Cơ hội của 'thời trang chậm'

Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến những thay đổi quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang toàn cầu, thúc đẩy sự phát triển của các phương thức bền vững hơn.

Bên cạnh tác động sâu sắc đến mỗi cá nhân và đời sống kinh tế, xã hội, chính trị trên toàn cầu, dịch Covid-19 còn bộc lộ những điểm bất cập trong ngành công nghiệp thời trang, đặc biệt là thời trang nhanh.

Giờ đây, khi vòng xoáy sản xuất và tiêu thụ quá mức có khoảng đứt gãy, chúng ta có cơ hội gây dựng một văn hóa thời trang "chậm" hơn, đề cao sự thoải mái, chất lượng và môi trường.

"Thời trang nhanh" bộc lộ nhiều khuyết điểm

Theo tổ chức SustainableFashion.Earth, các loại vải tổng hợp được sử dụng trong 72% số quần áo của chúng ta cần đến 200 năm để phân hủy. Ngay cả các chất liệu tự nhiên như vải bông cũng gây tổn hại cho môi trường, khi đòi hỏi lượng nước và thuốc trừ sâu lớn. Bên cạnh đó, tờ Europarl cho biết ngành công nghiệp thời trang thải ra lượng khí nhà kính chiếm 10% toàn cầu khi sản xuất và vận chuyển hàng triệu món đồ mỗi năm.

Ngoài ra, yếu tố giá rẻ và hợp thời, cùng các đợt khuyến mãi hấp dẫn khiến người tiêu dùng không ngại vung tay mua sắm. Nhưng phần lớn số sản phẩm đó cũng kết thúc vòng đời khi chỉ được sử dụng đôi lần.

Các nhà bán lẻ thời trang nhanh tìm mọi cách khiến người tiêu dùng tưởng rằng “càng nhiều càng tốt”, từ đó tạo ra vấn đề trong cách tiêu thụ. Tuy nhiên, trong đại dịch Covid-19, toàn bộ ngành công nghiệp này đã chững lại: Chuỗi bán lẻ phải đóng cửa, lượng mua sắm trực tuyến tăng cao thúc đẩy nhu cầu số hóa. Bên cạnh đó, nhiều người lao động phải làm việc ở nhà, sinh hoạt cộng đồng bị hạn chế, kèm theo những bất ổn về tài chính khiến doanh số quần áo giảm mạnh.

Hoạt động sản xuất dừng lại, chuỗi cung ứng đứt gãy. Cùng lúc, ngày càng nhiều người tiêu dùng lên tiếng bày tỏ lo ngại về tác động của ngành lên môi trường.

Du lich Singapore anh 1

Nhiều người tiêu dùng chuyển sang chọn lọc sản phẩm chất lượng, thay vì mua sắm theo cảm tính. Ảnh: Shutterstock.

Thực tế trên thúc đẩy các nhà bán lẻ thời trang tập trung vào yếu tố "xanh", tìm ra những giải pháp bền vững hơn cho sản phẩm của mình. Trong đó, "thời trang chậm" trở thành khái niệm ngày càng được quan tâm nhiều hơn.

Gin Lee - nhà đồng sáng lập thương hiệu Ginlee Studio tại Singapore - khẳng định: "Đại dịch Covid-19 giúp chúng ta hướng đến sự bền vững nhanh chóng hơn, bằng cách giải quyết vấn đề sản xuất dư thừa. Trong thời gian này, chúng tôi nhận ra sự quan trọng của việc giảm thiểu rác thải và tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá, nhất là khi thời trang vẫn mang tiếng xấu là sản xuất quá mức và rồi giảm giá sâu cuối mùa để xả kho, từ đó thúc đẩy hành vi mua sắm cảm tính".

"Thời trang chậm" - giải pháp lâu dài và bền vững

Thời trang chậm là cách thức thay thế, với đặc trưng là sự quan tâm và bình tĩnh, trái ngược với sự vội vã, gây nhiều tổn hại của thời trang nhanh. Các sản phẩm được tạo ra khi đã cân nhắc mọi yếu tố của chuỗi cung ứng, với mục tiêu tôn trọng con người, môi trường và động vật. Điều này cũng đồng nghĩa với việc dành nhiều thời gian hơn cho quá trình thiết kế, đảm bảo mỗi sản phẩm xuất xưởng đều đạt chất lượng cao, có thể sử dụng lâu dài và "tuần hoàn".

Xu hướng này được nhiều hãng thời trang, đặc biệt là các nhãn hàng với những nhà thiết kế trẻ tuổi, lựa chọn, mang đến nhiều giải pháp sáng tạo. Tại Singapore - quốc gia đang hướng đến tính bền vững trong nhiều lĩnh vực - thời trang “chậm” đang được nhiều thương hiệu áp dụng.

Du lich Singapore anh 2

Tập trung vào chất lượng và phát triển bền vững được nhiều nhãn hàng lựa chọn. Ảnh: Ginlee Studio.

Là thương hiệu được yêu thích ở đảo quốc sư tử, Ginlee Studio chọn áp dụng hình thức GOOD - "Get Order On Demand" (tạm dịch: Đặt mua theo nhu cầu). Chương trình này khuyến khích khách hàng suy nghĩ kỹ hơn khi đưa ra lựa chọn mua sắm, bằng cách đặt trước và chờ 3-5 tuần để nhận sản phẩm hoàn thiện và nhận được “phần thưởng” là ưu đãi giảm giá 15%.

Nhãn hiệu này còn mang đến sáng kiến MAKE, cho phép khách hàng chọn trước kiểu dáng và màu sắc cho phụ kiện, sau đó tận mắt theo dõi công đoạn xếp ly, hấp sản phẩm ở cửa hàng đặt tại Great World City.

Nhà đồng sáng lập Gin Lee cho biết cả GOOD và MAKE không chỉ đem lại lợi ích cho khách hàng, mà những giải pháp sáng tạo này còn cho phép thương hiệu sản xuất theo lượng cầu, từ đó giảm thiểu tối đa sản phẩm bị bỏ đi.

Ginlee Studio tự hào vì tạo ra những trang phục đẹp, được thiết kế để tối ưu chất liệu và sẽ được sử dụng lâu dài trong tủ đồ của chủ nhân. Đó là những tác phẩm nghệ thuật kết hợp yếu tố thẩm mỹ bên ngoài và kiểu dáng hữu dụng, đem đến sản phẩm vừa sắc sảo, phong cách, vừa thoải mái, linh hoạt.

NTK Gin Lee chia sẻ: "Chúng tôi kỳ vọng thời trang chậm sẽ trở nên phổ biến với nhiều người sử dụng, chứ không phải chỉ là một làn sóng thoáng qua".

Có thể nói, từ những thay đổi nhỏ trên nhiều mặt, thời trang "chậm" và bền vững hơn sẽ có cơ hội nổi lên và phát triển mạnh mẽ, góp phần đem lại thêm lựa chọn cho những người dùng thông thái, quan tâm đến tương lai.