Các yếu tố có thể định đoạt trận Pháp - Argentina

Khả năng bùng nổ của hàng công Pháp và cách hàng thủ Argentina chống bóng bổng là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến trận chung kết World Cup 2022 hôm nay.

* Argentina - Pháp: 22h hôm nay 18/12, trên VnExpress.

Hai bộ mặt của hàng công Pháp

Bộ tứ tấn công của Pháp gồm Kylian Mbappe, Olivier Giroud, Ousmane Dembele và Antoine Griezmann đã thay nhau tỏa sáng tại World Cup 2022.

Giroud phá vỡ kỷ lục của Thierry Henry để trở thành chân sút số một trong lịch sử tuyển Pháp, trong khi Mbappe đang cùng Lionel Messi dẫn đầu danh sách Vua phá lưới với 5 bàn. Griezmann thì hòa nhập nhanh với vai trò mới - tiền vệ kiến thiết - khi đầu danh sách kiến tạo với ba lần, ngang với Messi và Harry Kane, còn Dembele sắm vai trò thầm lặng hơn bên cánh phải.

Nhưng chính những ngôi sao này lại khiến Pháp gặp khó và dễ gây ra những sai sót trong khâu kiểm soát bóng. Từ đầu giải, Pháp chỉ giữ sạch lưới một lần, ở bán kết thắng Morocco 2-0, dù đại diện châu Phi nhiều lần đe dọa khung thành của Hugo Lloris.

Thực tế, hàng tiền đạo của Pháp chỉ nguy hiểm những lúc tấn công. Khi không có bóng, Deschamps bố trí Pháp thi đấu theo sơ đồ 4-3-3, với Mbappe, Giroud và Griezmann tạo thành một mũi nhọn rất hẹp. Dembele được giao nhiều trách nhiệm phòng thủ hơn và lùi xuống để trở thành một tiền vệ trung tâm thứ ba.

Khi mất bóng, Pháp chuyển vệ đá 4-3-3, nhưng hàng công không tích cực gây sức ép, hỗ trợ phòng ngự. Ảnh: chụp màn hình

Khi mất bóng, Pháp chuyển vệ đá 4-3-3, nhưng hàng công không tích cực gây sức ép, hỗ trợ phòng ngự. Ảnh: chụp màn hình

Tuy nhiên, Mbappe được phép đá tự do, hiếm khi tham gia phòng ngự còn Giroud - ở tuổi 36 - không thể pressing và chạy đuổi bóng suốt 90 phút. Vì thế, "Les Bleus" luôn gặp khó trong việc ngăn chặn đối thủ vì bộ ba trên hàng công không áp sát và bịt những khoảng trống ở phía trước. Đối thủ nhờ đó dễ dàng qua mặt tuyến đầu của Pháp để đưa bóng cho các cầu thủ tấn công.

Nhiều lúc, Pháp chỉ phòng ngự với 7 cầu thủ, không tính thủ môn, vì hàng tiền đạo không làm đúng nhiệm vụ. Trong bóng đá hiện đại, hàng tiền đạo sắm vai những cầu thủ phòng ngự đầu tiên. Khi không có bóng, họ phải rượt đuổi, gây sức ép và bịt các khoảng trống để buộc đối thủ phải chuyền dài hoặc mắc sai lầm.

Tình huống John Stones chuyền lên để Saka thoải mái nhận bóng trong trận tứ kết với Anh là một ví dụ khác cho thấy sự lười biếng của hàng công Pháp trong khâu hỗ trợ phòng ngự. Ảnh: chụp màn hình

Tình huống John Stones chuyền lên để Saka thoải mái nhận bóng trong trận tứ kết với Anh là một ví dụ khác cho thấy sự lười biếng của hàng công Pháp trong khâu hỗ trợ phòng ngự. Ảnh: chụp màn hình

Trên sân Lusail hôm nay, nếu có thể nhận bóng thoải mái ở những khoảng trống phía sau hàng tiền đạo Pháp, thì Lionel Messi có thể tạo ra khác biệt và trừng phạt đối thủ. Theo Sunsport, gần như chắc chắn, HLV Lionel Scaloni sẽ khai thác điểm yếu này của Pháp nhằm tìm đường vào khung thành của Lloris.

Sự biến hoá khó lường của Argentina

Chỉ một lần tại World Cup 2022, Argentina giữ nguyên sơ đồ xuất phát khi kết thúc trận đấu - trận gặp Saudi Arabia trong ngày mở màn. Không phải ngẫu nhiên đây là thất bại duy nhất của đoàn quân dưới trướng Scaloni từ đầu giải.

Trong khi Messi thống trị các mặt báo nhờ những màn trình diễn xuất thần trên sân, thì truyền thông lại không dành đủ sự tín nhiệm Scaloni. Khác với những vị tiền nhiệm luôn trông cậy vào khả năng tỏa sáng của Messi, thường gây bất lợi cho tập thể, thì Scaloni đã thể hiện sự linh hoạt trong chiến thuật để tránh việc phụ thuộc vào tiền đạo ngôi sao 35 tuổi.

Trên đất Qatar, Argentina thay đổi liên tục giữa việc chơi với sơ đồ 4-3-3, 4-4-2 và 3-5-2. Scaloni không sử dụng hệ thống cố định để tìm nhịp thi đấu, mà điều chỉnh đội hình theo diễn biến trận đấu và điểm mạnh của đối thủ.

Bản đồ cho thấy vị trí trung bình của các mắt xích trong hệ thống 3-5-2 Argentina sử dụng trước Hà Lan, với một trong ba trung vệ tích cực di chuyển lên để tăng quân số ở giữa sân. Ảnh: AFA

Bản đồ cho thấy vị trí trung bình của các mắt xích trong hệ thống 3-5-2 Argentina sử dụng trước Hà Lan, với một trong ba trung vệ tích cực di chuyển lên để tăng quân số ở giữa sân. Ảnh: AFA

Khi đấu Australia ở vòng 1/8, HLV 44 tuổi triển khai sơ đồ 4-4-2 và 4-3-3 trong phần lớn thời gian. Ngay sau đó, Scaloni thay Alejandro Gomez bằng Lisandro Martinez và áp dụng sơ đồ 3-5-2 khi gặp Hà Lan - đối thủ cũng đá ba hậu vệ - ở tứ kết. Phân tích việc Hà Lan sẽ cố gắng triển khai bóng với đầu não Frenkie de Jong, Scaloni chọn sơ đồ 3-5-2 để các trung vệ thay phiên dâng lên tuyến giữa, áp sát các cầu thủ tấn công, nhưng vẫn luôn đảm bảo sự chắc chắn với hai trung vệ bọc lót phía sau.

Tới trận bán kết gặp Croatia, Scaloni chuyển về hệ thống 4-4-2 khi nhận định Argentina có thể kiểm soát bóng nhiều hơn. Bằng cách loại bỏ một hậu vệ, "La Albiceleste" có thêm một tiền vệ và có thể chiếm ưu thế ở khu vực giữa sân, khi tuyến giữa của Croatia được đánh giá rất cao với bộ ba Luka Modric, Marcelo Brozovic và Mateo Kovacic. Việc Messi thường xuyên lùi xuống khu vực giữa sân giúp tuyến giữa Argentina có thêm quân số. Tới phút 62, khi Argentina dẫn 2-0 và không cần mạo hiểm tấn công, Scaloni lập tức tung Lisandro Martinez vào thay Leandro Paredes, và chuyển về sơ đồ 3-5-2 để mang lại sự an toàn hơn cho hàng phòng ngự.

Bản đồ nhiệt cho thấy Messi tích cực lùi xuống giữa sân, qua đó giúp Argentina tăng khả năng cầm bóng và biến ảo hơn khi triển khai tấn công. Ảnh: Sunsports

Bản đồ nhiệt cho thấy Messi tích cực lùi xuống giữa sân, qua đó giúp Argentina tăng khả năng cầm bóng và biến ảo hơn khi triển khai tấn công. Ảnh: Sunsports

Theo kênh thể thao Argentina TyC Sports, Scaloni có thể tiếp tục sử dụng đội hình 3-5-2, và biến thể 5-3-2 với hai cầu thủ đá cánh lùi sâu, cho trận chung kết để đối phó hàng công Pháp, nhất là sự nguy hiểm của Kylian Mbappe.

Khác biệt từ Giroud

Bên cạnh bộ đôi Messi và Alvarez thăng hoa, hàng phòng ngự kiên cường góp công lớn giúp Argentina lần thứ sáu vào chung kết World Cup.

Tuy nhiên, hàng thủ của Scaloni xộc xệch và gặp nhiều khó khăn khi đối thủ tấn công trực diện hơn và liên tục nhồi bóng vào vòng cấm. Như ở trận gặp Saudi Arabia, Argentina thua ngược bởi pha xâm nhập vòng cấm và dứt điểm chéo góc của Saleh Al-Shehri, cùng tình huống xử lý ngẫu hứng rồi cứa lòng sát vòng cấm của Salem Al-Dawsari.

Ở tứ kết, Hà Lan - với phong cách kiểm soát bóng điển hình của Louis van Gaal - gặp khó trong việc xuyên thủng hàng thủ Argentina, dù kiểm soát bóng tốt hơn. Bước ngoặt chỉ đến khi HLV 71 tuổi tung hai tiền đạo cao trên 1m8 - Wout Weghorst và Luuk de Jong - vào sân, đồng thời chuyển từ lối chơi triển khai bóng ngắn sang tạt cánh đánh đầu. Điều chỉnh này lập tức mang lại hiệu quả, Hà Lan tạo sức ép nghẹt thở nhờ những pha tạt bóng trong 20 phút cuối, gỡ hòa nhờ cú đúp của Weghorst để buộc trận đấu phải phân định trên chấm 11m.

Hàng thủ Argentina trở nên mong manh khi Hà Lan chuyển sang nhồi bóng bổng tận dụng ưu thế chiều cao của Weghorst so với Martinez, để ghi liền hai bàn. Trong ảnh là tình huống Weghorst nhận bóng bổng đánh đầu rút ngắn tỷ số còn 1-2 cho Hà Lan ở tứ kết. Ảnh: chụp màn hình

Hàng thủ Argentina trở nên mong manh khi Hà Lan chuyển sang nhồi bóng bổng tận dụng ưu thế chiều cao của Weghorst so với Martinez, để ghi liền hai bàn. Trong ảnh là tình huống Weghorst nhận bóng bổng đánh đầu rút ngắn tỷ số còn 1-2 cho Hà Lan ở tứ kết. Ảnh: chụp màn hình

Trong trận đấu mà Mbappe và Messi là tâm điểm và chắc chắn được theo kèm sát sao, Giroud có thể là chìa khóa mang lại sự khác biệt. Ở tuổi 36, Giroud vẫn là một trong những tiền đạo có khả năng làm tường tốt nhất của bóng đá thế giới, và là mối đe dọa thường trực từ những quả tạt hay bóng dài vào vòng cấm.

Tuyển Anh là "nạn nhân" mới nhất của Giroud, khi họ gục ngã ở tứ kết World Cup 2022 bởi pha băng cắt đánh đầu của tiền đạo này. Ngay cả Harry Maguire, trung vệ rất giỏi chơi đầu, cũng không thể đối phó với khả năng không chiến của trung phong người Pháp.

Giroud nhận bóng bổng, đánh bại Maguire trong pha không chiến để ấn định thắng lợi 2-1 cho Pháp trước Anh ở tứ kết. Ảnh: chụp màn hình

Giroud nhận bóng bổng, đánh bại Maguire trong pha không chiến để ấn định thắng lợi 2-1 cho Pháp trước Anh ở tứ kết. Ảnh: chụp màn hình

Pháp đang có lợi thế về chiều cao - trung bình 185,2 cm, so với 179,4 của Argentina. Trong đó, hàng thủ của đội bóng Nam Mỹ với các trung vệ Otamendi (183 cm) - Romero (185 cm) - Lisandro (172 cm) thua thiệt khi đặt cạnh Giroud - người cao tới 192 cm. Deschamps sẽ dễ dàng nhận ra hạn chế của Argentina khi chống những pha bóng bổng vào vòng cấm. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên nếu Mbappe hay Dembele hạn chế những pha đi bóng cắt ngang khung thành sở trường, để liên tục nhồi bóng cho Giroud.

Các yếu tố có thể định đoạt trận Pháp - Argentina - 6

Hồng Duy