Căn bệnh nhiều bệnh nhân muốn chữa nhưng bác sĩ 'đau lòng' từ chối

Vụ lừa dối chấn động của Hạ nghị sĩ Mỹ George Santos là điểm tới hạn để các nhà nghiên cứu nâng cao nhận thức về nói dối bệnh lý như là một chứng rối loạn tâm thần.
noi doi nhieu tam than anh 1

Ông Santos vận động tranh cử trước ngày bầu cử. Ảnh: New York Times.

Khi Timothy Levine bắt đầu viết một cuốn sách về nói dối vào năm 2016, ông muốn dành một chương để viết về hình thái cực đoan nhất của hành vi này: nói dối bệnh lý.

Ông Levine, Giám đốc Khoa Nghiên cứu Truyền thông tại Đại học Alabama ở Birmingham, cho biết: “Khi đó, tôi đã không thể tìm thấy bất kỳ nghiên cứu nào làm cơ sở cho vấn đề này”.

Còn bây giờ, đây có vẻ là chủ đề duy nhất mà mọi người muốn nói chuyện với ông.

"Chỉ trong vài tuần, ông Santos đã mang nhiều phóng viên đến chỗ tôi hơn cả năm vừa qua”, ông Levine nói với CNN.

Kẻ nói dối tệ hại

Hạ nghị sĩ Mỹ George Santos, một đảng viên Cộng hòa từ Long Island, gần đây đã được bầu làm đại diện khu vực bầu cử số 3 của New York.

Tuy nhiên, kể từ hồi tháng 12/2022, tiểu sử của ông Santos đã bị đặt trong nghi vấn. Ông tuyên bố trong bản sơ yếu lý lịch rằng mình tốt nghiệp một trường đại học ở New York, làm cho Citigroup và Goldman Sachs, thành lập một tổ chức cứu hộ động vật, có nguồn gốc Do Thái…

Khi các phóng viên điều tra chỉ ra những chi tiết không thể xác thực trong bản lý lịch của ông, ông Santos nói rằng điều này là do ông lựa chọn từ ngữ kém, nhưng bản thân ông không phải là tội phạm hay kẻ lừa đảo.

noi doi nhieu tam than anh 2

Trước sức ép chỉ trích, ngày 20/2, nghị sĩ đảng Cộng hòa George Santos thừa nhận mình là "kẻ nói dối tệ hại". Ảnh: AP.

Tuy nhiên, đến tháng 2, ông Santos đã phải thừa nhận “mình là một kẻ nói dối tệ hại”.

Hóa ra, ông không có bằng đại học; không làm cho Citigroup hay Goldman Sachs; Sở Thuế vụ không tìm thấy hồ sơ về tổ chức từ thiện của ông. Ông cũng không phải là người Do Thái, mà chỉ “có liên quan đến Do Thái”, ông cho biết.

Christian Hart, nhà tâm lý học, trưởng phòng thí nghiệm hành vi lừa dối tại Đại học Phụ nữ Texas, nêu rõ: “Thật hiếm khi thấy một nhân vật của công chúng lại thường xuyên nói dối theo những cách có thể kiểm chứng được như vậy”.

Chưa được hiểu đúng mức độ nguy hiểm dù nhiều bệnh nhân cầu cứu

Không rõ động cơ nào đã khiến ông Santos nói dối về lý lịch của mình.

Nhưng câu chuyện của ông đã mang đến cho các chuyên gia nghiên cứu về nói dối bệnh lý một khoảnh khắc hiếm hoi để nâng cao nhận thức về nói dối như là một chứng rối loạn tâm thần. Điều này trong nhiều năm đã bị các bác sĩ và nhà trị liệu bỏ quên.

Các bác sĩ tâm thần đã công nhận nói dối bệnh lý là một chứng bệnh tâm thần từ cuối những năm 1800, tuy nhiên các chuyên gia cho biết nó chưa bao giờ được quan tâm nghiêm túc, tài trợ hay nghiên cứu thực sự.

Nói dối bệnh lý không có chẩn đoán riêng trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần - cuốn kinh thánh của ngành tâm thần học. Thay vào đó, nó được công nhận như một đặc điểm của các chẩn đoán khác, chẳng hạn như rối loạn nhân cách.

Kết quả là không có cơ sở để điều trị nói dối bệnh lý, mặc dù nhiều bệnh nhân nói rằng họ muốn được giúp đỡ.

Ông Drew Curtis, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Angelo, nghiên cứu về nói dối bệnh lý. Có những người sẵn sàng lái xe xuyên nước Mỹ để đến gặp ông điều trị, nhưng ông nói rằng mình không thể giúp họ. “Đó là điều đau lòng nhất đối với tôi”, ông nói.

Biểu hiện của nói dối bệnh lý

Theo ông Levine, hầu hết mọi người thỉnh thoảng đều nói dối, thậm chí là hàng ngày. Trong các nghiên cứu của ông, trung bình con người nói dối tới 2 lần/ngày.

Đây là điều bình thường, ông nói. Ông tin rằng sự trung thực là phương thức giao tiếp mặc định của chúng ta đơn giản vì mọi người phải trung thực với nhau để làm việc hiệu quả trong các nhóm lớn, điều mà con người làm rất tốt trong vương quốc động vật.

Nhưng nói ra sự thật không phải là điều dễ dàng đối với tất cả con người.

noi doi nhieu tam than anh 3

Trong nhiều năm, nói dối bệnh lý không được quan tâm và nghiên cứu nghiêm túc. Ảnh: New York Times.

Trong các nghiên cứu của mình, Hart và Curtis phát hiện ra rằng trung bình hầu hết mọi người nói dối một lần mỗi ngày. Tuy nhiên, cũng có những người nói dối rất nhiều: trung bình khoảng 10 lời nói dối mỗi ngày.

Khi một người bắt đầu nói dối nhiều đến mức họ không thể dừng lại hoặc điều đó bắt đầu làm tổn thương họ hoặc những người xung quanh, đó là lúc hành vi đó trở nên bất thường và có thể cần được điều trị.

Làm nghề nào thì dễ nói dối?

Về việc liệu một số ngành nghề có khiến người ta nói dối nhiều hơn hay không, ông Hart nói rằng đây là một câu hỏi phức tạp.

Không phải những người nói dối nhiều có xu hướng bị thu hút bởi một số công việc nhất định. Thay vào đó, một số công việc nhất định - chẳng hạn như bán hàng - có thể khuyến khích khả năng nói dối trôi chảy. Vì vậy, những nghề này có khả năng tập trung nhiều người nói dối hơn mức trung bình.

“Bằng chứng cho chúng tôi thấy rằng các nhà chính trị gia, về bản chất thì không thiếu trung thực hơn người bình thường. Tuy nhiên, khi đã tham gia vào chính trường, các chính trị gia thành công nhất là những người sẵn sàng bẻ cong sự thật hơn, và do đó, có khả năng được bầu lại cao hơn", ông Hart nói.

Trong trường hợp của ông George Santos, thay vì đau khổ vì những lời chỉ trích và chế giễu sau khi ông thú nhận sự bịa đặt trong bản lý lịch, Santos giờ đây đang hoạt động một cách vui vẻ tại quốc hội. Ông từ chối tất cả lời kêu gọi từ chức.

Lee McIntyre, tác giả của cuốn sách “Hậu sự thật” cho biết: “Trước đây, khi một chính trị gia nói dối và bị bắt quả tang, họ cảm thấy xấu hổ - hoặc phải chịu trách nhiệm giải trình nào đó”.

“Nhưng những gì tôi thấy trong thời kỳ hậu sự thật không chỉ là mọi người đang nói dối nhiều hơn, mà là họ đang nói dối với mục đích chính trị. Và điều đáng sợ nhất là họ không phải chịu trách nhiệm”, ông nói.

Tiểu sử đầy lỗ hổng của người hùng đảng Cộng hòa

Cuộc điều tra của tờ New York Times cho thấy tiểu sử của ông George Santos - người giúp đảng Cộng hòa giành được đa số ghế trong Hạ viện Mỹ - nên được đặt nghi vấn.

Nhà báo Iraq 'không hối hận' khi ném giày vào ông Bush

Nhà báo Iraq Muntazer al-Zaidi, người nổi tiếng vì ném giày vào Tổng thống Mỹ George W. Bush trong một cuộc họp báo năm 2008 tới nay vẫn chưa hết tức giận.

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.