Vụ tiêu hủy đàn chó từ vùng dịch về: Có cần thiết và đúng luật?

Trong hành trang hồi hương từ vùng dịch trở về quê hương, nhiều người đã mang theo cả vật nuôi vì ngoài ý nghĩa là một tài sản có giá trị, chúng còn là sự gắn kết tình cảm với chủ nhân.

Dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam đang dần được kiểm soát. Tuy nhiên, sau nhiều tháng giãn cách, nhiều người dân không còn đủ khả năng bám trụ lại thành phố nên đã quyết định quay về quê. Nhiều địa phương đã có phương án cách ly phù hợp để đón bà con hồi hương.

Trong hành trang trở về, nhiều người đã mang theo các loại động vật nuôi. Từ đó nảy sinh ra một vấn đề: Động vật từ vùng dịch về có làm lây lan dịch không? Có cần thiết phải tiêu hủy?

Những ngày qua, báo chí và nhiều trang mạng xã hội thông tin về việc 16 chú chó, mèo của một đôi vợ chồng từ Long An về Cà Mau tránh dịch đã bị tiêu hủy hết sau khi chủ nhân được xác định dương tính với SARS-CoV-2. Được biết, quyết định tiêu hủy những con vật này được một bác sĩ đưa ra với lý do chó là vật trung gian có thể làm lây lan dịch bệnh Covid-19.

Vụ việc đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận và đang gây nên nhiều tranh cãi trái chiều. Theo nhiều người, đàn chó mèo này đã có một hành trình dài cùng chủ nhân trên chặng đường về quê, như vậy ngoài giá trị vật chất, chúng còn có sự gắn kết lớn với chủ nhân về mặt tình cảm.

Vụ tiêu hủy đàn chó từ vùng dịch về: Có cần thiết và đúng luật? - 1

Hình ảnh đàn chó được chủ nhân đưa về quê tránh dịch nhưng đã bị tiêu hủy hết khiến nhiều người xót thương (Ảnh: Mạng xã hội).

Theo Luật gia Nguyễn Văn Nghĩa, Công ty Luật TNHH LSX, tính đến thời điểm hiện tại, động vật từ vùng dịch về có thể được hiểu theo 2 nghĩa:

Thứ nhất, động vật là nguyên nhân chính gây ra dịch bệnh và tình trạng lây lan. Ví dụ: lợn trong dịch tả lợn Châu Phi; gà trong dịch cúm H1N1, H5N1…

Thứ hai, động vật là thú cưng, là con vật từ những vùng đang có dịch bệnh nguy hiểm ở người về. Ví dụ như: chó về từ vùng có dịch Covid-19…

Theo quy định tại Luật Thú y năm 2015, "động vật từ vùng dịch về" được hiểu là vùng có ổ dịch bệnh động vật; hoặc có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới đã được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y xác định.

Theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP, việc tiêu hủy động vật từ vùng dịch về được quy định như sau:

Tại Điều 6 Nghị định 90/2017/NĐ-CP; việc tiêu hủy được đặt ra với động vật mắc bệnh, chết; sản phẩm từ động vật mang mầm bệnh.

Tại Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP; việc buộc tiêu hủy được đặt ra đối với động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh; động vật chết; sản phẩm động vật mang mầm bệnh thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch.

Từ những quy định như trên, có thể thấy việc tiêu hủy động vật từ vùng dịch về cần phải có 2 điều kiện:

- Động vật đó phải là động vật mắc bệnh; động vật chết do bệnh dịch; động vật có dấu hiệu mắc bệnh; động vật mẫn cảm với dịch bệnh.

- Động vật này phải nhiễm bệnh được quy định trong danh mục bệnh động vật phải công bố dịch.

Vụ tiêu hủy đàn chó từ vùng dịch về: Có cần thiết và đúng luật? - 2

Hình ảnh đôi vợ chồng chở những chú chó trên xe máy chất lỉnh kỉnh đồ đạc để về quê tránh dịch được chia sẻ nhiều trên mạng.

Từ đó suy ra, hành vi tiêu hủy động vật từ vùng có dịch bệnh Covid-19 là không đúng bởi các lý do sau:

Thứ nhất, việc quy định tiêu hủy hiện đặt ra với động vật về từ vùng dịch nhưng là dịch liên quan đến động vật. Nhưng dịch bệnh Covid-19 được ghi nhận là dịch bệnh lây truyền giữa người với người. Chó, mèo… cùng nhiều con vật khác hiện không được coi là vật trung gian truyền bệnh Covid-19. 

Thứ hai, việc tiêu hủy được đặt ra đối với động vật mắc bệnh; động vật chết do dịch bệnh; động vật có dấu hiệu mắc bệnh; động vật mẫn cảm với dịch bệnh. Đàn chó mèo 16 con nói trên hiện chưa được xác định là có dương tính với SARS-CoV-2 hay không.

Thứ ba, hiện tại chưa ghi nhận trường hợp nào dịch bệnh Covid-19 lây từ vật nuôi sang người. Chưa thể khẳng định vật nuôi là vật trung gian truyền bệnh.

Thứ tư, chưa có công văn nào quy định về việc tiêu hủy động vật từ vùng có dịch Covid-19 về.

 Hải Hà