Vũ khí viện trợ đi đường nào để vào Ukraine?

Nhờ nỗ lực của các tình nguyện viên Lithuania, nhiều hàng hóa thiết yếu như áo chống đạn, vật tư y tế hay phương tiện vận tải được chuyển từ khắp thế giới tới binh sĩ Ukraine.

Tại một địa điểm bí mật trên biên giới Ba Lan - Ukraine, người đi qua không cần hộ chiếu. Đây là “cửa khẩu” bí mật để hàng viện trợ quân sự cho Ukraine được chuyển vào lãnh thổ quốc gia này.

“Không chụp ảnh, không chụp ảnh”, một lính biên phòng Ba Lan hét to với phóng viên Washington Post khi đoàn 17 xe tải dừng lại giữa một buổi sáng buốt giá. Các xe tải chở theo 45 phương tiện, từ xe jeep, xe cứu thương tới bếp dã chiến cho quân đội, cũng như 24 tấn dầu diesel.

Trong màn đêm, đoàn xe này được các tình nguyện viên chuyển tới đây từ Lithuania trong nỗ lực cung ứng hàng hóa thiết yếu cho quân đội Ukraine.

Khi các chính phủ đàm phán về máy bay chiến đấu và các loại vũ khí hiện đại, binh sĩ Ukraine trên chiến trường đòi hỏi những vật dụng cơ bản nhất, từ áo chống đạn, vật dụng y tế tới các loại phương tiện giao thông. Do nhiều nhà máy của Ukraine đã bị pháo kích, nước này phải dựa nhiều hơn vào nguồn lực bên ngoài.

Vật dụng người lính cần

Cũng trong ngày hôm đó, một đoàn xe khác tới Ukraine, mang theo máy phát điện, radio, máy bay giám sát không người lái, dụng cụ nhìn đêm, cũng như gần 7.000 áo và mũ chống đạn. Đối với người lính, đây như vật cứu tinh.

vien tro quan su ukraine anh 1

Một bếp dã chiến được đưa lên xe tải để chuyển tới Ukraine. Ảnh: Washington Post.

“Đây là những thứ chúng tôi cần nhất”, trung úy Andrey Bystriyk, một trong những người tới nhận hàng viện trợ, rớm lệ. “Quân đội cấp cho chúng tôi súng đạn và quân phục. Nhưng dưới quân phục, những thứ chúng tôi ăn, giữ chúng tôi an toàn hay giúp chúng tôi di chuyển đều đến từ người dân, cả trong và ngoài nước”.

Hành trình của những món hàng này bắt đầu từ một nhà kho tại Lithuania. Với quá khứ nhiều mâu thuẫn với Nga, người dân Lithuania tỏ ra đồng cảm sâu sắc với người Ukraine trong xung đột.

Tại thủ đô Vilnius, một tổ chức phi chính phủ tiếp nhận tiền quyên góp của người dân và chuyển số tiền này thành các mặt hàng quân sự ủng hộ Ukraine. Thông thường, tổ chức này nhận được không quá 200.000 USD mỗi năm. Tuy vậy, kể từ tháng 2 vừa qua, họ đã nhận được hơn 20 triệu USD chỉ từ Lithuania - quốc gia có 2,8 triệu dân.

Nhà làm phim Jonas Ohman, người sáng lập tổ chức, cho biết ông đặt mua trang thiết bị quân sự từ châu Âu, Trung Quốc và Israel. Ông đàm phán với giới chức hải quan các nước để có thể vận chuyển hàng nhanh chóng.

Những chiếc xe ủng hộ

Nhà kho chính của tổ chức này ở ngoại ô thủ đô Warsaw, Ba Lan. Trong khi đó, một nhà kho tại Vilnius là nơi người dân Lithuania có thể trực tiếp đóng góp bằng vật chất.

Nhà kho chứa đủ loại vật dụng. Một công ty đồ đi săn quyên góp 800 đôi giày mũi thép và 1.000 áo khoác. Các công ty khác quyên góp nước muối sinh lý, garô cầm máu hay điện thoại vệ tinh. Các loại ôtô cũng là mặt hàng được quyên góp rộng rãi.

vien tro quan su ukraine anh 2

Ông Jonas Ohman trong một nhà kho chứa hàng viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Washington Post.

“Tôi nghe nói họ cần các phương tiện lớn. Tôi không còn lựa chọn nào khác. Người Ukraine đang chiến đấu cho cả chúng tôi”, ông Dainius Navikas, cố vấn quản lý tại Vilnius, nói. Ông quyên góp một chiếc xe Grand Cherokee đời 2015 cho “Xanh lam/Vàng”.

Ông Navikas cùng vợ lái chiếc xe - cùng bộ lốp mùa đông - tới một garage ở ngoại ô Vilnius. Họ thấy hàng chục phương tiện đang được chờ vận chuyển tới Ukraine.

“Khi họ biết chúng tôi mua cho Ukraine, nhiều người lập tức giảm giá”, ông Lukas Pacevicius, chủ garage, cho biết.

Garage của ông đã tạm dừng hầu hết công việc kinh doanh bình thường. Thay vào đó, các thợ máy và tình nguyện viên kiểm tra phương tiện, gửi chúng đi sửa chữa, lắp lớp chống đạn cho một số xe, cũng như thực hiện các yêu cầu khác của binh sĩ Ukraine. Các xe cũng được sơn lại bằng màu xanh đục.

“Chúng tôi muốn che đi mọi bề mặt có thể phản xạ, kể cả hãm xung hay bánh xe”, ông Rolandas Jundo, một tình nguyện viên, cho biết.

Con đường tới Ukraine

Ba ngày sau, hầu hết số phương tiện - cùng một bếp dã chiến cho quân đội - được chất lên xe lồng và xe tải. Đoàn xe được cảnh sát Lithuania hộ tống đi về hướng biên giới Ba Lan, trong sự hoan nghênh của người dân tại Vilnius.

Đoàn xe di chuyển với tốc độ khoảng 80 km/h. Tại một cây xăng ngay sát biên giới, cảnh sát Lithuania bàn giao đoàn xe cho những người đồng nghiệp từ Ba Lan, những người sẽ đưa họ tới biên giới với Ukraine. Toàn bộ hành trình kéo dài 19 giờ.

Lữ đoàn phòng vệ tỉnh Zaporizhzhia - đơn vị của trung úy Andrey Bystriyk - là một trong số khoảng 20 đơn vị quân đội Ukraine tới biên giới nhận hàng.

vien tro quan su ukraine anh 3

Cảnh sát Lithuania bàn giao đoàn xe cho cảnh sát Ba Lan. Ảnh: Washington Post.

Trung úy Bystriyk đã phải lái xe 11 giờ từ khu vực gần thành phố Dnipro đang bị bao vây với hy vọng nhận được thêm phương tiện và đồ bảo vệ cá nhân. Ông cho biết binh lính của mình đang mặc các loại áo chống đạn được người dân tự chế, vốn không có nhiều tác dụng.

“Đương nhiên là tên lửa Stinger và Javelin quan trọng. Nhưng đối với chúng tôi, các phương tiện là thiết yếu”, ông Bystriyk nói khi nhìn vào các loại ôtô được chuyển đến. “Chúng là hỏa lực, là sự cơ động của chúng tôi”.

Binh lính Ukraine sẽ lái chúng tới gặp nhân viên biên phòng để làm thủ tục, trước khi mang các loại xe về đơn vị.

Trung úy Bystriyk tìm một xe tải mà binh lính của ông có thể đặt súng phóng rocket hoặc súng máy lên trên và lựa chọn một chiếc Nissan Patrol. Các đơn vị “đặc nhiệm” kiểu này đã xuất hiện nhiều ở các điểm nóng như Libya hay Syria.

Các đoạn video được người Ukraine đăng tải cho thấy các nhóm binh sĩ trên xe SUV chở vũ khí xuất hiện đột ngột từ trong rừng hay bên đường, tấn công thiết giáp Nga trước khi rời đi.

“Mỗi ngày, người Nga đều tìm cách xâm nhập Zaporizhzhia. Mỗi ngày, chúng tôi đều ngăn họ lại”, ông Bystriyk nói. “Chúng tôi cần những chiếc xe này, và cảm ơn người Lithuania đã mang chúng tới".

Ông Biden trước sức ép cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine

Ngày càng nhiều nghị sĩ Mỹ kêu gọi Tổng thống Joe Biden chuyển giao tiêm kích cho quân đội Ukraine, dù Lầu Năm Góc trước đó khẳng định máy bay chiến đấu sẽ không hiệu quả.

Ông Zelensky cảnh báo hệ quả nếu Nga không thúc đẩy đối thoại

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rạng sáng 19/3 tuyên bố nước Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả lâu dài nếu không thúc đẩy đối thoại hòa bình.