Việt Nam đề nghị 'không nóng vội' trong giải pháp cho Myanmar

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kêu gọi tiếp cận toàn diện, không nóng vội để giải quyết bất ổn tại Myanmar, khi thảo luận với Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ.

Trong cuộc trao đổi trực tuyến với Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Myanmar Noeleen Heyzer hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh "cần tiếp cận toàn diện, tiệm tiến, không nóng vội" và "đặt người dân ở vị trí trung tâm" trong mọi giải pháp giải quyết vấn đề tại Myanmar.

Hai bên chia sẻ quan ngại về tình hình bất ổn tại Myanmar, nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu và cấp bách là chấm dứt bạo lực, tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho người dân tại quốc gia này, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn kêu gọi cộng đồng quốc tế và LHQ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đối thoại và hòa giải của Myanmar, cũng như tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm và nỗ lực của ASEAN trong giải quyết vấn đề.

Ông khẳng định Việt Nam và ASEAN luôn theo dõi sát tình hình và hỗ trợ Myanmar trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Bộ trưởng cũng ủng hộ hợp tác tích cực giữa đặc phái viên Heyzer và Đặc phái viên của Chủ tịch ASEAN phụ trách vấn đề Myanmar trong thời gian tới.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong cuộc điện đàm ngày 14/1. Ảnh: BNG.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong cuộc điện đàm ngày 14/1. Ảnh: BNG.

Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ hỗ trợ Myanmar sớm trở lại bình thường, ổn định, vì lợi ích của nhân dân nước này cũng như hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển chung của khu vực

Myanmar rơi vào hỗn loạn sau khi quân đội nước này bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực hồi tháng 2. Các cuộc biểu tình phản đối nổ ra tại nhiều thành phố của Myanmar và bùng phát thành bạo động, buộc quân chính phủ dùng vũ lực để đẩy lùi. Một số người biểu tình đang dựa vào các nhóm nổi dậy để chống lại quân đội chính phủ Myanmar.

Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Myanmar (AAPP) cho biết hơn 1.300 người thiệt mạng và và 11.000 người bị bắt trong các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar cho rằng con số thương vong trên thực tế thấp hơn.

ASEAN đã nỗ lực thực hiện vai trò hòa giải trong cuộc khủng hoảng Myanmar. Hồi tháng 4/2021, khối đạt đồng thuận 5 điểm nhằm khôi phục ổn định cho Myanmar, nhưng chính quyền quân sự nước này được cho là chưa nghiêm túc thực thi thỏa thuận.

Nguyễn Tiến