Xu hướng trường đại học thành đại học: Đừng "lên đời cho oai", theo mốt

(Dân trí) - Việc trường đại học "lên đời" thành đại học là xu hướng tất yếu trên thế giới, nhưng chuyên gia lo ngại tình trạng nhiều trường ồ ạt "lên đời" chỉ để cho oai sẽ khó kiểm soát chất lượng.

Không phải trường đại học nào muốn đều có thể "lên đời" thành đại học

Theo quy định, điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học là: Đạt công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học; có ít nhất 3 trường trực thuộc, ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ, quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 sinh viên.

Đặc biệt, cần có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập, có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Xu hướng trường đại học thành đại học: Đừng lên đời cho oai, theo mốt - 1

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuyển thành "đại học" (Ảnh: T.L).

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện là Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long - CEA Thăng Long cho biết, không phải trường đại học nào muốn, đều có thể "lên đời" thành đại học. Ngược lại, các trường phải căn cứ trên bộ tiêu chí ngặt nghèo để đánh giá.

"Ngay cả Đại học Bách khoa cũng phải mất 4 năm mới hoàn tất lộ trình này. Đồng thời, các đơn vị có thể "lên đời" thành đại học hiện nay, cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay", TS Phụng cho biết.

Sở dĩ khó khăn như vậy vì theo chuyên gia này, việc chuyển trường đại học thành đại học không đơn giản là việc chuyển tên cơ sở giáo dục đại học mà là chuyển mô hình hoạt động từ đơn lĩnh vực sang đa lĩnh vực, phải có sự phát triển cả chiều rộng về quy mô đến chiều cao về trình độ đào tạo.

Qua đó, cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng được lực lượng lớn mạnh, quản trị hiệu quả, thể hiện năng lực tự chủ cao, có khả năng đào tạo, nghiên cứu liên ngành và đảm bảo chất lượng trong mọi hoạt động.

Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam lo ngại, nhiều trường sẽ đua nhau "lên đời" để cho oai trong khi không đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định.

"Chẳng hạn Trường Đại học Vinh lên đời thành đại học, tôi rất tán thành nhưng một số trường khác chưa đủ yêu cầu mà cũng tính chuyện lên đời, tôi thấy không được", TS Lê Viết Khuyến nói.

Xu hướng trường đại học thành đại học: Đừng lên đời cho oai, theo mốt - 2

Cần quy định siết chặt việc chuyển đổi từ "trường đại học" thành "đại học" (Ảnh: T.L).

Đừng "lên đời" đại học theo mốt

Để tránh việc các trường đại học thi nhau ồ ạt "lên đời", ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng, hiện nhiều trường muốn "lên đời" thành đại học và cho rằng như vậy là lớn hơn nhưng cái tên không quyết định việc lớn hay nhỏ.

"Khi nhiều đại học ra đời thì chữ "đại học" cũng không còn nhiều ý nghĩa. Do vậy cần quy định siết chặt việc chuyển đổi từ "trường đại học" thành "đại học", chỉ đơn vị nào đủ thực lực, chất lượng thực sự mới chuyển, quan trọng là đóng góp giúp người học chuyển biến tốt hơn, hưởng nhiều quyền lợi hơn", ông Lê Trường Tùng nói.

Còn theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nếu sau này nhiều trường đại học ồ ạt "lên đời", chúng ta có thể tiếp tục nâng bộ tiêu chí đánh giá để kiểm soát chất lượng. 

Chia sẻ trên Dân trí trước đó, một GS.TS đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, chủ trương phát triển các "trường đại học" thành "đại học" là một điểm mới quan trọng của Luật Giáo dục đại học nói chung và Nghị định 99 nói riêng. Tuy nhiên, cần cẩn trọng theo "mốt" này.

Theo chuyên gia này, trong lúc các trường đại học của Việt Nam chủ yếu là đơn lĩnh vực, thì chủ trương trên sẽ khuyến khích phát triển và hình thành thêm các đại học đa lĩnh vực, đúng như bản chất của từ universal vốn có của đại học.

Hơn thế nữa, đây cũng là giải pháp để có thể xây dựng được một số đại học mạnh, làm đầu tàu và biểu tượng quốc gia. 

"Tuy nhiên, chỉ "cái áo" thôi chưa mang lại được điều gì. Ngay như các Đại học Quốc gia (ĐHQG) đã có của chúng ta, hơn 1/4 thế kỷ đã qua, mặc dù đã thành công trên một số lĩnh vực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục hoàn thiện", chuyên gia nói.

Vậy nên, ý kiến mà chuyên gia này đưa ra, việc tổ chức lại và phát triển thành đại học cần phải được "mô phỏng" cẩn trọng, tránh duy ý chí và theo mốt.

Cần phải xây dựng và sử dụng bộ tiêu chí và công cụ phân tích đủ mạnh để xác định xem quá trình chuyển đổi và mô hình chuyển đổi có khả năng thành công hay không.

"Nếu một số trường đại học đơn ngành có thể vượt qua được sự cục bộ, cùng hướng đến lợi ích chung, cùng tự nguyện liên kết lại thành đại học thì sẽ rất hiệu quả.

Tựu chung lại, để quá trình tái cấu trúc này thành công thì ngoài khát vọng tập thể, cần có người lãnh đạo có năng lực và nhiệt huyết. Rất cần vai trò của cá nhân để xây dựng và dẫn dắt văn hóa đổi mới", chuyên gia này nói.