Con một có sợ thua thiệt bạn bè không?

(Dân trí) - "Tôi chỉ có một cậu con trai nhỏ. Bạn bè của tôi đều có nhiều con và tôi luôn lo con thua thiệt so với bạn bè ", bà mẹ chia sẻ.

Một bà mẹ tâm sự: "Tôi có một đứa con trai năm nay sáu tuổi. Câu hỏi của tôi liên quan đến việc cậu bé là con một.

Hầu hết bạn bè và họ hàng của tôi đều có nhiều con và tôi lo lắng về việc con tôi có thể cảm thấy khác biệt vì là con một.

Những ưu và nhược điểm đối với con một là gì? Chúng có bị thua thiệt vì là con một không? Làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo rằng con không cảm thấy khác biệt và con sẽ lớn lên hạnh phúc?".

Con một có sợ thua thiệt bạn bè không? - 1

Nuôi dạy con là hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn của cha mẹ (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Tiến sĩ John Sharry, cây bút chuyên về vấn đề gia đình của tờ Irish Times, chia sẻ: "Có rất nhiều lầm tưởng xung quanh việc nuôi dạy con một, chẳng hạn như nhiều người cho rằng con một có nhiều khả năng bị hư hỏng, hoặc lớn lên cô đơn, có ít kỹ năng xã hội hơn những đứa trẻ khác.

Tuy nhiên, tất cả các nghiên cứu so sánh trẻ là con một với trẻ có anh chị em đều cho thấy không có sự khác biệt nào. Thậm chí nhiều đứa trẻ là con một có thể thể hiện những khả năng lãnh đạo đặc biệt và có thành tích cao trong học tập.

Thông thường, vấn đề chính mà cha mẹ của những đứa con một phải giải quyết chính là cách nhìn nhận của người khác. Nhiều người sẽ nói với những bậc cha mẹ có con một những câu như: "Bạn có lo lắng rằng con sẽ cô đơn không?" hoặc: "May mắn cho con bạn khi không phải đối mặt với sự ganh đua của anh chị em".

Những nhận xét như vậy có thể khiến các bậc cha mẹ có một con cảm thấy khó chịu, bị thách thức và lo lắng. Nuôi dạy con một không tốt hơn hay tệ hơn nuôi dạy "một đàn con". Nó chỉ đơn giản là có chút khác biệt. Thật ra nuôi dạy bao nhiêu đứa con cũng có những vấn đề riêng nó.

Cha mẹ của những đứa con duy nhất có thể phải đối mặt với những thách thức như: Việc nuôi dạy chỉ một đứa con trở thành một vấn đề căng thẳng hơn vì trong khi ở những gia đình khác, trẻ em chơi và học hỏi nhiều điều từ anh chị em thì với con một, cha mẹ trở thành bạn chơi và giáo viên chính của đứa trẻ.

Chỉ tập trung nuôi dạy một đứa con có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho đứa trẻ nhưng cũng có thể khiến cha mẹ kiệt sức. Ngoài ra, con bạn có thể bỏ lỡ cơ hội chơi với những đứa trẻ khác và học thêm các kỹ năng xã hội từ bạn bè.

Hơn nữa, nếu tất cả hy vọng và ước mơ của bạn dồn hết vào một đứa trẻ, thì điều này có thể là gánh nặng đối với con, tạo ra áp lực buộc con phải hành xử theo một cách nhất định để phù hợp với kỳ vọng của cha mẹ chúng.

Ngoài ra, cha mẹ của những đứa con một rất dễ bảo vệ con quá mức hoặc quá nuông chiều, làm nhiều việc thay cho con cái. Nhiều bậc cha mẹ có con một có xu hướng tham gia quá mức vào cuộc sống của con, gặp khó khăn trong việc trao quyền cho con và buông bỏ.

Tất nhiên, có rất nhiều giải pháp đơn giản để giải quyết những thách thức khi nuôi dạy con một, chẳng hạn như đảm bảo rằng con bạn có nhiều cơ hội để dành thời gian chơi và tương tác với những đứa trẻ khác.

Hãy khuyến khích con trai của bạn kết bạn thông qua các buổi vui chơi, theo đuổi các môn thể thao, tham gia các hoạt động nhóm cũng như mời bạn bè đi cùng trong các chuyến du lịch và kỳ nghỉ của gia đình.

Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng con bạn dành thời gian chơi cùng những đứa trẻ lớn hơn và nhỏ hơn để cậu bé học cách hòa đồng với trẻ em ở mọi lứa tuổi.

Bạn có thể làm điều này bằng cách giúp con phát triển mối quan hệ chặt chẽ với anh em họ hàng hoặc gia đình của bạn bè.

Mở rộng mối quan hệ gia đình của bạn là rất quan trọng về lâu dài đối với con trai bạn. Khi con bạn trưởng thành, con sẽ có nhiều mối quan hệ tốt được xây dựng từ lâu và những người đáng tin cậy mà con có thể dựa vào.

Bên cạnh đó, bạn nên khuyến khích con chịu trách nhiệm về mình. Ngoài thời gian chơi cùng cha mẹ, bạn nên cho con những khoảng thời gian mà con chơi một mình một cách sáng tạo cũng như có thời gian chơi với những đứa trẻ khác.

Hãy cho con học cách tự làm mọi việc và tránh cho con quá nhiều đặc quyền trong gia đình. Hãy nhớ rằng điều này không chỉ dạy con tính độc lập mà còn có khả năng nâng cao lòng tự trọng và sự tự tin của con.

Hãy cảnh giác với việc đầu tư quá nhiều hy vọng và sức lực vào con trai mình. Điều quan trọng là bạn phải đạt được sự cân bằng giữa việc chăm sóc con và không đặt quá nhiều áp lực lên con của mình.

Bạn có thể trao đổi, chia sẻ thêm với các bậc cha mẹ khác cũng có con một và thảo luận với họ về những lo lắng của bạn. Những sự trao đổi như vậy sẽ rất hữu ích.

Về cơ bản, khi làm cha mẹ, hãy tận hưởng niềm vui của việc nuôi dạy con cái, thấu hiểu con một cách thực sự. Khi bạn bớt căng thẳng trong việc nuôi dạy con cái, bạn sẽ cảm thấy thoải mái và hạnh phúc hơn nhiều.