Dành 30.000 tỷ đồng chống dịch

Ngân sách nhà nước đã chi gần 30.500 tỷ đồng, trong đó các đơn vị trung ương dùng 25.300 tỷ, cấp cho địa phương 5.200 tỷ.

Sáng 17/10, báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 (Ban chỉ đạo), tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương, nêu Bộ Y tế được cấp gần 21.200 tỷ đồng, trong đó mua và sử dụng vaccine 15.500 tỷ đồng; kinh phí còn lại dành cho khám, chữa bệnh, trung tâm hồi sức cấp cứu... Bộ Công an 1.400 tỷ đồng; Quốc phòng 2.700 tỷ.

Số tiền gần 5.200 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương có dịch bệnh phức tạp gồm: TP HCM 2.000 tỷ đồng; Đồng Nai và Bình Dương 500 tỷ; Hải Dương 270 tỷ...

Ngoài ra, các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước và tổ chức, chính phủ các nước đã hỗ trợ Việt Nam hàng nghìn máy thở, hệ thống oxy, tủ lạnh âm sâu, khẩu trang, kit xét nghiệm... Các đơn vị điều động lượt 300.000 người gồm y tế, quân đội, công an hỗ trợ TP HCM, Hà Nội và các nơi khác chống dịch.

Chính phủ cấp 137.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 31 tỉnh, thành để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh.

Người dân Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 tại cung Hữu Nghị, tháng 9/2021. Ảnh: Ngọc Thành

Người dân Hà Nội tiêm vaccine Covid-19 tại Cung Hữu Nghị, tháng 9/2021. Ảnh: Ngọc Thành

Ban chỉ đạo đánh giá, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam trải qua bốn đợt dịch, với "quy mô, địa bàn và mức độ lây lan mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn". Đến nay, cả nước ghi nhận tổng số 860.000 ca nhiễm Covid-19; riêng đợt dịch thứ 4 ghi nhận 858.000 ca và 21.000 người tử vong. Tỷ lệ tử vong trên tổng số ca nhiễm là 2,4%, đứng thứ 58/223 trên thế giới.

"Dịch bệnh tăng nhanh trong khoảng thời gian ngắn gây quá tải hệ thống y tế, làm tăng các ca tử vong, nhất là tại TP HCM và một số tỉnh, thành phía Nam", báo cáo nêu và cho rằng, so với các nước trong khu vực, Việt Nam có dân số đông, mật độ dân cư cao, thiếu vaccine, nên việc chống dịch "hết sức khó khăn".

Đến nay, dịch bệnh "cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc". TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An số ca nhiễm mới và tử vong "đã giảm rõ rệt, tuy nhiên vẫn ở mức cao". Nhưng một số nơi vẫn có F0 không rõ nguồn lây, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, lây lan trên diện rộng.

Đến hết ngày 16/10, Việt Nam đã tiêm hơn 61 triệu liều; 60% dân số trưởng thành (trên 18 tuổi) đã được tiêm ít nhất một liều; 25% dân số tiêm đủ liều.

"Dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm vaccine của Việt Nam nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới, do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất lịch sử", báo cáo của Ban chỉ đạo nêu.

Viết Tuân