Chủ tịch TP.HCM: Nếu không điều chỉnh giá đất, năm sau sẽ sốc

"Việc này phải làm từng bước tiệm cận giá thị trường, nếu không thực hiện năm nay thì mất một năm, năm sau điều chỉnh nhanh hơn sẽ gây sốc", Chủ tịch Phan Văn Mãi nói.
Phan Van Mai anh 1

Chiều 8/12, kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X bước vào phiên chất vấn.

Trình bày về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội năm 2022 và những vấn đề thành phố trình HĐND xem xét trong kỳ họp này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết UBND thành phố đã kiến nghị HĐND cho tăng hệ số điều chỉnh giá đất năm tới lên một đơn vị so với năm 2022, tương ứng hệ số 2,5-3,5 lần so với bảng giá đất Nhà nước.

"Việc này phải làm từng bước tiệm cận giá thị trường, nếu không thực hiện năm nay thì mất thêm một năm, năm sau điều chỉnh nhanh hơn sẽ gây sốc", ông Mãi nói.

Triển khai 18 dự án nhà ở xã hội

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng nêu vấn đề năm 2023, TP.HCM dự kiến cần 71.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, nhưng Trung ương phân bổ 55.000 tỷ đồng từ nay đến năm sau. Để đạt tỷ lệ giải ngân trên 95%, TP.HCM cần chuẩn bị những giải pháp gì?

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM được phân bổ hạng mức đầu tư công khá lớn. Do đó, trước khi bàn về giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, TP cần làm rõ vấn đề huy động nguồn vốn.

Ông Mãi cho hay sau khi TP.HCM được Trung ương giao 55.000 tỷ đồng, TP đã rà soát, cân đối được 45.000 tỷ đồng, còn 10.000 tỷ đồng có thể được dùng vào nguồn rà soát đấu giá nhà đất. Riêng kế hoạch đấu giá đất Thủ Thiêm cũng đang được khởi động lại, Sở Tài Nguyên và Môi trường được giao rà soát, phối hợp các sở, ban, ngành hoàn chỉnh kế hoạch.

"Tuy nhiên, tình hình bất động sản vẫn còn khó khăn nên thành phố cần cân nhắc, vì nếu không khéo có thể bán rẻ tài sản trong lúc khó khăn", ông Phan Văn Mãi nói.

Lý giải nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Mãi cho biết do khâu chuẩn bị hồ sơ dự án, nhất là dự án chuyển tiếp từ nhiệm kỳ trước, việc hoàn chỉnh hồ sơ mất thời gian. Từ nay đến hết quý I năm 2023, thành phố tập trung hoàn thiện hồ sơ để có sự điều chỉnh phù hợp, trình vào năm tới.

Phan Van Mai anh 2

Đại biểu Tăng Hữu Phong. Ảnh: Thanh Thư.

Đại biểu Tăng Hữu Phong chất vấn Chủ tịch TP.HCM về chương trình nhà ở xã hội. Ông đề nghị ông Mãi thông tin cụ thể hơn về việc sẽ triển khai chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 thế nào, có đạt được mục tiêu một triệu căn nhà ở xã hội, giai đoạn 2021-2025 xây dựng được 35.000 căn hay không.

Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết để triển khai kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đến năm 2025 và chương trình nhà ở đến năm 2030, hiện tại Sở Xây dựng và các sở, ngành tham mưu UBND TP.HCM tập trung triển khai 18 dự án.

Cụ thể, TP đang rà soát hoàn thiện lại đề án nhà ở 2 nhà trên gian kênh rạch, 2 nhà chung cư cũ, phát triển nhà lưu trú công nhân, trong đó có nhà ở xã hội và nhà cho thuê (dành cho cán bộ, công chức, viên chức của thành phố), trên cơ sở kết hợp với các dự án cải tạo chung cư cũ hiện có ở các địa phương.

"Thành phố kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp đã nêu ra, trong đó tập trung xây dựng đề án. Đề án này được Sở Xây dựng và UBND đăng ký là một trong những nội dung thi đua chào mừng 50 năm thống nhất đất nước. Chúng tôi cam kết thực hiện đúng mục tiêu", ông Mãi nói.

Chậm hỗ trợ người dân sau dịch

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú chia sẻ TP.HCM đã dần hồi phục sau dịch. Tuy nhiên, đến nay, một phần kinh phí hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn bị chậm. Đại biểu Tú đề nghị Chủ tịch TP.HCM chia sẻ khó khăn gì khi thực hiện các gói hỗ trợ này.

Ông Phan Văn Mãi cho biết thành phố đã kết thúc dịch hơn một năm, các gói hỗ trợ sau dịch có 3 nội dung: Một là chính sách cho cán bộ tham gia phòng chống dịch; hai là phần phát sinh; ba là phần quyết toán của gói thứ 2.

Lý giải việc chậm thực hiện, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết gói hỗ trợ thứ 2 được TP.HCM thực hiện trong bối cảnh khẩn trương, các thủ tục chưa được hoàn thiện chặt chẽ. Tuy nhiên, điều kiện chi gói hỗ trợ khẩn cấp, HĐND TP.HCM, cơ quan chức năng sau khi xem xét đã cho phép thành phố bổ sung thủ tục báo cáo từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi vào năm sau.

Ông Mãi cho hay hiện nay, tổng số tiền hỗ trợ được duyệt theo danh sách nhưng chưa được chi là 949 tỷ đồng. "Chúng tôi đã đề nghị các địa phương rà soát lại danh sách và chi trả sớm để bà con có điều kiện. Dù công tác thực hiện có chậm trễ, TP vẫn nỗ lực để đảm bảo thống nhất đồng bộ", ông Mãi nói.

Những cuốn sách hay về miền Nam

Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.

Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.

Giám đốc Sở Công Thương lý giải tình trạng thiếu xăng ở TP.HCM vừa qua

Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết 37 cửa hàng bán lẻ xăng dầu vừa qua không nhập được hàng phải tạm ngưng. Hiện, tình hình kinh doanh xăng dầu ở thành phố đã được cải thiện.