Cách đây đúng 10 năm, ngày 3/7/2013, Cộng đồng người Việt tại Séc đã được chính phủ Séc công nhận là Dân tộc thiểu số thứ 14. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là cột mốc lịch sử đối với cộng đồng người Việt tại Séc nói riêng và cộng đồng người Việt Nam trên toàn thế giới nói chung. Trải qua 10 năm được công nhận là DTTS, cộng đồng người Việt tại Séc ngày càng có nhiều đóng góp nổi bật đối với xã hội Séc được lãnh đạo chính quyền sở tại đánh giá cao.
Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Thái Xuân Dũng cho biết: "10 năm qua, uy tín, vai trò và vị thế của cộng đồng người Việt Nam tại Séc ngày càng được tăng cường, củng cố, lớn mạnh. Điều này được khẳng định trong các cuộc tiếp xúc của chúng tôi với lãnh đạo các cấp của chính quyền Séc. Trong các cuộc tiếp xúc, họ đều đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Séc với tình cảm quý mến và trân trọng. Trong cuộc khảo sát vào tháng 3/2023 của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận Séc về mức độ thiện cảm của người dân Séc đối với các dân tộc thiểu số, cộng đồng người Việt tại Séc đã lần đầu tiên đứng ở vị trí thứ 2/14 dân tộc thiểu số; nó thể hiện sự ghi nhận, tình cảm của người dân sở tại đối với cộng đồng người Việt Nam tại Séc".
Để đạt được những thành tựu đó, trong những năm qua, cộng đồng người Việt đã tích cực giữ gìn, phát huy, lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội như Tết cổ truyền, Tết trung thu… qua đó góp phần quảng bá giá trị tốt đẹp của con người đất nước Việt Nam với chính quyền sở tại.
Các tổ chức hội đoàn người Việt cũng tham gia tích cực vào các hoạt động giao lưu văn hóa của nước sở tại như Lễ hội Hành tinh màu, Festival các dân tộc thiểu số… Một điểm nhấn đặc biệt trong 3 năm qua đó là người Việt tại Séc luôn đồng hành, chung tay cùng chính quyền sở tại trong việc chống lại đại dịch Covid-19, giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai dịch bệnh và có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của CH Séc qua đó góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín vị thế con người Việt Nam.
Cộng đồng người Việt đã tích cực giữ gìn, phát huy, lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội như Tết cổ truyền, Tết trung thu.
Việc được công nhận là một dân tộc thiểu số tại Séc, cộng đồng người Việt được hưởng các lợi ích được quy định trong điều luật của Séc về các cộng đồng dân tộc thiểu số, như được cử đại diện của mình vào các Hội đồng Dân tộc thiểu số ở cấp địa phương cũng như cấp trung ương, được thảo luận và đưa ra ý kiến tại hội đồng về những vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số, được chính quyền sở tại hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Đây không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức để người Việt tại Séc không chỉ hòa nhập mà còn phải biết giữ gìn, phát huy hơn nữa các giá trị truyền thống trong thời gian tới.
Ông Phạm Công Tú - Chủ tịch hội người Séc gốc Việt chia sẻ: "Hiện nay, cộng đồng người Việt đã vượt qua giai đoạn hết sức gian nan, được Chính phủ Séc và các lãnh đạo biểu dương về những đóng góp tiêu biểu cho xã hội Séc. Về mặt hội nhập, chúng ta cũng được đánh giá rất cao. Tuy nhiên, chính điểm đó có thể là thách thức trong thế hệ trẻ. Chúng ta muốn hội nhập nhưng mà tôi vẫn sợ là trong cái hội nhập đó chúng ta có thể bị hòa tan. Vì vậy, thế hệ mới cần phải được sự hỗ trợ của các thế hệ đi trước nhất là trong vấn đề giáo dục. Nếu chúng ta không gìn giữ một cái kỷ luật trong giáo dục gia đình thì sau đó chúng ta đã dần dần rớt xuống. Do đó, chúng ta phải hết sức cố gắng đi tiếp để giai đoạn tới sẽ đi tốt hơn".
Lãnh đạo Đại sứ quán và các hội đoàn người Việt tại Séc chụp ảnh lưu niệm.
Tính đến thời điểm hiện tại, cộng đồng người Việt sinh sống tại Séc có gần 96.000 người, là cộng đồng đoàn kết, giàu tình tương thân, tương ái, có trách nhiệm, chăm chỉ, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật cũng như luôn hướng về quê hương, đất nước.
Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cộng đồng người Việt tại Séc đã và đang từng bước hội nhập bền vững và có nhiều đóng góp thiết thực vào đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội sở tại. Có thể nói, sự tồn tại, hội nhập và phát triển của cộng đồng người Việt tại Séc trong giai đoạn qua chính là cầu nối đặc biệt quan trọng góp phần duy trì, củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa nhà nước và nhân dân hai nước.