vốn, tiến độ...

Theo tờ trình của Bộ GTVT, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dài hơn 1.500 km, nối Hà Nội - TP.HCM, đi qua 20 tỉnh thành. Dự án được thiết kế tốc độ chạy tàu 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h, chỉ khai thác tàu khách, tổng mức đầu tư 58,7 tỷ USD. Giai đoạn 1 (2020-2032), đầu tư tuyến Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang, tổng vốn 24,7 tỷ USD; giai đoạn 2 (2032-2050), đầu tư kết nối đoạn Vinh - Nha Trang, tổng vốn 34 tỷ USD. Trong đó, ngân sách chiếm 80% tổng vốn, còn lại kêu gọi xã hội hóa. Dự án dự kiến lỗ trong khoảng 10-12 năm đầu khai thác.

Bộ GTVT chọn phương án trên sau khi đã phân tích 3 kịch bản, gồm: Nâng cấp đường sắt hiện hữu, nhưng vẫn duy trì đường đơn; Nâng cấp đường sắt hiện hữu thành đường đôi, khổ ra 1.435mm, khai thác kết hợp tàu khách và hàng; Đầu tư đường sắt mới chạy tàu khách và nâng cấp đường hiện hữu phục vụ tàu hàng.

Trong 3 kịch bản kể trên, Bộ GTVT đánh giá, kịch bản thứ nhất chỉ phục vụ nhu cầu trước mắt; kịch bản thứ 2 khó khai thác tàu tốc độ cao do kết hợp giữa tàu khách và hàng, trong khi chi phí giải phóng mặt bằng lớn vì qua nhiều đô thị đông dân cư. Do đó, Bộ GTVT nghiêng về kịch bản đầu tư đường sắt hoàn toàn mới chỉ chạy tàu khách và cải tạo đường hiện hữu cho tàu hàng (kịch bản 3); nhằm đáp ứng nhu cầu tương lai, phù hợp xu hướng phát triển của thế giới (tách tàu khách và tàu hàng).

Nhiều đối tác nước ngoài muốn hợp tác

Dù dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đang ở giai đoạn xem xét chủ trương, nhưng một số đối tác nước ngoài đã bày tỏ muốn được hợp tác đầu tư, khai thác dự án này với Việt Nam, như Tây Ban Nha, Nhật Bản, Pháp, Ngân hàng Thế giới (WB)… Chỉ từ tháng 12/2022 tới nay, lần lượt đại diện ngoại giao các nước, tổ chức trên đã làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT và bày tỏ sự quan tâm tới dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Trong đó, Tây Ban Nha hiện có hệ thống đường sắt tốc độ cao dài thứ 2 thế giới (chỉ sau Trung Quốc); Nhật Bản có hệ thống đường sắt cao tốc với công nghệ hàng đầu thế giới, đã hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu dự án suốt thời gian qua; Pháp đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện hữu cũng do Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm. Trong khi đó, đại diện WB cam kết phối hợp với Bộ GTVT cùng tìm kiếm đối tác quan tâm để trao đổi chi tiết hơn về dự án này.

Làm việc với các đối tác nước ngoài, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, phía Việt Nam luôn hoan nghênh, khuyến khích các nước hỗ trợ, chia sẻ với Việt Nam về kinh nghiệm đầu tư, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tại một trong các buổi làm việc trên, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được xác định là ưu tiên đầu tư theo quy hoạch, với tổng kinh phí khoảng 60 tỷ USD. Theo ông Huy, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã được Bộ GTVT trình Thủ tướng năm 2019, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đang thẩm định. Trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện báo cáo để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư. Sau đó, Bộ GTVT sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền phương án hợp tác với các quốc gia về thiết kế, công nghệ, thi công, quản lý khai thác...

60 tỷ USD ở đâu?

Sau khi thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ GTVT, đơn vị tư vấn thẩm tra độc lập đề xuất đầu tư theo phương án 2. Phương án này đảm bảo khai thác tối đa hạ tầng đầu tư, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, tư vấn đề xuất điều chỉnh tốc độ chạy tàu khách lên 225km/h, hướng tuyến tránh các khu dân cư…, tổng mức đầu tư khoảng 61,6 tỷ USD.

Mục tiêu đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để khai thác riêng tàu khách, hay kết hợp giữa tàu khách và tàu hàng tới nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trong khi Bộ GTVT đề xuất tuyến đường sắt mới theo định hướng đi thẳng lên hiện đại, cải tạo tuyến đường sắt cũ để chuyên chở hàng, Bộ KH&ĐT lại định hướng cân nhắc phù hợp với bối cảnh kinh tế - đất nước, tận dụng hạ tầng để khai thác kết hợp tàu khách và hàng.

GS.TS Bùi Xuân Phong, Chủ tịch Hội Kinh tế và Vận tải đường sắt Việt Nam, cho rằng đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cần nguồn vốn rất lớn, đòi hỏi nghiên cứu, tính toán kỹ kịch bản đầu tư là cần thiết. Tuy nhiên, dự án này cần thời gian xây dựng hàng chục năm, nên trước mắt cần thông qua chủ trương đầu tư, để làm cơ sở nghiên cứu khả thi, đưa ra bức tranh cụ thể hơn.

Về vốn đầu tư, ông Phong cho rằng, nếu nhìn vào tổng vốn đầu tư lên tới 60 tỷ USD có thể thấy lớn. Tuy nhiên, trong tổng vốn đó phần chi cho hạ tầng, thiết bị chỉ 46 tỷ USD, còn lại chi phí khác. Nếu thời gian thực hiện 25 năm, mỗi năm vốn bố trí cho dự án chưa tới 2 tỷ USD, nền kinh tế nước ta có thể trang trải được.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Khởi công đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2030

Bộ Chính trị đặt mục tiêu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi công các đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang giai đoạn 2026-2030.

TP.HCM đề xuất dự án đường sắt 9 tỷ USD có 12 km trên cao

TP.HCM đề xuất đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đoạn qua TP.HCM có 12 km đi trên cao và hơn 24 km là các đoạn đi trên mặt đất để hạn chế những ảnh hưởng “chia cắt” khu vực đô thị 2 bên.