'Vũ khí bí mật' của Tổng thống Biden và Thủ tướng Sunak

Ông Sunak và ông Biden đang cố gắng tránh khỏi sự cạnh tranh của chính trị đất nước bằng cách tạo ra một hình ảnh tốt và có chút nhàm chán.
lanh dao Anh My anh 1

Trong nhiều năm tại nhiệm, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Donald Trump từng được so sánh như anh em sinh đôi.

Cả hai đều có xu hướng dân túy, tạo ra nhiều tai tiếng và thường xuyên phá vỡ chuẩn mực. Cả hai đã kết thúc nhiệm kỳ, nhường lại sự so sánh cho Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Hai vị lãnh đạo có nhiều điểm khác nhau. Ông Sunak trẻ hơn và thuộc đảng Bảo thủ, trong khi ông Biden nhiều tuổi hơn và thuộc đảng Dân chủ. Dù vậy, cả hai đang sử dụng những phương pháp tương tự để điều hành đất nước, theo New York Times.

Những điểm tương đồng không chỉ nằm ở phong cách kín kẽ. Cả hai đảng lãnh đạo, cánh hữu đối với ông Sunak và cánh tả đối với ông Biden, đều gặp phải tình trạng chia rẽ.

Cả hai nhà lãnh đạo cũng đối mặt những con số thăm dò ảm đạm, một phần vì tình trạng kinh tế suy thoái. Phong cách thực dụng, không phô trương của họ có vẻ không phù hợp với nền chính trị phân cực của nước Anh hậu Brexit và nước Mỹ hậu Trump.

Đưa đất nước vượt sóng gió

Ông Sunak nhậm chức thủ tướng Anh vào tháng 10, khi nước Anh chìm sâu trong cuộc khủng hoảng kinh tế. Đảng Bảo thủ của ông lao đao sau nhiều tháng biến động chính trị và không được lòng dân chúng.

Trong hai năm đầu nhiệm kỳ, ông Biden đã khiến nhiều người bối rối với việc đảng Dân chủ giành được nhiều chiến thắng bất ngờ, đặc biệt trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Điều này đi ngược với xu thế lịch sử chính trị Mỹ: Đảng cầm quyền thường ít được lòng người dân sau nửa nhiệm kỳ tổng thống.

“Ông Johnson và ông Trump thiếu linh hoạt về mặt ý thức hệ, nhưng tính cách đã đưa họ lên đỉnh cao và cũng đưa họ đến thất bại”, Frank Luntz, một nhà tư vấn chính trị và thăm dò ý kiến người Mỹ, đồng thời là bạn cùng lớp của ông Johnson tại đại học Oxford, nhận định.

“Ông Rishi và ông Biden hoàn toàn ngược lại. Họ không phải là những người giao tiếp đặc biệt tuyệt vời, nhưng có thể đưa chính phủ của mình tiến lên phía trước bằng kiến thức và kinh nghiệm”, ông Luntz nói thêm.

lanh dao Anh My anh 2

Tổng thống Biden thăm nhà máy TSMC tại Phoenix, Arizona. Ảnh: Reuters.

Hoàn cảnh buộc cả hai nhà lãnh đạo phải đưa ra những quyết định khẩn cấp ngay lập tức. Ông Biden phải chèo lái nước Mỹ vượt qua “cơn bão” thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong khi đó, ông Sunak phải giải quyết hậu quả do quyết định giảm thuế của người tiền nhiệm Liz Truss. Đồng bảng Anh đã lao dốc xuống mức thấp kỷ lục, khiến thị trường toàn cầu chao đảo, các nhà đầu tư mất niềm tin vào chính phủ Anh.

Sau khi thông qua dự luật cứu trợ Covid-19, ông Biden đã cố gắng thúc đẩy một dự luật khác đầy tham vọng để chống lại biến đổi khí hậu trị giá 370 tỷ USD. Ông đã phải thuyết phục và thỏa hiệp với những đảng viên ôn hòa đảng Dân chủ, đặc biệt là Thượng nghị sĩ Joe Manchin III, theo BBC.

Ông Sunak không vấp phải quá nhiều rào cản khi thông qua gói tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Dù vậy, ông phải đối mặt với một đảng Bảo thủ ngày càng chia rẽ, gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp thương mại với Liên minh châu Âu về Bắc Ireland.

Việc đại tu các quy tắc phức tạp về xây dựng nhà ở và triển khai các dự án điện gió trên bờ cũng khó trở nên khó nhằn với thủ tướng Anh.

“Ông Sunak vấp phải sự cạnh tranh của nhiều phe phái khác nhau trong đảng Bảo thủ. Ngược lại, ông Biden khá kiên quyết đối với các nguyên tắc ôn hòa”, Kim Darroch, cựu đại sứ Anh tại Mỹ, nói.

Năng lực thầm lặng

Các đồng minh của ông Sunak không đưa ra bất kỳ so sánh rõ ràng nào giữa ông và tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, một số người đã tuyên bố năng lực thầm lặng và không thể chối cãi của ông Sunak đang khôi phục sự ổn định của nước Anh sau ba tháng “giông bão” chính trị.

Khi trở lại nội các với tư cách là một bộ trưởng, ông Michael Gove tuyên bố “sự nhàm chán đã trở lại” và nói đùa rằng “chính phủ quyết tâm để trở nên buồn tẻ nhất có thể”, theo Independent.

“Những gì ông ấy muốn là một chính phủ trưởng thành, nắm bắt các vấn đề mà mọi người quan tâm và tiếp tục điều hành”, Bộ trưởng Giao thông vận tải Anh Mark Harper nhận định khi được hỏi về ông Sunak.

Không giống như những tuyên bố cảm tính của vị tổng thống Mỹ 80 tuổi, ông Sunak hiếm khi phạm phải những lỗi vụn vặt. Tính thận trọng và phong cách nói chuyện trang trọng khiến ông được so sánh với John Major, người kế nhiệm “bà đầm thép” Margaret Thatcher.

lanh dao Anh My anh 3

Thủ tướng Anh RishiSunak và phu nhân Akshata Murty tại chợ thực phẩm và đồ uống trên phố Downing. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Major đã tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 1992. Nhưng chiến thắng đó nhanh chóng bị nhấn chìm bởi cuộc khủng hoảng tài chính “Ngày thứ Tư Đen tối” và mở đường cho chiến thắng của lãnh đạo Công đảng Anh Tony Blair.

Lần này, cuộc khủng hoảng xảy ra trước khi ông Sunak nhậm chức. Vị thủ tướng Anh có không quá hai năm để giành lại lòng tin của dân chúng trước cuộc bầu cử tiếp theo.

Ông phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng vọt, lãi suất đồng bảng Anh tăng, thiếu lao động và suy thoái kinh tế. New York Times nhận định rằng nhiều khả năng thời điểm ông Sunak kêu gọi tổng tuyển cử sẽ trùng vào bầu cử tổng thống Mỹ.

Không có bằng chứng nào cho thấy ông Biden và ông Sunak đã nói chuyện về chính trị trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên với tư cách lãnh đạo tại hội nghị G20 tại Bali, Indonesia. Với sự chênh lệch về tuổi tác, xuất thân và chính trị, có rất ít dấu hiệu cho thấy hai nhà lãnh đạo sẽ phát triển quan hệ giống như Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng thống Mỹ Bill Clinton.

Tổng thống Biden đã ca ngợi việc đảng Bảo thủ bầu ông Sunak làm lãnh đạo là “cột mốc đột phá”, nhưng đồng thời nhận định rằng điều này rất bất ngờ.

Tương lai của chính trị Anh

Có suy đoán rằng nếu đảng Bảo thủ thất bại trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng 5/2023, ông Boris Johnson sẽ trở lại.

Nhưng các đồng minh của ông Sunak hy vọng vào một bất ngờ giống như bầu cử giữa nhiệm kỳ của ông Biden. Điều này sẽ mang lại nền tảng vững chắc cho đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ diễn ra trước tháng 1/2025.

Công đảng Anh đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận. Nhà lãnh đạo Công đảng Keir Starmer cũng là một đối thủ đáng gờm. Rất ít nhà phân tích lạc quan về tương lai ông Sunak giành chiến thắng thuyết phục.

lanh dao Anh My anh 4

Ông Boris Johnson và ông Rishi Sunak tại Octopus Energy năm 2020. Ảnh: Reuters.

Dù vậy, tỷ lệ thăm dò ý kiến của ông Sunak vượt xa tỷ lệ của đảng Bảo thủ, ngược lại với ông Biden và đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

“Có một sự khác biệt lớn giữa những gì cử tri nghĩ về đảng Bảo thủ và những gì họ nghĩ về ông Sunak. Câu hỏi lớn nhất bây giờ là liệu đảng Bảo thủ sẽ kéo ông Sunak xuống hay ông Sunak sẽ kéo đảng Bảo thủ lên”, Peter Kellner, một chuyên gia thăm dò ý kiến, cho biết.

Đó cũng là câu hỏi mà nhiều người đặt ra cho ông Biden và đảng Dân chủ trước kỳ bầu cử hồi tháng 11. Nếu cả ông Biden và ông Sunak vẫn còn tại vị vào năm 2025, đó sẽ là bằng chứng cho thấy chính trị “nhàm chán” mới là câu trả lời cho cả hai quốc gia.

London bác đơn xin di dời của Đại sứ quán Trung Quốc

Một hội đồng địa phương ở London (Anh) đã từ chối đơn xin lập kế hoạch di dời Đại sứ quán Trung Quốc đến một địa điểm lịch sử gần tháp London và cầu tháp London.

Mỹ tăng lực lượng tới Australia

Tại cuộc tham vấn hàng năm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết sẽ giúp Australia có được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân nhanh nhất có thể.

G20 Indonesia