Cần quản lý tiền ảo, siết giao dịch đáng ngờ để chống rửa tiền

(PLO)- Để phòng chống rửa tiền trong bối cảnh hiện nay cần có biện pháp quản lý tài sản ảo và nguồn tiền không qua ngân hàng.

Chiều 7-9, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Lợi dụng tài sản ảo để rửa tiền

Nêu ý kiến, ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) lưu ý về các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng và nhận xét quy định tại dự thảo luật là “rất khó khăn, mơ hồ”.

“Nhiều trường hợp xảy ra vụ việc nghiêm trọng, các cơ quan chức năng mới xử lý mà chưa kịp thời phát hiện khi loại tội phạm này mới hình thành” - ông Phước nhận xét việc xác định nguồn gốc tài sản rất khó khăn. Dự thảo cần quy định cụ thể hơn, tránh hình thức.

Cần quản lý tiền ảo, siết giao dịch đáng ngờ để chống rửa tiền  ảnh 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (trái) và đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn

Trong phát biểu của mình, ĐB tỉnh Quảng Nam cũng đề cập đến vấn đề tiền ảo - lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn. Theo ĐB, dù Nhà nước chưa công nhận nhưng Việt Nam đang là một trong 10 nước có tỉ lệ người đầu tư tiền ảo nhiều nhất thế giới.

“Tiền ảo, với lợi thế dễ dàng giao dịch trên phạm vi toàn cầu, đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền, tài trợ khủng bố. Tội phạm có thể dễ dàng chuyển đổi tiền bẩn thành tiền sạch thông qua mô hình bất hợp pháp, chuyển thành các khoản tài trợ khủng bố thông qua mua bán, trao đổi tiền ảo ở các quốc gia khác nhau” - ông Phước nhấn mạnh.

ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ rõ gần đây có nhiều đường dây đánh bạc rửa tiền quy mô lớn sử dụng tiền ảo, trong khi “tiền ảo, tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng chống rửa tiền chưa quy định”.

Từ phân tích trên, ông Phước đề xuất bổ sung quy định về tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật nhằm bảo đảm an ninh tài chính, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố.

Xác định nguồn tiền mua bất động sản

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Minh Đức (Đoàn TP.HCM) nhận xét dự luật chỉ đạt ở góc độ kiểm soát được hành vi rửa tiền của dòng tiền qua ngân hàng, còn các dòng tiền không qua kênh này thì khó kiểm soát. Theo ĐB, thực tế vẫn tồn tại giao dịch bằng tiền mặt, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó chưa rõ căn cứ, công cụ và hành lang pháp lý để cơ quan quản lý ngăn chặn hành vi rửa tiền, kể cả rửa tiền từ bên ngoài vào và từ trong nước ra nước ngoài.

Nói thêm về các giao dịch đáng ngờ trong bất động sản, ĐB Đoàn TP.HCM đề nghị các cơ quan soạn thảo phối hợp với các bộ liên quan làm rõ. Theo ông Đức, có thể sẽ có những hành vi rửa tiền qua chứng khoán rồi rút tiền ra mua bất động sản nên cần xác định nguồn tiền dành mua bất động sản này.

“Thực tế có hiện tượng người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam, nếu họ không giao dịch qua ngân hàng mà qua kênh khác thì phòng chống rửa tiền thế nào?” - ông Đức nói và cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn để chống rửa tiền từ các giao dịch dạng này.

Giải trình sau đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho hay dự thảo ban đầu có quy định về tài sản ảo. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về cơ quan quản lý cấp phép tài sản ảo. Vì vậy, các cơ quan đã kiến nghị Chính phủ trình QH phương án giao Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết, cụ thể nội dung này.

Về giao dịch đáng ngờ, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước đã tiếp thu, chỉnh sửa và tiếp tục hoàn thiện quy định.

Luật Phòng, chống rửa tiền dự kiến được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư diễn ra vào tháng 10 tới.

Xem xét vai trò của Ban Thanh tra nhân dân

Cùng ngày, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về dự luật thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay dự thảo luật mở rộng việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở tất cả loại hình cơ sở, không chỉ giới hạn ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Đến từ Điện Biên, ĐB Lò Thị Luyến cho hay cử tri tỉnh này đề nghị không quy định việc lập Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo ĐB, cán bộ, công chức, viên chức được hội nghị cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan bầu tham gia Ban Thanh tra nhân dân là những người đang thi hành nhiệm vụ do thủ trưởng cơ quan giao, chịu sự quản lý của thủ trưởng. Vì thế “sinh mệnh chính trị” của họ đang nằm trong tay của thủ trưởng cơ quan.

“Khi tham gia trong Ban Thanh tra nhân dân này, cán bộ, công chức, viên chức không giám sát được, có phát hiện thì cũng không dám nói” - bà Luyến nói.

ĐB tỉnh Điện Biên cho rằng dự thảo luật bổ sung nhiệm vụ kiểm tra đối với Ban Thanh tra nhân dân, trong khi chỉ riêng nhiệm vụ giám sát lâu nay đã không thực hiện được. Nếu thêm cả nhiệm vụ kiểm tra lại càng không làm được.

“Thực tế các vụ án tham ô, tham nhũng, những hành vi chuyên quyền, lợi dụng… đều không phải là do Ban Thanh tra ở đơn vị phát hiện và cảnh báo” - bà Luyến nói thêm.

Nêu thực tế ở Điện Biên, bà Luyến cho hay có những đơn vị không thành lập hoặc thành lập ra ban này chỉ để cho đủ theo quy định và chủ yếu để “đối phó” với kế hoạch kiểm tra của công đoàn cơ sở cấp trên, các cơ quan chức năng.

Từ đó, ĐB đề nghị Ủy ban Pháp luật có thể tiếp tục khảo sát ở một số địa phương về việc cần thiết có thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập hay không.