Đền thờ 'thần visa' ở Ấn Độ

Viswanathan đứng ở trên đường, chắp hai tay cầu nguyện, mắt hướng về phía tượng thần Ganesh, để mong cuộc phỏng vấn xin visa Mỹ ngày mai thành công.

Trong tiết trời ẩm ướt buổi sáng tại thành phố Chennai, thủ phủ bang Tamil Nadu của Ấn Độ, Arjun Viswanathan đứng bên ngoài ngôi đền chỉ lớn bằng một chiếc tủ quần áo cỡ nhỏ, vừa đủ chỗ cho một thầy tu đứng thực hiện lễ puja dành cho vị thần đầu voi được tôn thờ trong đạo Hindu.

Viswanathan, một chuyên gia công nghệ thông tin, đứng vái vọng bên ngoài đền thờ cùng hơn 10 người khác, hầu hết đến đây với một mục đích: Cầu nguyện cho cho cuộc phỏng vấn xin visa của họ diễn ra suôn sẻ.

Viswanathan đến ngôi đền một ngày trước lịch phỏng vấn xin visa lao động tại Mỹ.

"Tôi từng đến đây cầu nguyện xin visa Anh cho anh trai 10 năm trước và xin visa Mỹ cho vợ tôi hai năm trước", anh nói. "Cả hai đều thành công, nên tôi rất tin vào sự linh thiêng của ngôi đền".

Đền thờ thần visa ở Ấn Độ

Ứng viên xin visa tụ tập để cầu nguyện tại đền Sri Lakshmi Visa Ganapathy ở Chennai, Ấn Độ, ngày 28/11. Ảnh: AP.

Đền Sri Lakshmi Visa Ganapathy thờ thần Ganesh nằm ở Chennai, một đô thị nhộn nhịp trên bờ biển Coromandel phía đông nam đất nước, nổi tiếng với những ngôi đền, nhà thờ cổ, âm nhạc, điêu khắc và văn hóa ẩm thực.

Nằm cách sân bay Chennai không xa, "ngôi đền thờ thần visa" này đã trở nên nổi tiếng với những người xin visa Mỹ trong thập kỷ qua, nhờ truyền miệng hoặc mạng xã hội.

Jyothi Bontha cho biết cuộc phỏng vấn xin visa tại Lãnh sự quán Mỹ ở Chennai đã diễn ra suôn sẻ sau khi đến thăm đền Ganesh, nên quay lại để cảm ơn. "Họ chỉ hỏi tôi vài câu. Tôi đã rất ngạc nhiên", cô nói.

Trong khi đó, Phani Veeranki, bạn của Bontha, đang lo lắng nắm chặt tập hồ sơ chứa đơn và tài liệu xin visa của mình. Cả hai đều là sinh viên khoa học máy tính ở bang lân cận, đang xin du học ở Ohio, Mỹ và biết đến ngôi đền qua mạng xã hội.

Veeranki tỏ nỗi lo lắng bởi còn rất nhiều việc phải làm trong cuộc phỏng vấn tới. "Tôi sẽ là người đầu tiên trong gia đình đến Mỹ. Tôi thực sự hy vọng mình sẽ được cấp visa", cô nói, đưa tập hồ sơ cho thầy tu của ngôi đền để đặt dưới chân tượng thần.

Đền thờ thần visa ở Ấn Độ - 1

Thầy tu trụ trì thực hiện lễ cúng cho các ứng viên xin visa tại đền, ngày 28/11. Ảnh: AP.

Mohanbabu Jagannathan và vợ Sangeetha là hai người điều hành ngôi đền.

Ông của Jagannathan đã xây dựng đền vào năm 1978, trước căn nhà của gia đình nằm trên một ngõ cụt, nơi được coi là khu vực xui xẻo theo một số quan niệm văn hóa châu Á.

Những ngõ cụt ở Chennai cũng thường dựng đền thờ thần đầu voi Ganesh có sức mạnh xua đuổi tà ác. Ban đầu chỉ có những người hàng xóm đến thăm đền.

"Nhưng trong vài năm qua, ngôi đền dần có danh tiếng khác thường", ông Jagannathan nói. "Rất nhiều người kháo nhau rằng họ xin visa thành công sau khi đến cầu nguyện ở đây".

Năm 2009, cha ông đã tu sửa và thêm từ "visa" vào tên của ngôi đền. Jagannathan nói những câu chuyện xin visa thành công cũng rất ấm áp. Đôi khi khách sẽ ghé nhà ông để cảm ơn gia đình đã mở cửa ngôi đền.

Vợ ông cũng chia sẻ nhiều câu chuyện cảm động. Bà cho biết một người đàn ông từng lặn lội từ thủ đô New Delhi cách hơn 2.100 km đến đền để cầu visa cho người cháu gặp lại sau 8 năm xa cách.

Nhưng cũng có lần một phụ nữ gọi cho bà trong nước mắt, nói rằng đơn xin visa đã bị từ chối. "Chắc chắn có những ước nguyện không thành", bà nói. "Chỉ thần Ganesh mới biết tại sao".

Đền thờ thần visa ở Ấn Độ - 2

Arjun Viswanathan (người đeo kính) dâng hoa tại đền Sri Lakshmi Visa Ganapathy, ngày 28/11. Ảnh: AP.

Padma Kannan đi cùng con gái là Monisha đang chuẩn bị học thạc sĩ tại Đại học Clark, Mỹ. Bà Kannan tin rằng con mình có được visa Mỹ là nhờ vị thần linh thiêng này.

"Tôi tìm thấy ngôi đền này trên Google", bà nói. "Tôi rất lo cho con nên quyết định đến đây cầu nguyện. Chúng tôi cầu nguyện cho mọi chuyện dễ dàng hơn với con cái. Khi chúng trải qua những trắc trở của cuộc sống, chúng sẽ bắt đầu tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện".

Chuyên gia công nghệ thông tin Viswathan cho biết anh không phải người "thường tin vào những chuyện như vậy". Khi anh trai nhận được visa cách đây 10 năm, Viswathan đã cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Anh chỉ bắt đầu tin vào sự linh thiêng của ngôi đền sau khi vợ mình được cấp visa Mỹ.

Cuộc phỏng vấn của Viswathan một ngày sau khi thăm đền đã diễn ra suôn sẻ. Anh được cấp visa và dự kiến đến New Hampshire trong vài tháng tới.

"Tất cả là đức tin", anh nói. "Nếu bạn thực tâm tin, nó sẽ xảy ra".

Đức Trung (Theo AP)